10 sự kiện giáo dục - đào tạo tiêu biểu năm 2012

1. Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo
10 sự kiện giáo dục - đào tạo tiêu biểu năm 2012

Năm 2012 trôi qua trong sự kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân về những đột phá căn cơ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Năm qua, lần đầu tiên, Ban Chấp hành TƯ Đảng đã có cuộc họp bàn toàn diện những vấn đề đặt ra trong lãnh vực “trồng người” - bước quyết định sự tồn vong của cả dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa - nhằm thu hút trí lực trong và ngoài nước vì sự đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục - đào tạo nước nhà. Có niềm vui và nỗi buồn, cuối năm, SGGP lựa chọn 10 sự kiện tiêu biểu trong lãnh vực này.

Học sinh lớp 12A16 Trường THPT Lương Văn Can, quận 8 trong giờ học môn Toán. Ảnh: Mai Hải

Học sinh lớp 12A16 Trường THPT Lương Văn Can, quận 8 trong giờ học môn Toán. Ảnh: Mai Hải

1. Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo

Từ ngày 1-10 đến ngày 15-10, tại Hà Nội, BCH TƯ Đảng khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ 6 để thảo luận, cho ý kiến về Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. BCH TƯ cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào một thời điểm thích hợp. Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và các kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo từ nay đến năm 2020 và Kết luận của hội nghị lần này.

2. Tại kỳ họp thứ ba khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Tư tưởng xuyên suốt của Luật Giáo dục đại học là trao quyền tự chủ ở mức tối đa phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học được phân tầng và xếp hạng theo các tiêu chí: Vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục đại học; quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

3. Việt Nam đạt thành tích tốt nhất tại các kỳ thi Olympic quốc tế

Năm 2012, Việt Nam cử 7 đoàn tham dự các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế và hội thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF). Lần đầu tiên, toàn bộ học sinh của tất cả các đội tuyển đều đoạt huy chương, trong đó có 5 huy chương vàng, 15 huy chương bạc và 11 huy chương đồng. Đây cũng là lần đầu một nhóm 3 học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đoạt giải nhất hội thi Intel ISEF ở lĩnh vực điện và cơ khí. Đặc biệt, đội tuyển dự thi Olympic Toán quốc tế sau 4 năm đã trở lại top 10 đội tuyển có thành tích cao nhất trong 100 quốc gia tham dự kỳ thi.

4. Vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô (Bắc Giang)

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, tại Trường THPT DL Đồi Ngô (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã diễn ra vụ gian lận thi cử gây chấn động cả nước. Các video quay quay lại tình trạng gian lận thi cử trắng trợn, có tổ chức tại Hội đồng thi Đồi Ngô (học sinh thoải mái quay cóp, chép bài; giáo viên tổ chức giải đề và tuồn bài giải vào cho học sinh..) đã được tung có chủ đích lên mạng. Bộ GD-ĐT, công an đã vào cuộc điều tra làm rõ. Sở GD-ĐT Bắc Giang sau đó đã xử lý kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan tới vụ tiêu cực này. Sau vụ việc này, Bộ GD-ĐT thay đổi quy chế tuyển sinh ĐH- CĐ hệ chính quy theo hướng khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh. Việc thay đổi quy chế này với việc cho phép thí sinh được sử dụng thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin (máy quay phim, ghi âm..) nhằm tố cáo tiêu cực đã gây nhiều lúng túng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012.

5. Bộ GD-ĐT thay đổi quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2012

Theo đó, cho phép các trường kéo dài thời gian xét tuyển đến 30-11, thí sinh được phép nộp bản sao kết quả thi, được rút hồ sơ xét tuyển đã gây nhiều tranh cãi. Bộ GD-ĐT khẳng định thay đổi này nhằm tạo thêm cơ hội cho thí sinh, giúp các trường tốp dưới và ngoài công lập tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, thực tế mùa tuyển sinh 2012 rất ảm đạm. Các trường cho rằng, việc bộ kéo dài thời gian xét tuyển, cho phép thí sinh nộp nhiều hồ sơ đã tạo ra số thí sinh trúng tuyển ảo rất nhiều và làm mất tính ổn định trong tuyển sinh của các trường. Khi kết thúc xét tuyển, trường đã tuyển đủ chỉ tiêu nhưng sau đó một số trường công lập hạ điểm chuẩn nên nhiều thí sinh rút hồ sơ. Hơn nữa nhiều trường công lập năm nay lấy bằng điểm sàn nên việc kéo dài thời gian xét tuyển không còn ý nghĩa trong việc giúp các trường tốp dưới tuyển đủ chỉ tiêu. Rất nhiều trường tốp dưới, ngoài công lập chỉ tuyển được được 20%-30% chỉ tiêu, nhiều ngành đào tạo tiếp tục phải đóng cửa.

