Rừng xanh thay lá…

1.001 kiểu “ăn rừng”

Chuyển đổi mục đích
1.001 kiểu “ăn rừng”

Tỉnh Đắk Lắk hiện phải tạm dừng chủ trương cho các doanh nghiệp khảo sát lập dự án trồng rừng, trồng cao su vì tại các dự án này đang để mất rừng quá nhiều, xảy ra tranh chấp đất giữa doanh nghiệp với người dân làm mất ổn định địa phương… Tại huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên), phá rừng rồi ồ ạt chở gỗ như… hành quân. Ở tận cùng đất nước, mỗi ngày có hàng trăm cây đước trong Vườn quốc gia Cà Mau bị đốn hạ để lấy củi hầm than. Rừng đã và đang thay lá; lá vàng úa, khô mục thay cho màu xanh. Lá cao su đang thay cho các loại lá rừng…

Rừng và đất rừng được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk giao để khoanh nuôi bảo vệ, trồng rừng, trồng cao su, nhưng nhiều doanh nghiệp sau khi chạy được dự án lại lo chuyển đổi mục đích sử dụng và sang nhượng dự án, thậm chí có doanh nghiệp còn biến mất sau khi gây hậu quả…

Công ty Hoàng Nguyễn muốn chuyển đổi mục đích đầu tư vì dự án có đất nằm cạnh quốc lộ 14.

Công ty Hoàng Nguyễn muốn chuyển đổi mục đích đầu tư vì dự án có đất nằm cạnh quốc lộ 14.

Chuyển đổi mục đích

Ngày 21-7-2009, Công ty TNHH Hoàng Nguyễn được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 438ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 9, 17 của xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo để trồng cao su và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Nhưng từ đó đến nay, công ty này mới trồng được khoảng 20ha cao su hơn tuần tuổi. Đứng lại bên hố một cây cao su mới trồng, ông Thạch, Phó Giám đốc công ty, trần tình: “Đất này nhiều đá và nước quá, chúng tôi phải đào rãnh thoát nước rồi mới trồng được cao su. Ban đầu, cứ nghĩ trên đồi cao thế này làm gì có nước ngầm. Ai ngờ, chỉ cần đào 0,3m, nước tràn lên. Vì tốn công xử lý đất, bây giờ công ty mới trồng được hơn 20ha cao su”.

Ông Y Manh Adrơng, Phó Chủ tịch huyện Ea H’leo, cũng cho rằng: “Khu vực này là rừng khộp lắm sỏi đá và nhiều nước, sinh cảnh đó chỉ phù hợp cho cây rừng sinh sống mà thôi. Nhưng không hiểu sao, tỉnh lại quy hoạch cho trồng cao su”.

Không rõ do vô tình hay cố ý đầu tư, nhưng hiện Công ty Hoàng Nguyễn đang xin chuyển mục đích sử dụng đất vì mặt tiền dự án của công ty kéo dài hơn 2km dọc theo quốc lộ 14. Vào ngày 16-5, công ty đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất xin chủ trương lập quy hoạch tổng thể mặt bằng 1/500 dự án khu dân cư, thể thao, cửa hàng xăng dầu, trạm dừng nghỉ… tại tiểu khu 9 của xã Ea H’leo. Ngày 26-5, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết chủ trương xin lập quy hoạch nói trên của Công ty Hoàng Nguyễn.

Mới đây, làm việc với PV Báo SGGP, ông Lâm Tứ Toàn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nói rằng công ty này chưa cung cấp đủ hồ sơ nên chưa có kết quả làm việc. Tuy nhiên, khi PV muốn tìm hiểu cụ thể việc Công ty Hoàng Nguyễn xin lập quy hoạch thì ông Toàn nói rằng “không thích” cung cấp.

Lừa đảo, rao bán dự án

Cách đây 7 năm, Công ty Nghiệp Lâm (TPHCM) được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê hơn 900ha đất ở 3 xã Hòa Lễ, Cư Kty và Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông. Năm 2005, công ty này đã liên kết với người dân 3 xã trên để trồng rừng. Theo hợp đồng liên kết, công ty đầu tư giống, công chăm sóc… cho người dân với số tiền 11,8 triệu đồng/ha/chu kỳ 5 - 7 năm. Khi thu hoạch, sản phẩm được ăn chia theo tỷ lệ người dân 60%, doanh nghiệp 40%. Nhưng sau 2 năm liên kết, công ty chỉ trồng được hơn 200ha và từ đó biệt tăm, ngừng hẳn việc đầu tư như đã cam kết. Dù không được công ty đầu tư theo những cam kết trong hợp đồng, người dân vẫn bỏ tiền túi để thuê nhân công chăm sóc, bảo vệ… Đến năm 2010, vẫn không thấy công ty có động tĩnh gì, một số hộ dân sốt ruột đã khai thác bán cho tư thương để lấy tiền đầu tư và cải tạo lại đất trồng cây ngắn ngày. Tại hai xã Hòa Lễ và Cư Kty, phần lớn diện tích rừng được người dân khai thác bán cho tư thương với giá rẻ.

