(SGGP).- Theo Bộ Công thương, từ tháng 6-2015 đến tháng 11-2016, bộ đã kiểm tra, đề xuất điều tra 65 vụ sai phạm của các công ty bán hàng đa cấp, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng. Đồng thời, đã có 25 công ty đa cấp bị ngừng hoạt động. Cụ thể, 14 công ty bị thu hồi giấy phép và 11 công ty tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.
Được biết, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài là khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của các doanh nghiệp trong nước là khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần). Hầu hết các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh thực phẩm chức năng (51,2%) và mỹ phẩm (31,6%), số còn lại là đồ gia dụng (chiếm khoảng 12%). Các doanh nghiệp đã tiến hành chi trả tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác với số tiền gần 712 tỷ đồng cho người tham gia bán hàng đa cấp. Các công ty bán hàng đa cấp đã nộp các loại thuế là 452 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo thống kê, dù 6 tháng đầu năm có đến 500.000 người tham gia bán hàng đa cấp nhưng đã giảm hơn 57% so với cùng kỳ (tức trước đó có hơn 1,16 triệu người bán tham gia hàng đa cấp).
Thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng nên một số trường hợp bị xử lý hình sự như vụ việc Golden Rock, Colony Invest, Diamond Holiday, MB24, Tâm mặt trời… Có 18 doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã bị xử phạt hơn 650 triệu đồng. Do vậy, Bộ Công thương cho biết, năm 2017 sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc và kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự.
HÀN NI