Những thanh âm đó đến từ khoảng 300 nhạc sĩ, ca sĩ tài năng và may mắn được cấp giấy phép trình diễn tại các hành lang đi lại trong hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Paris, Pháp. Giấy phép có thời hạn 6 tháng. Sau đó, các nghệ sĩ lại trải qua kỳ tuyển chọn của Công ty Giao thông Paris (RATP).
Bakhan, ca sĩ người Mauritania, cho biết để có thể hát bất cứ nơi nào trong các bến tàu điện ngầm, phải qua một kỳ tuyển chọn. Nhưng trước đó, nghệ sĩ phải gửi một bản thu thử để ban giám khảo sơ tuyển. Sau đó, nếu được chọn, nghệ sĩ sẽ được mời đến chơi thử 1- 2 bài. Thí sinh trúng tuyển sẽ được trao giấy chứng nhận và thẻ hành nghề, được phép chơi nhạc trong khắp hệ thống tàu điện ngầm, chơi ở bất kỳ đâu họ muốn, nhưng không được làm vướng lối đi hoặc chơi ngay cạnh phòng làm việc của RATP.
Năm 2017 đánh dấu tròn 20 năm ra đời cuộc thi tuyển Nhạc sĩ tàu điện ngầm của RATP với con số đáng nể: hơn 60.000 hồ sơ dự tuyển, hơn 40.000 cuộc thi được tổ chức và hơn 12.000 nghệ sĩ được cấp phép. Mục đích chính của RATP là những nhạc sĩ - ca sĩ được chọn chơi trong lối đi tàu điện ngầm phải thể hiện được hình ảnh của hành khách. Vì vậy, RATP lựa chọn đủ mọi phong cách (jazz, pop, rock, nhạc thính phòng...), lứa tuổi và quốc tịch.
Mỗi ca sĩ, nhạc sĩ đều có mục tiêu riêng khi hát ở tàu điện ngầm nhưng phần lớn có lẽ là trang trải sinh hoạt hàng ngày. Dĩ nhiên, không ít ca sĩ, nhóm nhạc chuyên nghiệp có một lượng fan nhất định vẫn chọn chơi ở bến tàu điện ngầm. Ngoài việc có không gian thoải mái để tập luyện, một lý do quan trọng khác là để duy trì liên lạc với fan. Một số nghệ sĩ, nhóm nhạc thường ấn định một buổi trình diễn tại một điểm cố định, sau đó thông báo trên mạng xã hội. Hát ở bến tàu điện ngầm cũng là cách tìm khán giả mới.
Hơn thế, từ tàu điện ngầm Paris, nhiều ca sĩ Pháp và quốc tế trở nên nổi tiếng khi có cơ duyên gặp một nhà sản xuất. Có thể kể đến Edith Piaf, Keziah Jones, Oxmo Puccino, Dany Brillant hay gần đây nhất là Pep’s và Zaz.
Hơn thế, từ tàu điện ngầm Paris, nhiều ca sĩ Pháp và quốc tế trở nên nổi tiếng khi có cơ duyên gặp một nhà sản xuất. Có thể kể đến Edith Piaf, Keziah Jones, Oxmo Puccino, Dany Brillant hay gần đây nhất là Pep’s và Zaz.
Antoine Naso, Giám đốc nghệ thuật của RATP, nhận định tàu điện ngầm Paris trở thành bàn đạp cho các nghệ sĩ dù rất vất vả để chơi nhạc ở đây vì hành khách không sẵn sàng thưởng thức nhạc. Vì thế RATP tạo điều kiện để nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện phong cách riêng trước công chúng. Ở một số bến tàu đông người qua lại, một tấm áp phích lớn ghi Musiciens du Metro (Nhạc sĩ tàu điện ngầm) trở thành nơi dừng chân để công chúng vui vẻ hòa theo tiếng nhạc và giọng hát tài năng của người nghệ sĩ.
Trên quy mô lớn hơn, RATP thường xuyên kết hợp với một số sự kiện âm nhạc lớn như Rock en Seine, Solidays hay Art Rock. Để chuẩn bị Festival Solidays thường diễn ra trong 3 ngày tháng 6 hàng năm và thu hút khoảng 200.000 khán giả, ban giám khảo của RATP chọn 2 trong số 300 nhạc sĩ tàu điện ngầm để tham gia sự kiện âm nhạc này.
Để đánh dấu sinh nhật lần thứ 20, RATP tổ chức một buổi biểu diễn lớn của các nghệ sĩ tàu điện ngầm trên sân khấu Olympia của Paris vào ngày 23-11. Trong số 85 nghệ sĩ đăng ký, ban giám khảo chọn 5/10 thí sinh xuất sắc lọt vào vòng chung kết để trình diễn với một số nghệ sĩ đã thành danh tàu điện ngầm Paris như Clement Verzi, Emji, Oxmo Puccino...