Tại cuộc họp giao ban báo chí về Thực trạng đóng và hưởng các chính sách bảo hiểm, do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức chiều 30-5 tại Hà Nội, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, nhiều người lao động bị mất việc làm trong khi đời sống khó khăn, họ không còn thiết tha với bảo hiểm xã hội (BHXH), bắt buộc phải làm chế độ để hưởng chính sách BHXH 1 lần, tức là không có lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
Đây cũng là vấn đề rất nóng xảy ra thời gian gần đây mà người lao động lẫn các nhà hoạch định chính sách, cơ quan bảo hiểm đều rất quan tâm.
Phó trưởng Ban Quan hệ lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay số lượng người lao động làm chế độ để nhận trợ cấp 1 lần đang tăng cao, lũy kế 5 tháng đầu năm 2018 đã lên tới gần 300.000 người.
Đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng người lao động từ khoảng 35-40 tuổi bị sa thải.
Theo ông Lê Đình Quảng chia sẻ, tại diễn đàn Quốc hội cũng từng tranh cãi về hiện tượng này có thật không?
“Tôi khẳng định đây là xu hướng có thật”, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động nói, vì qua phản ánh của các cấp công đoàn và khảo sát của Viện Công nhân công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ số liệu của các trung tâm giải quyết trợ cấp thất nghiệp đã minh chứng cho sự thật này.
Ông dẫn chứng: “Ví dụ như ở Hà Nội chẳng hạn, theo hồ sơ trong tổng số hơn 10.000 người lao động đi làm trợ cấp thôi việc thì trên 90% là người trên 35 tuổi”.
Ông dẫn chứng thêm: “Vừa rồi Hội đồng Tiền lương Quốc gia chúng tôi đi khảo sát tại Công ty Minh Phú ở tỉnh Hậu Giang, họ có khoảng 15.000 lao động nhưng họ bảo 4 năm rồi ở đây chỉ có duy nhất 1-2 người về hưu. Đó là ông tổng giám đốc cung cấp cho đoàn”.
Điều đó cho thấy, đây là hiện tượng có thật trong quan hệ lao động hiện nay. Đa số người lao động phải nghỉ trước tuổi, thậm chí là nghỉ việc quá sớm ở tuổi 35-40 là làm việc tại các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản…
Có 2 lý do, một là vì đến tuổi 35-40 thì người lao động không thể đứng ở môi trường đó được nữa, họ phải tự thôi việc. Hai là một số doanh nghiệp tìm mọi cách để vận động người lao động thôi việc vì càng thâm niên thì doanh nghiệp càng phải trả lương cao, tiền đóng bảo hiểm cũng cao hơn. Trong khi đó muốn tăng ca tăng kíp rất khó.
Điều kiện sống của người lao động sau khi mất việc thì quá khó khăn. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà ông Lê Đình Quảng nêu dẫn chứng, trên 52% người lao động phải cả làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống. Chỉ có 16% người lao động có tích lũy.
“Khảo sát nhiều năm đều cho con số như vậy”, ông Quảng nói. Phần lớn là chỉ đủ trang trải thôi nên khi thôi việc là không có thu nhập và vì đời sống khó khăn họ phải xin nhận trợ cấp 1 lần.
Còn theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đây là vấn đề lo ngại, nếu người lao động ở lại hệ thống BHXH lâu hơn thì sẽ được hưởng quyền lợi tốt hơn.
Nhưng ông Lê Đình Quảng lại cho rằng, hệ thống chính sách BHXH không hấp dẫn nên cũng không thu hút được người lao động muốn gắn bó với hệ thống BHXH khi có quy định đóng bảo hiểm 20 năm mới được hưởng chính sách, trong khi tuổi đời của người lao động còn rất trẻ. Đang trẻ mà chờ đợi đến lúc được hưởng BHXH thì rất lâu.