
1. Máy bay 2 tầng Airbus 380 bay thử nghiệm thành công vào ngày 18-1 mở ra kỷ nguyên mới về loại vận tải hàng không có sức chuyên chở lớn. Airbus 380 là máy bay 2 tầng đầu tiên trên thế giới với 555 chỗ ngồi, được xem là chương trình đầy hoài bão của ngành hàng không dân dụng.

Máy bay 2 tầng Airbus 380.
2. Tàu vũ trụ Thần Châu 6 - bước tiến mới của hàng không vũ trụ Trung Quốc: Ngày 12-10-2005, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 6 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F lên quỹ đạo từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc (Tây Bắc, Trung Quốc).
Ngày 17-10, tàu vũ trụ Thần Châu 6 của Trung Quốc đã trở về trái đất an toàn (ảnh 2). Dự kiến Trung Quốc sẽ phóng Thần Châu - 7 vào năm 2007 nhằm tiến hành thí nghiệm đưa phi công vũ trụ ra đi bộ trong không gian.
3. Năm kỷ niệm đại văn hào Hans Christian Andersen trên toàn thế giới: Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Đại thi hào Andersen (2-4-1805 – 2-4-2005), người dân Đan Mạch và nhiều nước trên thế giới đã tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể hiện hình tượng các nhân vật trong các câu chuyện cổ tích của ông như nàng tiên cá, cô bé bán diêm, chú vịt con xấu xí (ảnh 3)…
Nhân dịp này, nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh và ca sĩ Thanh Lam đã được chọn làm đại sứ thiện chí Andersen tại Việt Nam, tham gia vào chương trình “Chuyến tàu cổ tích” xuyên Việt tái hiện lại những tác phẩm của Andersen cho các bạn nhỏ.
4. Nhà khoa học Albert Einstein (ảnh 4)– Năm 2005 được chọn là năm “Vật lý thế giới” để kỷ niệm 100 năm ngày Einstein cho xuất bản 5 tiểu luận khoa học xuất chúng của mình, một trong số đó có công thức vĩnh cửu: E = mc2.
5. Khí CO2 tăng kỷ lục: Theo công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học thì năm 2005 có mức độ khí thải CO2 cao nhất trong vòng 650.000 năm qua. Năm 2005 cũng được xem là năm nóng thứ nhì kể từ năm 1860. Nhiệt độ trung bình trong năm 2005 trên thế giới tăng 0,48 độ C, chỉ sau năm 1998 (năm có hiện tượng El Nino).
6. Scandal lớn nhất trong lĩnh vực khoa học trong năm 2005 xuất phát từ vị giáo sư Hàn Quốc Hwang Woo Suk (ảnh) khi ông này bị phát hiện đã “bịa” ra toàn bộ công trình nghiên cứu sinh sản vô tính phôi thai người, trong đó đáng chú ý là có cả công trình đã được đăng trên tạp chí Science đầy uy tín của Mỹ. Chính vì lý do này mà giáo sư Hwang buộc phải tuyên bố từ bỏ hàm giáo sư tại trường Đại học quốc gia Seoul. Bộ Khoa học-Công nghệ Hàn Quốc còn tuyên bố sẽ tước bỏ danh hiệu “Nhà khoa học cao cấp số một của Hàn Quốc” đối với ông Hwang. Thậm chí, có thể ông sẽ bị truy tố. Từ chỗ được xem như người anh hùng dân tộc, ông Hwang gần như đã mất tất cả.
7. Con người có thể thay mặt: Ngày 27-11-2005, Isabelle Dinoire, một phụ nữ 38 tuổi, đã trở thành người đầu tiên được phẫu thuật ghép mặt trên thế giới. Phần dưới gương mặt của bà bị biến dạng nghiêm trọng do chó cắn. Cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng 5 giờ trong một bệnh viện tại thành phố Amiens (Pháp).
8. Kịch tính quanh giải Nobel Văn chương: Trong khi các giải Nobel khác được công bố rình rang, thì giải Nobel Văn chương 2005 liên tục bị dời lại từ ngày 6 đến ngày 13-10 mới công bố. Cuối cùng, Nobel Văn chương 2005 cũng được trao cho Harold Pinter, nhà soạn kịch người Anh với lý do “Kịch của H.Pinter phát hiện ra những điều khủng khiếp ẩn giấu dưới những vụn vặt đời thường và có khả năng mở toang cánh cửa những cảm xúc giấu kín của sự đè nén”.
9. Hàng loạt chương trình hòa nhạc từ thiện mang tên Live 8 do ca sĩ nhạc rock Bono chủ trì đồng loạt diễn ra tại nhiều thành phố lớn trên thế giới song hành với cuộc họp thượng đỉnh nhóm G8 nhằm kêu gọi nhóm này mở thêm hầu bao. Kết quả là các nước G8 hứa hẹn tăng gấp đôi số tiền viện trợ cho châu Phi (50 tỷ USD vào năm 2010) và cam kết xóa nợ cho các nước nghèo nhất thế giới.
10. Năm sách về chiến tranh bán chạy nhất: Chỉ riêng tại Mỹ, trong số những bestseller có cuốn The Coldest Winter (Mùa Đông lạnh nhất) của tác giả Paula Fox viết về bối cảnh châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai. The Assassins’Gate: America in Iraq (tạm dịch: Cánh cổng của những vụ mưu sát: Nước Mỹ ở Iraq). Hai cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam cũng được các phương tiện truyền thông thế giới chú ý, xem như một Anna Frank của Việt Nam.
QUỐC TẾ tổng hợp