Tác giả của 250 cây cầu từ thiện ấy là ông Nguyễn Văn Tổng (Bảy Tổng), một thầy giáo nghèo từng có lúc phải sống ở gầm cầu, hành nghề mua bán ve chai hàng chục năm trước. khi trở thành chủ doanh nghiệp, ông lại “đam mê” xây cầu giúp đời …
Cây cầu bê tông ngang 2,7m, dài 50m vắt ngang con kênh trong xanh thuộc ấp Tân Hòa B, xã Tân Hòa huyện Tân Hiệp mà chúng tôi có dịp tham quan vào những ngày đầu tháng 4 vừa qua là một trong 7 cây cầu mà đội thi công do ông Bảy Tổng chỉ đạo đang thực hiện tại các xã vùng sâu của tỉnh Kiên Giang. Đây là số cầu từ thiện góp phần nâng thành tích xóa cầu khỉ nông thôn của ông lên con số thứ 250.
Mặc dù phải hơn 3 ngày nữa mới tiến hành tháo cốt pha và cuối tháng mới khánh thành nhưng “nhận thấy” mặt cầu đã khô, lan can sắt đã được hàn rất chắc chắn nên nhiều cô bác và các em học sinh Trường Tiểu học Tân Hiệp B đã “tranh thủ” bước qua bục cản băng ngang “cho tiện”.
Ông Nguyễn Văn Huyên (73 tuổi), bậc trưởng thượng đồng thời là người gắn bó cả cuộc đời với cái ấp Tân Hòa B nghèo khó này không giấu nỗi sự xúc động trước niềm vui lớn sắp tới của bà con trong ấp: “Ai cũng nóng lòng chờ tới ngày thông cầu chú à. Cây cầu là ước mơ của tụi tui từ mấy chục năm qua. Nhờ có ông Tổng mà mơ ước đó mới thành hiện thực”. Cùng tâm trạng với cụ Huyên, ông Nguyễn Văn Tròn (49 tuổi), người dân trong ấp hồ hởi: “Có cây cầu này, từ nay việc đi lại của bà con nhất là phụ nữ, người già và các em học sinh sẽ rất thuận tiện, không còn phải đi vòng gần cả cây số để sang bên kia bờ kênh mua bán, làm việc, học hành như trước. Chúng tôi cảm ơn tấm lòng của ông Bảy rất nhiều”.
Ít ai biết được rằng để lập nên “chiến tích” có một không hai này, Bảy Tổng đã từng trải qua quá khứ lập thân đầy nhọc nhằn. Ông quê gốc tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang). Xuất thân làm nghề gõ đầu trẻ tại trường làng (Trường Tiểu học Vĩnh Hạnh) nên bạn bè và người thân hay quen gọi thân mật là “giáo Tổng”. Không sống nổi với đồng lương thầy giáo ở quê nhà, cuối năm 1983, ông quyết định dẫn vợ con lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh.
Gần 10 năm trời sống trong túp lều tạm bợ dưới chân cầu Trương Minh Giảng bên bờ kênh Nhiêu Lộc (nay là cầu Lê Văn Sỹ) dầm mưa dãi nắng bằng nghề mua bán ve chai, dành dụm được ít vốn liếng, đầu năm 1990, vợ chồng ông Bảy mua căn nhà nhỏ ở quận 6 mở vựa thu mua ve chai, sắt phế liệu, tôn, ván cũ. Hai năm sau, khi lĩnh vực xây dựng ở TPHCM bắt đầu chuyển động cũng là lúc “giáo Tổng” dấn thân vào nghề thầu phá dỡ các công trình công cộng, nhà ở, kho cũ. Và chính nghề “đập phá” này đã giúp “Bảy ve chai” đổi đời, mở thêm 3 vựa thu mua phế liệu, thậm chí lập hẳn một doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, thi công tháo dỡ, xây dựng công trình dân dụng…
Có của ăn của để, Bảy Tổng bắt đầu nghĩ tới vùng quê còn nhiều gian khó của mình. Kỷ niệm thời dạy học với hình ảnh cô cậu học trò nhỏ bước chông chênh trên cây cầu khỉ, nhiều lần không may hụt chân té xuống nước đã thôi thúc ông đi đến ý tưởng làm cầu giúp dân. Mất một thời gian dài mày mò tài liệu, thỉnh giáo bạn bè trong lĩnh vực xây dựng về cách thiết kế cầu treo dây cáp, cầu bê tông loại nhỏ, ông quyết chí bắt tay vào thực hiện tâm nguyện làm việc nghĩa với quê hương.
Một ngày hè 1992, sau gần 2 tháng thi công tích cực, cây cầu treo với 3 nhịp cáp cùng 2 giàn trụ bê tông rắn chắc với tổng kinh phí xây dựng hơn 115 triệu đồng đã chính thức khánh thành trong niềm vui khôn tả của thầy cô giáo, các em học sinh và người dân xã Vĩnh Bình. Tuy nhiên, người hạnh phúc nhất chính là ông thầy giáo nghèo ngày nào khi ngắm nhìn cây cầu sừng sững soi bóng dưới mặt nước dòng kênh ngay trước ngôi trường cũ.
Được bạn bè, người thân động viên, khích lệ, Bảy Tổng như được tiếp sức. Hơn chục năm sau đó, đội thi công cầu thuộc DNTN Trung Bình (thành lập năm 1992) rồi Công ty TNHH Xây dựng Thiện Tâm (thành lập năm 2006) đã có mặt khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với những cây cầu treo, cầu bê tông vững chãi, bền chắc mang lại niềm vui cho hàng ngàn người.
Tùy theo công trình lớn nhỏ mà Bảy Tổng đưa ra mức đóng góp phù hợp, nhưng trung bình vẫn từ 30% - 50% chi phí vật liệu và hoàn toàn thi công miễn phí. Cũng có những cây cầu Công ty Thiện Tâm đứng ra hỗ trợ 100% chi phí như cầu Dân Lập 1 ấp Vĩnh Phước xã Vĩnh Bình (270 triệu đồng) và cầu treo ấp Mỹ Thạnh xã Nhơn Mỹ (135 triệu đồng) đều thuộc tỉnh An Giang. Tính tổng cộng qua 19 năm, 6 tháng, ông đã hiến cho sự nghiệp xây cầu từ thiện của mình hàng tỷ đồng bằng tiền túi riêng.
Gần đây nhất, vào tháng 12-2010, Công ty Thiện Tâm cùng đại diện tỉnh Long An tiếp tục cắt băng khánh thành công trình cầu treo Chùa Nổi tại địa điểm ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình huyện Vĩnh Hưng, dài 172m, bắc ngang sông Vàm Cỏ Tây với tổng trị giá 1,35 tỷ đồng. Đây là công trình được ông Bảy Tổng xem là tầm cỡ từ trước đến nay trong sự nghiệp bắc cầu của mình bởi nó được sự phê duyệt của Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 15, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam; điều này góp phần khẳng định uy tín, khả năng của một đơn vị thi công cầu nông thôn tuy chỉ mang tính nghiệp dư. Hỏi về dự định sắp tới, ông Bảy đưa tay vuốt bộ râu quai nón, cười hể hả: “Tiếp tục đi xây cầu từ thiện giúp dân chứ sao nữa mấy chú. Còn sức tôi còn làm, đó là niềm vui của tôi”.
MAI NGUYỄN