13 năm, chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng - Vững tiến một chặng đường

Ý nghĩa lớn...
13 năm, chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng - Vững tiến một chặng đường

Khi ngoài trời đỏ rực màu hoa phượng cộng với tiếng kêu rỉ rả đêm ngày của những “nhạc sĩ” ve sầu báo hiệu mùa hè thì cũng là thời điểm Báo SGGP cùng các cá nhân, đơn vị đồng sáng lập Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng lại tất bật cho công tác chuẩn bị khởi động và tổ chức chương trình lễ trao món quà tinh thần cao quý này cho các bác sĩ trẻ vùng sâu, nữ hộ sinh thôn bản miền núi và nhất là sinh viên ngành y dược vượt khó học giỏi…

Bác sĩ Ngô Đình Phương Thảo (phải), cựu sinh viên được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng, tại Phòng khám nhi Bệnh viện Thủ Đức. Ảnh: Lã Cường

Bác sĩ Ngô Đình Phương Thảo (phải), cựu sinh viên được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng, tại Phòng khám nhi Bệnh viện Thủ Đức. Ảnh: Lã Cường

Ý nghĩa lớn...

Tính từ thời điểm bắt đầu hình thành (năm 1999) đến nay, quỹ học bổng đã đi được chặng hành trình 13 năm. Trong 13 năm không ngừng xây dựng và phát triển, chương trình đã chứng minh được sức lan tỏa, ý nghĩa xã hội đối với cộng đồng. Cụ thể, từ 40 triệu đồng khởi đầu của cố bác sĩ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Văn Hưởng trao tặng, đến nay, số tiền do các mạnh thường quân đóng góp đã lên gần 3 tỷ đồng. Từ con số khiêm tốn 40 - 50 suất học bổng/năm (trị giá 1 - 2 triệu đồng/suất) những năm đầu hoạt động, bắt đầu từ lần trao học bổng thứ 7 (2005) đến lần thứ 12 (2010) số lượng và định mức đã tăng lên 60 - 70 suất/năm (trị giá 3 - 5 triệu đồng/suất). Không dừng lại ở đó, trong buổi họp báo chuẩn bị cho lễ trao học bổng lần thứ 13 (2011) vào đầu tháng 4 vừa qua, hội đồng quản lý quỹ đã thống nhất trao trên 80 suất học bổng với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.

Bước phát triển nhảy vọt của quỹ học bổng chính là kết quả “có hậu” từ sự chung tay góp sức, một lòng vì sự nghiệp vun bồi tài đức cho các “blouse trắng” đang độ tuổi thanh xuân, tràn đầy nhiệt huyết, của những cá nhân, đơn vị tham gia sáng lập và gắn bó mật thiết suốt quá trình hơn chục năm xây dựng. Ngay từ buổi đầu thành lập, quỹ đã may mắn nhận được sự tham gia đỡ đầu và cố vấn hữu ích của các giáo sư, bác sĩ tên tuổi hàng đầu trong ngành y như Giáo sư viện sĩ Dương Quang Trung, Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Khánh Dư, bác sĩ Trần Đông A, Anh hùng lao động - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Anh hùng lao động - bác sĩ Phan Kim Phương…

Bằng tâm huyết và uy tín của mình, ngoài vị thế là thành viên chủ chốt của hội đồng quản lý quỹ, họ còn đóng vai trò là nhịp cầu kết nối những trái tim nhân ái vì thế hệ thầy thuốc trẻ tương lai thông qua việc vận động đồng nghiệp, bằng hữu cùng các mối quan hệ xã hội khác trong việc gây quỹ. Bằng chứng là bắt đầu từ lần trao học bổng thứ 3 trở về sau đã có sự tham gia đóng góp tài chính từ các đơn vị ngành y lớn như Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn… và cả hai đơn vị thụ hưởng chính của chương trình học bổng là Đại học Y Dược thành phố, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

... Sức lan tỏa rộng

Ngoài những cá nhân, đơn vị trong ngành y, góp phần cho sự “đơm hoa, kết trái” của quỹ học bổng còn có tấm lòng của những mạnh thường quân và đơn vị doanh nghiệp giàu tình cảm, tinh thần sẻ chia trách nhiệm xã hội khác. Trải qua 8 năm gắn bó, đến nay, với hơn 600 triệu đồng tài trợ, Công ty Zuellig Pharma Việt Nam cho thấy rõ phương châm kinh doanh luôn song hành với trách nhiệm xã hội mà đơn vị đã khẳng định. Tại lễ trao học bổng lần thứ 13 tới đây, Zuellig Pharma Việt Nam lại một lần nữa đảm nhận vai trò là nhà tài trợ chính với mức đóng góp 50 triệu đồng.

Những người làm chương trình cũng không thể nào quên nghĩa cử cao đẹp của cố bác sĩ Nguyễn Văn Trong (cựu Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Y tế) đã viết di chúc ủng hộ cho quỹ trước lúc qua đời. Còn đối với bà quả phụ Tạ Trung Quấc thì việc góp sức ươm mầm tài năng bác sĩ trẻ ngoài việc thể hiện cái nghĩa đối với tâm nguyện lớn lao của người bạn đời quá cố (bác sĩ Tạ Trung Quấc) còn là niềm vui, niềm hạnh phúc khi tuổi đã xế bóng. Suốt 6 năm đồng hành cùng quỹ, số tiền bà dành ủng hộ sinh viên ngành y có hoàn cảnh khó khăn cùng các sinh viên nghèo ở tỉnh xa lên thành phố học cũng đã tròm trèm con số 1 tỷ đồng. Cũng theo di nguyện của chồng, cố giáo sư ngành dược liệu học Nguyễn Viết Tựu, cụ bà Nguyễn Kim Sâm đã không chút ngần ngại dành toàn bộ số tiền lương hưu ít ỏi 1 - 2 triệu đồng của mình đóng góp cho quỹ. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng năm nào cụ bà cũng tham dự đầy đủ các cuộc họp hội đồng quản lý quỹ và góp nhiều ý kiến quý báu cho đường hướng phát triển quỹ.

Sau 13 năm, con số gần 700 sinh viên y dược, hơn 100 bác sĩ trẻ vùng sâu vùng xa và nữ hộ sinh thôn bản miền núi được nhận học bổng, đã khẳng định được rằng quỹ học bổng đã và đang tiếp tục phát triển. Xin được kính gửi trọn thành quả đáng trân trọng này, như một nén hương lòng dành tưởng nhớ đến người có công đặt viên đá đầu tiên để xây dựng quỹ - cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nhà cách mạng lão thành, người thầy thuốc vẹn toàn 3 chữ: Tài - Đức và Tâm.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục