Ngoắc ngoải ''đất kim cương''

Nói đến trung tâm TPHCM, đường Nguyễn Huệ là một trong 3 tuyến đường có giá đất đắt nhất, theo bảng giá đất được công bố hàng năm của Luật Đất đai trước đây. Giá đất ở khu vực này nếu ví như kim cương cũng không sai, tuy nhiên thật khó tin khi có những dự án nằm ngoắc ngoải…
Ngoắc ngoải ''đất kim cương''

Nói đến trung tâm TPHCM, đường Nguyễn Huệ là một trong 3 tuyến đường có giá đất đắt nhất, theo bảng giá đất được công bố hàng năm của Luật Đất đai trước đây. Giá đất ở khu vực này nếu ví như kim cương cũng không sai, tuy nhiên thật khó tin khi có những dự án nằm ngoắc ngoải…

Hoang vắng tòa nhà số 1

Với lợi thế 4 mặt tiền là đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, tòa nhà Unionsquare có thể nói là đắc địa bậc nhất Sài Gòn. Năm 2013, thị trường bất động sản đóng băng nhưng tòa nhà này đã gây chấn động qua thương vụ chuyển chủ sở hữu 470 triệu USD, tương đương 9.823 tỷ đồng. Theo đó, bên mua tòa nhà là Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD) thông qua hình thức mua toàn bộ phần vốn góp, còn bên bán là Công ty TNHH MTV Dịch vụ đầu tư Tương Lai. Vừa mới xây dựng xong, thương vụ đình đám nói trên đã đem lại cho chủ đầu tư khoản lợi nhuận 4.300 tỷ đồng, con số kếch sù này, tất cả các doanh nghiệp đều mơ ước!

Gian hàng của Nike tầng 3 tòa nhà Union Square thông báo đóng cửa

Trên trang thông tin của chủ đầu tư, tòa nhà Unionsquare gồm 6 tầng ngầm và 9 tầng nổi, tổng diện tích 91.000m², có chức năng thương mại, bán lẻ, khách sạn.

Cụ thể, từ tầng 5 đến 9 là khách sạn tiêu chuẩn trên 5 sao, với gần 300 phòng; Trung tâm thương mại với gần 200 gian hàng, định vị tại 6 tầng sầm uất và bắt mắt. Mặc dù vị trí kim cương như vậy, nhưng sau khi chuyển chủ, hoạt động một thời gian ngắn thì tòa nhà bắt đầu đi vào hoang vắng.

Đầu tiên, 4 tầng khách sạn chưa có một ngày mở cửa đón khách. Tiếp đó, tháng 11-2015, chủ tòa nhà ra thông báo “Sẽ ngưng hoạt động 3 tầng hầm B 1, 2, 3 để quy hoạch và nâng cấp lại; các tầng L1, 2, 3 vẫn tiếp tục hoạt động”. Còn nay, mọi hoạt động ở đây hết sức cầm chừng.

Nói là 3 tầng vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng theo thông tin từ tờ rơi phát cho khách tham quan, tầng L1 chỉ còn 8 gian hàng mở cửa kinh doanh. Tầng L2 “xôm tụ” hơn, có 14 gian hàng hoạt động, các cửa hàng hiệu giảm giá khá sâu, chẳng hạn Brooks Brothers giảm 30%, Mango giảm đến 50%... Tại tầng 3 chỉ còn 2 đơn vị hoạt động, bề thế nhất là hãng Nike với 4 gian hàng, nhưng lại ra thông báo “cửa hàng Nike Union Square sẽ ngừng hoạt động từ ngày 10-8-2016”.

Mặc dù hoạt động của toà nhà ảm đạm nhưng giới đi ô tô làm việc ở trung tâm TP lại kháo nhau, nơi đây là bãi đậu xe lý tưởng: vắng vẻ, trống trải, lúc nào cũng có chỗ trống. Bãi đậu ô tô được nhân viên tòa nhà tiếp thị ngay tại sảnh, khách vãng lai 50.000 đồng/4 giờ đầu tiên, sau đó cộng thêm 20.000 đồng mỗi giờ…

Về tòa nhà này, giới đầu tư nhận xét khá hài hước: một tòa nhà hoang ở trung tâm TP. Nhưng nhìn ở góc độ tài chính thì đây là một câu chuyện giật mình. Nếu lấy giá mua công bố là gần 10.000 tỷ đồng, tính theo lãi suất ngân hàng trung bình của bất động sản là 12%/năm, thì một năm đơn vị mua tòa nhà phải trả lãi 1.200 tỷ đồng (chưa tính lãi mẹ đẻ lãi con) chia ra mỗi ngày phải trả 3,37 tỷ đồng, hoặc một tháng trả 100 tỷ đồng. Vậy, không biết câu chuyện mua bán này là gì, chủ đầu tư mới toan tính thế nào mà sẵn sàng đóng cửa nhiều tầng để sửa chữa một tòa nhà vừa mới xây chưa bay hết mùi sơn, để rồi trả lãi hàng ngàn tỷ đồng? Thật là một ẩn số quá lớn!

Nhà băng cũng đắp mền

Cũng trên đường Nguyễn Huệ, hiện nay chỉ còn một khu đất duy nhất chưa động tĩnh gì là số 117-119 Nguyễn Huệ, chủ đầu tư là nhà băng số một Việt Nam: Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)!

Năm 2007, trong cơn sốt điên khùng của thị trường bất động sản, BIDV đã thể hiện tham vọng của mình bằng việc tổ chức cuộc thi thiết kế quốc tế về phương án kiến trúc tòa tháp BIDV tại địa chỉ trên. Cuộc thi đã chọn đơn vị tư vấn của Singapore đoạt giải nhất, tòa tháp BIDV có quy mô 40 tầng, cao 152m, nằm trên khu đất có diện tích 2.735m². Tháng 10-2007, chủ đầu tư dự án đã ký kết hợp đồng tổng thầu thiết kế kế xây dựng với đơn vị đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế trước đó. Bẵng đi lâu sau, khu đất là bãi giữ xe quen thuộc cho các tòa cao ốc lân cận, có lần được quây tôn lại, sơn phết bên ngoài hình ảnh một số cầu thủ của đội bóng Manchester United sáng loáng khi hai bên hợp tác. Rồi đến nay, chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy BIDV khởi động việc xây dựng.

Trong báo cáo tài chính của BIDV năm 2008, khu đất được thể hiện cụ thể bằng tên gọi công trình tòa tháp BIDV 117 Nguyễn Huệ với số tiền đã rót vào là 373,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2013 cho đến nay, dự án 117 Nguyễn Huệ không còn xuất hiện tên tuổi cụ thể trong báo cáo tài chính của BIDV, mà gọi chung là “các công trình khu vực miền Nam”. Gần 10 năm công bố, dự án vẫn chìm trong hoang vắng, đất vàng hay kim cương cũng chỉ là cục đất, là bãi giữ xe không hơn không kém.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục