3 nhà báo bị hành hung: Không khởi tố vụ án vì đi tác nghiệp không đeo logo cơ quan?

 
Lý do chính để Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Hóa không khởi tố vụ án "hành hung nhà báo" là vì khi đi tác nghiệp tại khu vực Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa, các phóng viên này không đảm bảo yếu tố “đang thi hành công vụ”, không mặc trang phục có logo của Báo Long An, Đài PT-TH Long An.
Một trong 4 đối tượng hành hung nhà báo bị công an Thạnh Hóa mời đến lấy lời khai. Ảnh: KIẾN VĂN
Một trong 4 đối tượng hành hung nhà báo bị công an Thạnh Hóa mời đến lấy lời khai. Ảnh: KIẾN VĂN

Liên quan đến vụ 3 nhà báo ở Long An khi đi tác nghiệp bị hành hung, ngày 6-12, ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (Long An) cho biết: Ngày 14-11 vừa qua, Công an huyện Thạnh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 đối tượng gồm: Đỗ Văn Tiến (32 tuổi, ngụ xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Phạm Văn Dũng (61 tuổi, ngụ xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An), với mức phạt 750.000 đồng/người, vì có hành vi hành hung 3 phóng viên của Đài PT-TH Long An và Báo Long An.

Theo Công an huyện Thạnh Hóa, hành vi hành hung của 2 đối tượng này đối với 3 phóng viên trên là “hành vi không cấu thành tội phạm”, nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Hóa không khởi tố vụ án.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Hóa cũng đã gửi Thông báo không khởi tố vụ án cho VKSND huyện Thạnh Hóa, phóng viên Phạm Đức Cảnh và Đài PT-TH Long An biết.

Trong khi đó, phóng viên của Báo Long An thì không được thông báo. Ngay cả Sở TT-TT hay Hội Nhà báo tỉnh Long An cũng không được thông báo về cách xử lý vụ việc, dù thời điểm xảy ra, các cơ quan này đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vụ việc.

Đáng lưu ý, lý do chính để Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Hóa không khởi tố vụ án hành hung nhà báo, là vì khi đi tác nghiệp tại khu vực Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa, các phóng viên này "không đảm bảo yếu tố đang thi hành công vụ”.

Cụ thể, 2 phóng viên Phạm Đức Cảnh, Cao Thị Kim Ngân của Đài PT-TH Long An chưa có thẻ nhà báo, chỉ có thẻ viên chức, khi tác nghiệp không có kế hoạch cụ thể bằng văn bản, không có giấy giới thiệu.

Còn phóng viên Nguyễn Thị Mận của Báo Long An, tuy có thẻ nhà báo nhưng khi tiếp xúc với những người làm việc tại khu vực Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa, cả 3 không xuất trình giấy tờ, không giới thiệu là phóng viên của Báo Long An, Đài PT-TH Long An. Nhưng đặc biệt là 3 phóng viên này khi tác nghiệp không mặc trang phục có logo của Báo Long An, Đài PT-TH Long An (?!).

Văn bản thông báo của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Hóa (Long An). Ảnh: KIẾN VĂN

Như vậy, những lý do mà Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Hóa liệt kê ra và cho rằng các phóng viên không bảo đảm yếu tố đang thi hành công vụ là rất lạ lùng.

Bởi trong thực tế, phóng viên ở các cơ quan báo chí vẫn hoạt động tác nghiệp bình thường nhưng chưa được cấp thẻ nhà báo (Luật Báo chí 2016 ở Điều 26 nêu rõ đối tượng được cấp thẻ nhà báo; Điều 27 cũng nêu rõ những điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo).

Hơn nữa, trong vụ việc này, địa điểm các phóng viên đang tác nghiệp là một bãi đất ruộng của người dân, nằm hoàn toàn cách biệt với Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, khu vực này cũng không cấm quay phim hay chụp ảnh.

Vậy, lý do gì công an lại đề nghị phóng viên, nhà báo phải giới thiệu cho những người đang làm việc trong khu vực Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa biết?

Ở khoản 12, Điều 9, Luật Báo chí 2016 cũng quy định rõ “nghiêm cấm đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Như vậy, việc nhóm người hành hung phóng viên ở trường hợp này là vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm. Thêm vào đó, bất kể người dân bình thường nào cũng được bảo vệ khỏi sự xâm hại trái pháp luật và không có quy định nào buộc phóng viên đi tác nghiệp phải mặc trang phục gắn logo của cơ quan!

Như Báo SGGP đã phản ánh, khoảng 8 giờ sáng, ngày 27-9, 3 phóng viên của Báo Long An và Đài PT-TH Long An đến chụp hình, quay phim tại khu vực kênh 3, thuộc ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa (Long An).

Bởi theo phản ánh của người dân nơi đây, khu vực này bị ô nhiễm nặng là do Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa xả trực tiếp nước thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường…

Trong lúc các phóng viên đang tác nghiệp phía bên ngoài hàng rào của nhà máy này, thì bất ngờ có 4 thanh niên đến ngăn cản không cho quay phim, chụp hình và không ngớt lời hăm dọa các phóng viên này. Sau đó có 2 thanh niên bất ngờ xông vào quật ngã và đè phóng viên Phạm Đức Cảnh xuống đất, liên tiếp dùng tay, chân đấm đá vào mặt vào người phóng viên Cảnh.

Chưa hết, các đối tượng này còn giật lấy máy quay phim, rút lấy thẻ nhớ. Ngoài ra, 4 đối tượng này còn chửi bới, hăm dọa 2 phóng viên nữ… Vụ hành hung của các đối tượng này đã làm cho phóng viên Cảnh bị bầm mặt và tay.

Sau khi sự việc xảy ra, nhóm phóng viên này đã đến UBND xã Tân Đông trình báo sự việc.

Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đi vào hoạt động từ năm 2012. Công suất xử lý của nhà máy khoảng 250 tấn rác/ngày đêm. Dù vậy, nhà máy này luôn trong tình trạng quá tải do tiếp nhận khoảng 400 tấn rác/ngày (thu gom rác cho các huyện Bến Lức, Tân Thạnh, Đức Hòa, Châu Thành, Thủ Thừa, Tân Trụ và TP Tân An). Chính vì vậy, trong thời gian hoạt động, nhà máy luôn trong tình trạng quá tải, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc người dân. Thậm chí, có lúc lượng rác tồn đọng tại nhà máy lên tới 30.000 tấn…

Tin cùng chuyên mục