
Phát biểu tại tổ đại biểu Quốc hội (ĐB) TPHCM chiều 8-5, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra các dự luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân xem xét rất kỹ để luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai, không nên sửa đổi thường xuyên, liên tục.
“Các đạo luật này phải tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ được quyền con người, quyền công dân, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời thể chế hóa được chủ trương của đảng về bộ máy tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả”, đồng chí Lương Cường nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, mục tiêu của hoàn thiện pháp luật là hướng các cơ quan tư pháp “gần dân, sát dân, bảo vệ dân, tạo điều kiện cho phát triển”. Chủ tịch nước đề nghị phải trả lời cho được các câu hỏi: "Tổ chức như thế này, số lượng cán bộ công chức như thế này đã đủ giải quyết công việc chưa, đã gần dân, sát dân chưa"? Trung ương thống nhất chủ trương tinh gọn rồi, phải thống nhất thể chế hóa ở các đạo luật về tổ chức các ngành tư pháp.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, công tác xét xử phải góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân, không để xảy ra tình trạng người biết luật thì tìm cách lách luật, người không biết thì hành xử sai luật. “Không phải chỉ xử phạt, mà hoạt động xét xử phải mang tính giáo dục, giúp người dân hiểu và tự giác tuân thủ pháp luật”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Cơ bản thống nhất với những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, ĐB Nguyễn Thanh Sang cho rằng, khi tăng số lượng thẩm phán thì số lượng kiểm sát viên cũng cần tăng tương ứng.
ĐB Lê Thanh Phong nhận định, mặc dù Luật Tổ chức Tòa án nhân dân vừa được thông qua, nhưng việc sửa đổi là cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Xuất phát từ thực tiễn TPHCM, ĐB đồng ý thành lập các tòa kinh tế khu vực, trước mắt là tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ và phá sản. ĐB cho biết: “Thực tiễn phá sản ngày càng nhiều, trong khi việc giải quyết loại án đặc thù này rất công phu, phải theo dõi toàn bộ quá trình, có thể tới 5-7 năm, có vụ đến 10 năm mới kết thúc. Bên cạnh đó, 3 năm gần đây còn có loại vụ việc hủy phán quyết trọng tài, ở TPHCM có 70-80 vụ/năm và gia tăng theo từng năm. Loại án này rất cần được xử lý chính xác, chuyên sâu, cẩn trọng”. Còn ĐB Nguyễn Thanh Sang đề nghị thành lập thêm tòa chuyên trách các vụ việc hủy phán quyết trọng tài hoặc phải phân công trách nhiệm rất rõ ràng…
Cùng quan điểm cho rằng khối lượng công việc phải xử lý của Tòa án nhân dân tối cao thời gian tới sẽ rất lớn, ĐB Dương Văn Thăng đồng ý tăng số lượng thẩm phán để đảm bảo thời hạn và chất lượng xét xử. Thậm chí, 23-27 người vẫn là ít, ông Thăng nhận xét.

ĐB Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội thống nhất cao với dự kiến thành lập các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ và phá sản. Cũng đồng ý sự cần thiết thành lập thêm tòa chuyên trách hủy phán quyết trọng tài, ĐB Mãi còn đề xuất thành lập thêm tòa chuyên trách về trung tâm tài chính quốc tế. “Khi trung tâm này đi vào hoạt động, rất cần có tòa chuyên biệt vì sẽ phải áp dụng pháp luật quốc tế, định chế tài phán quốc tế”. ĐB Phan Văn Mãi lý giải.