6. Bộ GD-ĐT đẩy mạnh chấn chỉnh liên kết đào tạo

Hàng loạt đơn vị sai phạm liên kết đào tạo đã bị “sờ gáy” trong năm 2012 như trường ĐH Mở Hà Nội, Công ty FTMS, ĐH Hoa Sen,Viện Quản trị tài chính, Công ty Melior Việt Nam, Công ty CNTT & QTKD Singapore... Việc liên kết đào tạo không phép giữa các cơ sở đào tạo trong nước với nhau cũng được bộ mạnh tay xử lý. Tuy vậy, do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các bộ ngành và địa phương chưa chặt chẽ, nên dù đã bị thanh tra, kiến nghị xử lý triệt để nhưng cuối cùng vẫn để xảy ra trường hợp đáng tiếc như trường hợp Trường Kinh doanh Melior (trụ sở tại 97 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận - TPHCM) đột ngột đóng cửa, giám đốc biến mất cùng khoản học phí khổng lồ của nhiều học viên.

7. Lần đầu tiên, một người làm việc trong nước được đặc cách giáo sư

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý với Hội đồng chức danh giáo sư (GS) nhà nước về 2 trường hợp được đề nghị đặc cách đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS. Cụ thể, công nhận chức danh GS đối với PGS, tiến sĩ khoa học Phùng Hồ Hải, Viện Toán học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; công nhận chức danh PGS đối với tiến sĩ Phạm Hữu Anh Ngọc, giảng viên Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Như vậy, ông Phùng Hồ Hải là người đầu tiên trong nước được công nhận GS đặc cách (trước đó đã có những người làm việc ở nước ngoài được công nhận là GS của Việt Nam như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn...). GS Phùng Hồ Hải sinh năm 1970, cũng là GS trẻ nhất năm 2012. GS Phùng Hồ Hải là nhà toán học trẻ, có nhiều công trình được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng trên thế giới, có thành tích khoa học xuất sắc. Ông được mời làm việc tại các Viện Nghiên cứu toán - lý lớn như: Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ở Trieste (Italia), Viện Max Planck về toán ở Bonn (Đức), Viện Nghiên cứu các khoa học về toán tại Berkeley (Mỹ)…

8. Thí điểm tuyển giáo viên bản ngữ là người Philippines

Sở GD-ĐT TPHCM khởi động đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020” do UBND TPHCM phê duyệt, trong đó thí điểm tuyển dụng 100 giáo viên bản ngữ là người Philippines. Chủ trương thuê giáo viên Philippines (trả mức lương 2.000 USD/tháng) bằng chủ trương xã hội hóa gây sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến đa chiều – đồng thuận lẫn phản đối. Dự kiến đầu năm 2013, số giáo viên mới tuyển dụng đợt đầu được 29 người sẽ đưa về các trường học của TPHCM và xúc tiến theo nôi dung của đề án, tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn cho học sinh. Sau sự khởi động của TPHCM, nhiều tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng bắt đầu học tập hướng đi của TP.

9. Đứng thứ hai Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ IX

Trong Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ IX tổ chức tại Jakarta (Indonesia) tháng 11-2012, đoàn Việt Nam có 44 thí sinh của các trường dạy nghề tham dự 22 nghề và đạt thành tích đứng thứ 2 toàn đoàn với 5 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 5 huy chương đồng, 11 chứng chỉ nghề xuất sắc. Những nghề giành huy chương vàng là nấu ăn, ốp lát tường và sàn, xây gạch và thiết kế.

10. Sau 2015 sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa để chọn lựa

Chủ đề nóng được bàn thảo, góp ý nhiều nhất là định hướng đổi mới cơ bản chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 sao cho hiệu quả. Theo đó việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa phải đổi mới triệt để, hướng tới phương pháp dạy học tích hợp, dạy học phân hóa. Như thế, trên cơ sở một bộ chương trình chung, sau năm 2015, sách giáo khoa phổ thông sẽ có nhiều bộ và người học, phụ huynh và giáo viên sẽ chọn lựa theo yêu cầu và điều kiện của từng vùng, từng địa phương.

Ban Khoa Giáo thực hiện

Tin cùng chuyên mục