Nhà lưu trú mới đáp ứng được 15,3% nhu cầu của công nhân

(SGGPO).- Ngày 18-4, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM cho biết đến năm 2016, số lượng công nhân tại các khu chế xuất – khu công nghiệp ở TPHCM là 368.500 người. Trong đó, có 258.000 người lao động (70%) có nhu cầu về chỗ ở.

Trong năm 2016, TPHCM chỉ hoàn thành được 1 dự án với quy mô 765 phòng, đáp ứng 4.600 chỗ ở cho công nhân. Nguồn vốn đầu tư dự án là vốn của doanh nghiệp (DN). Như vậy, đến cuối năm 2016, TPHCM có tổng cộng 34 dự án xây dựng hoàn thành với 5.514 phòng, đáp ứng gần 39.400 chỗ ở. So với 258.000 công nhân có nhu cầu về chỗ ở thì nhà lưu trú phục vụ công nhân mới chỉ đáp ứng được gần 15,3%.

Khu lưu trú công nhân Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Đình Dũng cho biết, nhiều khó khăn trong đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Về nguồn vốn đầu tư, TPHCM đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn kích cầu để kêu gọi đầu tư phá triển nhà ở lưu trú công nhân thông qua việc thành phố bù lãi suất vay cho các nhà đầu tư, nhưng chưa có nguồn vốn ưu đãi lớn và ổn định từ Trung ương. Thời gian hỗ trợ lãi suất vay từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn kích cầu của thành phố ngắn, chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Trong khi đó, với nhà đầu tư, việc đầu tư các dự án nhà lưu trú thường ngốn nguồn vốn đầu tư lớn, song thời gian thu hồi vốn kéo dài; bên cạnh đó, chi phí giải phóng mặt bằng cao nên nhà đầu tư ít mặn mà tham gia. DN kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cũng chưa thật sự quan tâm đến việc bố trí quỹ đất hoặc điều chỉnh quy hoạch cục bộ để tạo quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.

Ngay cả UBND các quận – huyện, nơi có các khu công nghiệp tập trung, theo ông Nguyễn Đình Dũng, cũng chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở phục vụ cho công nhân. Các quận, huyện đề xuất quỹ đất chưa phù hợp, không khả thi; bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian; không có quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý để phục vụ cho việc xã hội hóa kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; hoặc cung cấp quỹ đất phù hợp nhưng không đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thời gian qua, khi hình thành và phát triển các khu công nghiệp tập trung, công tác quy hoạch đất xây dựng nhà lưu trú công nhân gắn với các thiết chế văn hóa, xã hội kèm theo như trung tâm sinh hoạt công nhân, trung tâm y tế, khu thương mại, nhà giữ trẻ… chưa được quan tâm.
Đến nay, việc điều chỉnh cục bộ, bổ sung các công trình này vào quy hoạch sử dụng đất còn chậm.

Nghịch lý là trong khi nhà lưu trú mới đáp ứng được 15% nhu cầu của công nhân lao động song lại vẫn bị… ế, chưa khai thác hết công suất. Một trong các nguyên nhân là mô hình nhà lưu trú công nhân chưa đáp ứng nhu cầu và điều kiện sinh hoạt đa dạng của công nhân theo nhiều nhóm đối tượng về lứa tuổi, giới tính, ngành nghề, độc thân hay hộ gia đình…

Một số khu nhà lưu trú cho công nhân có thiết kế phòng ở chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của công nhân. Phòng lưu trú hiện nay chủ yếu là phòng ở tập thể có diện tích lớn, số lượng chỗ ở lớn nhưng lại thiếu chỗ ở cho hộ gia đình công nhân…

Sở Xây dựng TPHCM dự báo, đến năm 2020, dự kiến có 402.000 người lao động (bình quân mỗi năm tăng 2%), trong đó hơn 281.000 người lao động cần chỗ ở. Từ nay tới năm 2020, TPHCM có 19 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân. Dự kiến, đến cuối năm 2020, sẽ có 10 dự án được hoàn thành với gần 6.200 phòng, đáp ứng hơn 40.500 chỗ ở. So với nhu cầu của công nhân, vẫn thiếu hụt khoảng 246.500 chỗ ở. Khoảng 206.000 chỗ ở thiếu hụt còn lại sẽ được đáp ứng bằng hình thức nhà trọ, phòng trọ cho thuê của các hộ gia đình, cá nhân gần các khu công nghiệp tập trung.

Để tháo gỡ các hạn chế trong xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, theo Sở Xây dựng TPHCM, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân. Cụ thể như các DN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, thuê mua và mua để ở cần được vay nguồn vốn ưu đãi, được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ lãi vay với thời gian từ 15-20 năm, được miễn thuế giá trị gia tăng ở mức cao nhất.

Sở Xây dựng TPHCM cũng đề nghị UBND TPHCM điều chỉnh theo hướng tăng hạn mức và thời gian cho vay kích cầu với các dự án xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố; điều chỉnh về hỗ trợ vốn vay cho hộ gia đình, cá nhân để đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê.

       ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục