Khẩn cấp phòng chống virus cúm A/H7N9

Ngày 8-4, trước diễn biến của dịch bệnh cúm A/H7N9 căng thẳng, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam. Theo đó, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế đã đưa ra 4 tình huống phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam.

(SGGP).- Ngày 8-4, trước diễn biến của dịch bệnh cúm A/H7N9 căng thẳng, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam. Theo đó, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế đã đưa ra 4 tình huống phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam.

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người: Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng.

Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người: Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người hoặc từ người sang người.

Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ: Đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng: Giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân.

Theo Bộ Y tế, mặc dù hiện này chưa ghi nhận có bệnh nhân cúm A/H7N9 nhưng căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu và bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm cúm A/H7N9. Đây là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước, bán công và tư nhân trên toàn quốc. Văn bản cũng quy định, tất cả các bệnh phẩm cần phải được bảo quản trong môi trường thích hợp, ở nhiệt độ 4°C và chuyển đến nơi xét nghiệm trong vòng 48 giờ.

Trong trường hợp không thể chuyển bệnh phẩm đến nơi xét nghiệm trong vòng 48 giờ, thì bệnh phẩm phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 70°C hoặc âm 20°C (nếu không có tủ âm 70°C). Tránh làm đông băng và rã đông nhiều lần để phòng ngừa vi sinh vật trong bệnh phẩm mất hoạt tính. Không được bảo quản hoặc vận chuyển trong đá khô (solid carbon dioxide) trừ khi được đóng kín trong ống thủy tinh hoặc trong 2 lớp túi nhựa. 

MINH KHANG

- Thông tin liên quan:

>> Chim di trú mang virus H7N9 đến Trung Quốc

>> Trung Quốc thông qua thuốc mới điều trị cúm gia cầm H7N9

>> Trung Quốc dồn toàn lực ngăn chặn virus cúm H7N9

>> Trung Quốc đóng cửa các chợ gia cầm lớn

Tin cùng chuyên mục