Chuẩn bị sẵn sàng đối phó cúm A/H7N9

* Thông qua phác đồ điều trị cúm A/H7N9

(SGGP).- Ngày 10-4, trước nguy cơ virus cúm A/H7N9 lan rộng và xâm nhập vào nước ta, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã yêu cầu các bệnh viện và Sở Y tế các tỉnh thành trong cả nước chỉ đạo tăng cường khám, phát hiện sớm các ca bệnh viêm phổi nặng không rõ nguồn gốc, các chùm ca bệnh, chụp X-Quang, lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán, phát hiện kịp thời các ca nhiễm virus cúm A/H7N9.

Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly, phương tiện phòng hộ cá nhân và tổ chức việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9 đúng quy định, hạn chế tử vong. Củng cố nguồn nhân lực đã được đào tạo về điều trị cúm A tại các khoa hồi sức cấp cứu, hô hấp, truyền nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tại Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế cho biết, công tác giám sát dịch tại cửa khẩu được thực hiện nghiêm theo các quy định. Trung tâm hiện có 2 máy đo thân nhiệt hồng ngoại và 2 phòng cách ly đặt tại sân bay Nội Bài. Tất cả khách nhập cảnh đều được tiến hành đo thân nhiệt qua máy đo thân nhiệt tự động. Đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 từ khách nhập cảnh. Đến nay WHO vẫn khẳng định không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người dù chưa xác định nguồn gốc của sự lây nhiễm virus này.

Chiều 10-4, TS Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Thú y vùng 6 (TTTY6), xác nhận, xét nghiệm các mẫu yến nuôi trong nhà chết ở TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đều do bị nhiễm virus cúm A/H5N1. Đây là lần đầu tiên phát hiện yến nuôi bị chết vì virus này ở nước ta. Tất cả 3 lần lấy mẫu chim yến chết đều dương tính với virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, những mẫu xét nghiệm từ chim sống và tổ yến vẫn âm tính (không có virus). Việc lây nhiễm virus cúm A/H5N1 cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định nhưng không loại trừ khả năng từ nguồn nước. Kết quả giám sát dịch tễ học của TTTY6 quý 1-2013 cho thấy, tỷ lệ virus cúm A/H5N1 hiện diện trong môi trường ở 11 tỉnh thành thuộc trung tâm là 17%, trong đó, nhiều tỉnh có tỷ lệ khá cao như Bà Rịa - Vũng Tàu: 33,2%, Bình Thuận (25%)… Những nước có nghề nuôi yến lâu đời so với Việt Nam như Indonesia, Thái lan, Malaysia, đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm virus cúm A/H5N1.

Ngày 10-4, ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn đầu đoàn kiểm tra làm việc với tỉnh Đồng Tháp về tình hình phòng chống dịch cúm A/H5N1. Đoàn đã trực tiếp làm việc với Trung tâm y tế dự phòng huyện Cao Lãnh và UBND xã Tân Hội Trung (nơi cư ngụ của cháu Nguyễn Duy Hoàng Huy, 4 tuổi, đã tử vong vì cúm A/H5N1. Đoàn công tác yêu cầu địa phương quản lý, theo dõi chặt chẽ đàn gia cầm, chú trọng việc tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân và tiếp tục giám sát 8 trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1. Đoàn công tác cũng đã đến thăm, chia buồn, động viên gia đình cháu Nguyễn Duy Hoàng Huy.

Kết quả kiểm tra 70 mẫu gia cầm lấy ngẫu nhiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp mới đây cho thấy có 24 mẫu dương tính với virus cúm gia cầm H5N1. 

NGUYỄN QUỐC - CÔNG PHIÊN - BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục