
Chuyên đề là điểm nhấn đặc biệt nhằm tôn vinh hành trình 100 năm hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, khởi đầu từ tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925.
Từ đó, báo chí cách mạng đã trở thành một lực lượng tinh nhuệ trên mặt trận tư tưởng, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, kêu gọi đấu tranh giải phóng dân tộc, cổ vũ phong trào cách mạng và phản ánh đời sống nhân dân qua các thời kỳ lịch sử.

Bốn giai đoạn chính được khắc họa trong trưng bày, gồm: thời kỳ đấu tranh chống thực dân phong kiến (1925–1945); thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945–1954); thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước (1954–1975) và thời kỳ xây dựng, đổi mới, hội nhập (1975–2025).
Trong mỗi giai đoạn, báo chí đều giữ vai trò là “vũ khí sắc bén” của cách mạng, như lời Bác Hồ dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.

Phần hai của chuyên đề là điểm nhấn tri ân báo chí Quảng Bình, một địa phương giàu truyền thống cách mạng.
Từ tờ Con Đường sáng bí mật ra đời trong lao tù năm 1930, đến phong trào “Gió Đại Phong”, “Hai giỏi” và vai trò của Báo Quảng Bình trong công cuộc xây dựng quê hương sau chiến tranh.

Chương trình cũng tri ân các nhà báo gốc Quảng Bình, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bùi Đình Túy, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Đỗ Quý Doãn... những người đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử báo chí cách mạng nước nhà.
Ông Thân Quang Minh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cho biết: “Triển lãm vừa mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, vừa giáo dục truyền thống sâu sắc, là dịp để công chúng hiểu thêm về hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng và tri ân những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo - liệt sĩ đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp”.