Nơi có không dùng, nơi muốn dùng không có

TPHCM đã chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư mạng lưới và gắn đồng hồ nước cho hàng ngàn hộ dân đang thiếu nước sạch, sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, nhiều khu vực đã được cấp nước máy nhưng người dân không dùng hoặc chỉ dùng lấy lệ, nhiều người vẫn tiếp tục dùng nước giếng khoan.
Nơi có không dùng, nơi muốn dùng không có

TPHCM đã chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư mạng lưới và gắn đồng hồ nước cho hàng ngàn hộ dân đang thiếu nước sạch, sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, nhiều khu vực đã được cấp nước máy nhưng người dân không dùng hoặc chỉ dùng lấy lệ, nhiều người vẫn tiếp tục dùng nước giếng khoan.

Kiểm tra các hồ nước tại Nhà máy nước Tân Hiệp. Ảnh: T.L

Tính đến nay, Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn đã lắp đặt trên 500 bồn nước tập trung để cung cấp nước sạch cho hơn 24.000 hộ dân các xã Thái Mỹ, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Bình Mỹ, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Phú Mỹ Hưng, An Phú, Phạm Văn Cội, Nhuận Đức, An Nhơn Tây (huyện Củ Chi). Tuy nhiên, nhiều người dân không mặn mà với nguồn nước máy. Người dân ở Củ Chi lâu nay quen dùng nước giếng khoan, theo họ nước lấy từ bồn chứa không trong lại nặng mùi nên bà con không muốn dùng. Tại xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), công ty cấp nước cũng lắp đặt nhiều bồn nước tập trung để cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân tại các khu vực chưa có đường ống, nhưng người dân sử dụng không nhiều. Theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, công ty đã cho lắp đồng hồ tổng và các bồn nước dọc các tuyến đường lớn của huyện Củ Chi để người dân đến lấy nước, nhưng hiệu quả sử dụng không cao. Đơn cử như công ty đã lắp đường ống cho 20 hộ dân ở ấp Tây, xã Tân An Hội, cung cấp nước sạch miễn phí, nhưng mỗi ngày lượng nước tiêu thụ chỉ đạt từ 2m3 - 3m3. Còn với các hộ dân trên đường Cây Trôm, Mỹ Khánh, ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, đường ống cấp nước đã gắn vào tận nhà, nhưng hàng tháng, người dân chỉ sử dụng miễn phí 5m3 nước đầu tiên, rồi không dùng nữa. Một số hộ sử dụng nước máy để nấu ăn còn mọi nhu cầu sinh hoạt như tắm, giặt đều sử dụng nước giếng khoan. Giải thích lý do không sử dụng đồng hồ nước, hầu hết người dân đều cho rằng, chi phí cho nước giếng khoan rẻ hơn nước máy nên được ưa chuộng, dù chất lượng ra sao thì không ai biết.

Theo Sawaco, hiện toàn TP có khoảng 174.498 đồng hồ sử dụng từ 0m3 - 3m³/tháng, trong đó có gần 60.000 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ bằng 0 (tức không sử dụng). Địa bàn có số lượng đồng hồ nước sử dụng từ 0m³ - 3m³/tháng nhiều nhất là quận Bình Tân với gần 13.000 cái, trong đó có gần phân nửa không sử dụng. Các quận Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh, Phú Nhuận và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ… cũng có hàng ngàn đồng hồ nước không sử dụng. Theo Sawaco, chi phí đầu tư gắn số đồng hồ này không hề nhỏ. Trung bình, chi phí gắn 1 đồng hồ nước ở quận Gò Vấp là 4,9 triệu đồng, còn quận 12 là 11 triệu đồng. Riêng dự án cấp nước sạch cho hơn 300 hộ dân ấp Đông Lân (Hóc Môn) có kinh phí đầu tư 6 tỷ đồng, trung bình 1 đồng hồ tốn 53 triệu đồng, nhưng hiệu quả không cao. Đối với những xã vùng sâu ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ, chi phí gắn đồng hồ hàng chục triệu, thậm chí gần 200 triệu đồng/cái. Như vậy, với gần 60.000 đồng hồ nước không sử dụng, nếu tính trung bình chi phí 10 triệu đồng/cái thì số tiền lãng phí phải hơn 500 tỷ đồng.

Người dân không sử dụng nước sạch không chỉ lăng phí mà còn bất công, vì lẽ ra khoản tiền này sẽ dùng để gắn đồng hồ nước cho những khách hàng có nhu cầu bức thiết về nước sạch. Ngoài ra, dù khách hàng không sử dụng, đơn vị cấp nước vẫn phải bỏ chi phí duy trì việc cấp nước liên tục, nên cũng gây lãng phí lớn. Sắp tới, các đơn vị cấp nước sẽ yêu cầu khách hàng trước khi gắn đồng hồ nước phải cam kết sử dụng hiệu quả. Chính quyền địa phương vận động và kêu gọi người dân sử dụng nước máy. Ngoài ra, Sawaco sẽ nghiên cứu việc tháo đồng hồ nước trong trường hợp khách hàng không sử dụng trong thời gian dài.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục