Trong vai trò cố vấn của hai chương trình thực cảnh lớn đầu tiên ở Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, làm nghệ thuật thực cảnh là đề tài rất khó. Bản thân ông cũng đã xem một vài vở thực cảnh ở nước ngoài nên theo ông, họ chủ yếu dựa vào tích truyện rồi giới thiệu những nghệ thuật sắc thái khác nhau và thực hiện kéo dài trong nhiều năm, trên cơ sở lắng nghe, bổ sung.
Với phiên bản 2.0 của Ký ức Hội An, nhà sử học Dương Trung Quốc tin rằng đó sẽ là một trải nghiệm văn hóa mới mẻ, sẽ trở thành xu hướng.
Đồng quan điểm này, GS.TS KH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Một sân khấu hoành tráng như thế này tạo cho người ta cảm xúc Hội An không hề bé nhỏ nữa. Đó là một tầm vóc mà ta có thể nhìn thấy, vô cùng rộng lớn...”.
Nhà tổ chức Ký ức Hội An cho biết, vở diễn sẽ không chỉ dừng lại ở phiên bản 2.0 mà sẽ tiếp tục được chỉnh sửa trong suốt quá trình biểu diễn "để liên tục đổi mới, hấp dẫn công chúng quay lại nhiều lần".
Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam cũng kỳ vọng chương trình là sản phẩm du lịch mới sẽ giúp tăng thời gian lưu trú của khách du lịch tại địa phương.
"Tỉnh sẽ đưa sản phẩm vào các chương trình xúc tiến du lịch chính thống và khích lệ doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm tương tự tại Quảng Nam", ông Hồ Tấn Cường chia sẻ.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu