(SGGP).- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS) cho các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 TS góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Thời gian thực hiện đề án là 10 năm, từ 2010 đến 2020.
Theo đề án này, sẽ đào tạo khoảng 10.000 TS ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới, đồng thời liên kết đào tạo TS giữa các trường đại học trong nước với trường đại học nước ngoài. Đối tượng tuyển chọn đào tạo TS là giảng viên các trường ĐH-CĐ trong toàn quốc; nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu khoa học; sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ đạt từ loại khá trở lên. Những người có năng lực và trình độ chuyên môn đang làm việc tại các đơn vị ngoài nhà trường, có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên ĐH-CĐ sau khi được đào tạo, có độ tuổi không quá 45 tuổi. Ưu tiên giảng viên các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học trọng điểm. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 14.000 tỷ đồng.
* Ngày 25-6, tại TPHCM, dự án phát triển giáo dục trung học cơ sở 2 (Bộ GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo triển khai xây dựng câu lạc bộ, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (HS) các trường THCS. Hơn 100 đại biểu thuộc các tỉnh thành trong cả nước đã tham dự.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến khẳng định việc tổ chức triển khai xây dựng các loại hình câu lạc bộ HS là một trong những biện pháp để thực hiện các nội dung của phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện. HS tích cực tham gia vào nhiều loại hình hoạt động ngoài giờ lên lớp, sẽ giúp các em rèn luyện kỹ năng sống. Những câu lạc bộ phù hợp với lứa tuổi học sinh: CLB bạn gái, tuổi teen, tình bạn, tình yêu, học tập… sẽ tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giáo dục đạo đức, lối sống… giúp các em giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống nhằm tránh được các tình trạng như bạo lực, tiêu cực trong nhà trường.
L.NGUYÊN – L.LINH