Xử lý nghiêm để răn đe

Sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực sự là tội ác đối với đồng loại. Bởi, đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhiều người...
Một điểm sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất, chế biến cà phê vừa bị lực lượng chức năng phát hiện
Một điểm sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất, chế biến cà phê vừa bị lực lượng chức năng phát hiện
Mỗi cục pin nhỏ như ngón tay nhưng lại chứa đựng hàng chục loại hóa chất, kim loại nặng khác nhau như: chì, thủy ngân, mangan, thạch tín... và đó đều là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, tim mạch, thận, gan, mạch máu của con người. Thế nhưng, sự độc hại và nguy hiểm của những viên pin nhỏ bé kia lại đang bị không ít kẻ vô lương tâm “nhắm mắt làm ngơ” cố sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm nhằm thu lợi nhiều nhất, bất chấp các mối nguy hại tới tính mạng và sức khỏe đồng loại. 
Dư luận đầy bức xúc, kinh hãi khi mới đây, cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang một cơ sở chế biến kinh doanh nông sản ở Đắk Nông sử dụng hàng chục kg pin được đập vụn hòa với nước để nhuộm đen hàng tấn cà phê thải loại, phế phẩm nhằm đánh lừa người tiêu dùng khi bán ra thị trường. Còn trước đó cũng chỉ ít ngày, dư luận không giấu nổi căm phẫn khi biết Công ty TNHH Vinaca ở Hải Phòng sử dụng hàng tấn bột than để chế thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư và nhiều loại thực phẩm chức năng khác để bán với giá cắt cổ cho người bệnh. 
Thực tế việc sử dụng pin, hay các loại hóa chất, phẩm màu, phụ gia độc hại, nguyên liệu không rõ nguồn gốc trong sản xuất, chế biến thực phẩm nhằm thu lợi bất chính đã diễn ra tràn lan bấy lâu nay tại nhiều địa phương nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn chưa có được các biện pháp ngăn chặn và xử lý triệt để. Vì thế, những vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm cứ liên tiếp xảy ra, vụ sau lại nghiêm trọng hơn vụ trước, khiến mỗi người dân và cộng đồng xã hội luôn nơm nớp lo sợ và bức xúc. Thực trạng này cũng đồng nghĩa với tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang diễn ra rất phức tạp và nóng bỏng trong mọi khâu, chuỗi: từ nuôi trồng, chế biến, sản xuất cho tới kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Thực phẩm bẩn, nguy hại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội, thiệt hại về kinh tế, cũng như gây ra những hậu họa rất lớn đối với đời sống, xã hội, tương lai thế hệ sau này.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm khiến gần 4.000 bị ngộ độc và 24 người thiệt mạng. Còn trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc cũng đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 216 người phải nhập viện và 3 người tử vong. Những con số trên, dù nghiêm trọng nhưng chưa phản ánh hết tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Đã có nhiều nghiên cứu và điều tra cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm hơn 126.000 trường hợp mắc ung thư mới và trên 94.000 người tử vong do ung thư. Trong đó, ước tính khoảng 1/3 số người mắc ung thư là do chế độ ăn uống dung nạp quá nhiều hóa chất độc hại từ thực phẩm, nước uống. Hàng triệu người đang bị thực phẩm bẩn, nguy hại âm thầm gặm nhấm, bào mòn sức khỏe hàng ngày, hàng giờ. 
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó có nguyên nhân từ việc nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh vì mục đích lợi nhuận đã bất chấp các mối nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng, thực hiện hành vi phạm pháp khi sử dụng các chất cấm, hay các nguyên liệu không rõ nguồn trong quá trình nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Nhưng bên cạnh đó, cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay công tác quản lý về an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại và yếu kém. Trong đó việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp quản lý chưa được thường xuyên, thậm chí có nơi còn trong cảnh “cha chung không ai khóc”. Quá trình kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi còn hạn chế và thụ động. Đặc biệt việc xử lý đối với các cá nhân, tổ chức, đơn vị vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm chưa thực sự kiên quyết, nghiêm khắc nên không bảo đảm tính răn đe.
Sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực sự là tội ác đối với đồng loại. Bởi, đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhiều người, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và giống nòi. Do đó, đã đến lúc các cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền các cấp phải xử lý hình sự đối với mọi cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng hóa chất độc hại, nguyên liệu không rõ nguồn gốc vào trong thực phẩm. Bởi, nếu chỉ xử phạt hành chính thì không thể răn đe và trừng trị tận gốc được nạn thực phẩm bẩn. Cùng với đó cần phải đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm thay đổi hành vi, trang bị kiến thức tới cộng đồng về việc nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, kiên quyết tẩy chay thực phẩm bẩn. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải nâng cao trách nhiệm, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, công khai các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không an toàn để cộng đồng được biết.

Tin cùng chuyên mục