Website Chutin.vn rao bán dự án trồng cao su tại huyện Ea H’leo.

Website Chutin.vn rao bán dự án trồng cao su tại huyện Ea H’leo.

Anh Võ Viết Sâm (ở thôn 4 xã Hòa Lễ) thở dài ngao ngán: “Những tưởng 3ha rừng nhận trồng liên kết với Công ty Nghiệp Lâm sẽ là cơ hội để chúng tôi xóa đói giảm nghèo, nhưng công ty chỉ đầu tư giống và trả tiền công chăm sóc trong năm đầu, sau đó biệt tăm biệt tích. Nay 3ha keo lai đã đủ tuổi, chúng tôi phải vay mượn đầu tư chăm sóc suốt 5 năm qua”.

Ông Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho biết: Sau 1 năm ký kết các hợp đồng kinh tế với người dân, Công ty Nghiệp Lâm đã không có mặt ở địa phương để thực hiện các nghĩa vụ như đã ký kết. Đến nay đã 6 năm, chính quyền địa phương nhiều lần cố gắng liên hệ nhưng không cách gì liên lạc được. Nghiêm trọng hơn, công ty này còn dùng sổ đỏ được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp năm 2008 (diện tích 216ha) để lừa đảo vay vốn. Bà Trần Thị Thanh Hồng (ở 73 Trần Hưng Đạo, TP Buôn Ma Thuột) có đơn tố cáo ông Nguyễn Trọng Lộc, Giám đốc Công ty Nghiệp Lâm, đã dây dưa không hoàn trả số tiền 800 triệu đồng bà đã góp vốn trồng rừng như đã ký kết vào ngày 14-11-2005. Được biết, ông Lộc còn vay của nhiều người khác ở TP Buôn Ma Thuột hàng trăm triệu đồng nhưng đến nay vẫn không chịu trả.

Không chỉ lừa đảo, nhiều doanh nghiệp được giao đất rừng ở Đắ Lắk còn công khai rao bán trên mạng. Ngày 18-1, website chutin.vn đã rao bán 1.500ha đất trồng cao su tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) với giá 25 triệu đồng/ha. Người đăng tin quảng cáo nói rằng: Đất đã có dự án được phê duyệt, có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; toàn bộ diện tích này là rừng chưa khai hoang, trữ lượng gỗ khoảng 50m³/ha và khách hàng có quyền thu hoạch toàn bộ. Cũng tại website này, một người khác rao tin cho thuê 350ha đất trồng cao su tại xã Quảng Sơn, cách thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông) 40km với giá 17 triệu đồng/ha. Còn ngày 12-8, tại website datvuon.net, một người tên Dũng rao bán 500ha rừng (đất đã có sổ đỏ) tại huyện Ea Súp với giá 18 triệu/ha. Bây giờ, chỉ cần vào google.com.vn gõ câu “bán đất rừng ở Đắk Lắk”, sẽ có hàng chục kết quả rao bán rừng (!).

  • Đắk Nông: Mất thêm 200ha rừng

Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết: Trong 7 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 200 vụ vi phạm lâm luật làm thiệt hại hơn 200ha rừng, trong đó có 173ha bị phá trái phép. Các huyện có rừng bị mất nhiều là Tuy Đức (110ha), Đắk R’lấp (24ha), Đắk G’long (30ha), Cư Jút (19ha)... Rừng bị phá tập trung chủ yếu thuộc các doanh nghiệp tư nhân được tỉnh giao quản lý, bảo vệ và trồng rừng, trồng cao su. Huyện Tuy Đức là địa phương có số doanh nghiệp để mất rừng nhiều nhất với 13 doanh nghiệp, huyện Đắk G’long có 5 doanh nghiệp. Còn nhiều doanh nghiệp tư nhân khác ở huyện Cư Jút, Đắk R’lấp cũng không giữ được rừng. Không chỉ thế, nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng để mất rừng với diện tích lớn như: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn để bị phá hơn 14ha rừng tự nhiên, Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha 7,1ha rừng, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Tín hơn 15 ha rừng…

Công Hoan

Tin cùng chuyên mục