“Nhiều năm tham gia công tác phòng chống AIDS, tôi thấy, đây là một công việc âm thầm, khó khăn và nguy hiểm nhưng hết sức ý nghĩa. Bởi công việc này không chỉ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm, kéo dài sự sống cho người nhiễm mà lớn hơn là chúng ta đã tạo được niềm tin cho họ và làm lay động biết bao nhiêu trái tim cứu giúp người bị nhiễm…”. Đồng chí Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban Phòng chống AIDS TPHCM tâm sự.
Không phải là chết
Tháng 12-1990, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở VN, khởi đầu cho cuộc chiến không ngừng nghỉ suốt hơn 20 năm qua. Và kết quả là có rất nhiều câu chuyện mà người ta vẫn ngỡ rằng đó là cổ tích.
Người bệnh ấn tượng và điển hình nhất là bà L.C. (sinh năm 1960). Bà L.C. không chỉ là người đầu tiên ở TPHCM và Việt Nam được phát hiện nhiễm HIV mà còn là vì việc sau 20 năm bị nhiễm HIV, đến nay bà vẫn còn sống. Hiện cân nặng của bà là 47kg, xét nghiệm CD4 tháng 10-2010 là 620 tế bào và sức khỏe ổn định, sinh hoạt bình thường, không bị nhiễm trùng cơ hội….
Tìm lại được niềm vui, ý nghĩa cuộc sống nhờ chương trình phòng chống HIV/AIDS của TP, chị H. – một phụ nữ nhiễm HIV, tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê miền Tây yên tĩnh. Tuổi thơ tôi cũng như bao đứa trẻ khác, với bao kỷ niệm học trò. Khi lớn lên tôi có bạn trai. Sau 2 năm tìm hiểu, chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân vào năm 2005. Một ngày tháng 4 năm 2007, chồng tôi sốt cao, tôi đưa anh đi đến nhiều bác sĩ để điều trị bằng nhiều thuốc nhưng tất cả đều vô vọng, bệnh tình chồng tôi không hề thuyên giảm, anh gầy đi rất nhiều. Chạy chữa nhiều nơi mà không khỏi, nên tôi đưa chồng tôi lên phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện ở quận 2 TPHCM. Sau 1 tuần kiểm tra, kết quả là chồng tôi dương tính với HIV. Lúc đó, trời đất dưới chân tôi như sụp đổ, thế là hết…
Nhưng rồi tôi được các anh chị tại trung tâm tư vấn cộng đồng động viên, giúp đỡ nên dần bớt lo lắng. Rồi tôi có thai. Nỗi lo sợ lại trở lại với vợ chồng tôi thêm một lần nữa bởi không nỡ bỏ thai mà sinh con ra, cháu cũng nhiễm như cha mẹ nó thì sao? Tôi lại tìm đến trung tâm tư vấn, được mọi người ở đây khuyên giải giúp tôi an tâm điều trị và tham gia chương trình phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con. Tôi được uống thuốc ngăn ngừa từ mẹ sang thai nhi lúc thai sang tuần thứ 28. Kết quả là tôi sinh được một cháu trai kháu khỉnh. Sau khi chào đời, con tôi được uống thuốc dự phòng và còn được cấp sữa nuôi đến lúc 18 tháng.
Thời gian thấm thoát trôi qua, đến nay con tôi đã được 22 tháng tuổi nặng 13kg. Điều đáng mừng là qua 3 lần xét nghiệm, kết quả của con tôi đều âm tính. Các bạn biết tôi mừng thế nào không? Và tôi nghiệm ra một điều, mắc HIV không có nghĩa là chết, là hết. Hãy nghĩ đó là một bệnh mãn tính mà chúng ta phải uống thuốc suốt đời nhưng chúng ta vẫn sống, vẫn có thể yêu thương và có thể sinh con như bao người phụ nữ khác. Vậy hãy làm một điều gì để hy vọng, hãy hy vọng vào ngày mai….
Bệnh nhân L.T.H., một trong số những người đầu tiên được điều trị bằng Methadone (thay thế chất gây nghiện) kể lại sự day dứt, tuyệt vọng của bản thân sau khi biết “dính” HIV qua đường tiêm chích ma túy. Nhưng rồi niềm tin đã trở lại với H. khi được điều trị bằng Methadone. L.T.H. chia sẻ: “Nhờ đó, tôi có thêm nghị lực, quyết tâm hơn, sức khỏe tôi tiến triển tốt hơn, cân nặng tăng lên, bệnh cơ hội giảm đi. Tôi đã có thể làm được nhiều việc giúp gia đình… Cảm ơn mọi người đã cho tôi cuộc đời mới, không còn phải sống trong những ngày tháng dằn vặt, mâu thuẫn vì đánh mất giá trị con người. Tôi trở thành người con hiếu thảo, người chồng tốt như hằng mong ước và tôi vui vì được thấy mình bình thường như bất kỳ người khác trong xã hội”.
Chăm sóc bằng cả trái tim
Bác sĩ Nguyễn Trần Chính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, kể từ năm 1985, khi HIV xâm nhập vào châu Á, Thái Lan là nước chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề với gần 1 triệu người nhiễm. Lúc đó Sở Y tế TPHCM đã thành lập 5 tiểu ban nghiên cứu về HIV/AIDS để thu thập thông tin, sẵn sàng chủ động đối phó khi dịch xâm nhập vào Việt Nam. Đến tháng 12-1990, khi TPHCM phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, công tác điều trị HIV/AIDS của ngành y tế TP đã không hề xảy ra biến cố mà nhiều quốc gia có nền y học tiên tiến trên thế giới gặp phải như: tai biến lây nhiễm HIV qua đường truyền máu, tai biến lây nhiễm chéo HIV giữa bệnh nhân trong bệnh viện, tai nạn nghề nghiệp... Về khía cạnh y học, hoạt động chăm sóc điều trị người nhiễm HIV/AIDS của TPHCM cũng đã phát triển và theo kịp trình độ của thế giới.
Từ năm 2008 đến nay, số ca nhiễm mới, số người nhiễm chuyển sang giai đoạn AIDS và số ca tử vong ở TPHCM giảm đi rất nhiều. Đây chính là thành quả của cả một quá trình, của sự quyết tâm và nỗ lực đúng hướng của TP. Chúng ta đã phát huy sức mạnh của chính quyền, đoàn thể và người dân. Có được kết quả như ngày hôm nay mới thấy giá trị những việc đã làm được 20 năm qua của TP.
Nhắc đến thành quả này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài trăn trở: “Nếu chúng ta không quyết tâm, kiên trì, nỗ lực như thời gian qua, điều gì sẽ xảy ra đối với thế hệ tương lai, giống nòi của chúng ta? Chúng ta không chỉ làm giảm, ngăn ngừa, không chỉ kéo dài sự sống mà cao quý hơn là chúng ta tạo được niềm tin cuộc sống, ý nghĩa giá trị sống cho chính những người bị nhiễm và làm lay động bao nhiêu trái tim xã hội chia sẻ, cứu giúp người bị nhiễm. Thời gian qua, số lượng người nhiễm HIV được phát hiện nhiều, không phải là do số người nhiễm tăng lên mà đó là do nhiều người bệnh đã tin tưởng vào chính sách và cách làm của chúng ta để tìm đến đăng ký điều trị thay vì trốn tránh như thời gian trước. Đó là một dấu hiệu tốt”.
TIẾN ĐẠT