Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mạnh tay trấn áp tội phạm, xử lý nạn bảo kê

(SGGP). - “Kinh tế có thể khó khăn nhưng cuộc sống bình an là vấn đề cấp bách luôn phải đảm bảo. Để tội phạm phức tạp là có tội với dân, với Đảng” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với UBND TPHCM ngày 28-1 về công tác thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Quý Tỵ.

(SGGP). - “Kinh tế có thể khó khăn nhưng cuộc sống bình an là vấn đề cấp bách luôn phải đảm bảo. Để tội phạm phức tạp là có tội với dân, với Đảng” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với UBND TPHCM ngày 28-1 về công tác thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Quý Tỵ.

Từ ngày mở đợt cao điểm (15-12-2012) đến nay, TP xảy ra 688 vụ phạm pháp hình sự, giảm 103 vụ (hơn 13%) so với thời gian liền kề. Trong đó, các loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản đều giảm. 34 Tổ Cảnh sát cơ động hoạt động tuần tra, chốt chặn tại các khu vực, địa bàn phức tạp. UBND TP đã chủ động phối hợp với 8 tỉnh thành khu vực giáp ranh phía Nam và các tỉnh trọng điểm phía Bắc. Lần đầu tiên, Công an TP đã phối hợp với lực lượng quân sự các cấp tuần tra. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã chi viện cho TP.

“Các biện pháp đó vừa là quả đấm quyết liệt, vừa răn đe giúp công tác phòng, chống tội phạm có chuyển biến tích cực” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí nhận xét. Tuy vậy, Phó Chủ tịch Lê Minh Trí vẫn không khỏi lo lắng, do thiếu biên chế, có lúc TP dồn lực lượng về khu vực trung tâm để chống cướp giật thì khu vực vùng ven lại rộ lên trộm cắp tài sản. Tình hình tội phạm luôn tiềm ẩn phức tạp. Phải điều chỉnh, tính toán thế nào để sau đợt cao điểm này có lực lượng đấu “đường dài” với các loại tội phạm.

Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng, TP có chuyển biến tích cực nhưng cũng chỉ là kết quả trước mắt của các giải pháp tình thế. Nếu TP lơ là các loại tội phạm sẽ lại manh động. “Đề nghị TP tập trung đánh mạnh vào các băng, ổ nhóm tội phạm; phải rà soát và vạch rõ cần bao nhiêu thời gian để giải quyết các băng, nhóm này? Bộ Công an không thiếu lực lượng. Ngoài lực lượng cơ động, lực lượng sinh viên các học viện cảnh sát, học viện an ninh cũng có thể được tăng cường cho TP. Lãnh đạo Bộ Công an sẽ công khai trên Internet danh sách hàng ngàn đối tượng truy nã để nhân dân dễ dàng phát hiện. Công tác tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm phải được chấn chỉnh lại, để 90% tin báo tố giác tội phạm phải được xem xét giải quyết” - Trung tướng Lê Quý Vương nói rõ.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu cần đặc biệt chú ý phát hiện nạn bảo kê vì tội phạm lộng hành như thời gian qua, dân biết, làm sao công an không biết? “Không biết, hoặc do công an làm ngơ, né tránh bảo kê” - Trung tướng Lê Quý Vương nhận xét. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc bảo kê không phải là nhiều nhưng chắc chắn là có nên tội phạm mới hoành hành như vậy. Công an TP phải kiên quyết hơn, xây dựng đội ngũ chặt chẽ hơn.

“Cần đánh trúng, đánh liên tục, hiệu quả vào các loại tội phạm. Và cuối cùng, phải có người chịu trách nhiệm, không nói chung chung. Bí thư, chủ tịch, trưởng công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tội phạm phức tạp mà lãnh đạo vẫn giữ các chức danh đó thì không được” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục