365 ngày hành trình nhân ái

Những số phận bi thương
365 ngày hành trình nhân ái

Nhiều năm qua, chuyên trang “Nhịp cầu nhân ái” Báo SGGP ra ngày thứ hai và thứ năm hàng tuần thật sự đã trở thành cầu nối giữa bạn đọc hảo tâm và những mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh. Suốt 365 ngày của năm 2013, những người làm công tác xã hội từ thiện Báo SGGP đã không ít lần phải rơi nước mắt xót xa trước bao cảnh đời, số phận nghiệt ngã và cũng không ít lần khóc vì vui cùng bao phận người may mắn vượt qua nghịch cảnh nhờ sự cưu mang, đùm bọc, chia sẻ của cộng đồng.

Những số phận bi thương

Qua 1 năm thực hiện chuyên trang “Nhịp cầu nhân ái”, đã có hàng trăm mảnh đời, số phận không may được báo thông tin đến bạn đọc để kêu gọi sự sẻ chia, giúp đỡ. Cũng ngần ấy thời gian, chúng tôi chứng kiến biết bao thân phận con người rơi vào tận cùng của sự nghiệt ngã, tưởng chừng không lối thoát. Vậy mà, như một phép màu, nhiều cuộc đời đã được hồi sinh; nhiều phận người cơ nhỡ đã có được mái ấm, có chỗ che nắng trú mưa. Xin điểm lại 2 trường hợp ấn tượng nhất, mà nếu không có sự chia sẻ của cộng đồng thì không biết cuộc đời họ bây giờ sẽ ra sao.

Ngày 4-11-2013, trang “Nhịp cầu nhân ái” Báo SGGP có bài viết về trường hợp cháu Hà Danh Đạo là con trai của anh Hà Danh Đức (39 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kim Phương (32 tuổi), ở tổ 6, thôn 10, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bị xe tải đâm trên đường đi học về, khiến chân phải bị giập nát. Các bác sĩ quyết định tháo bỏ chân phải của em. Phần chân trái gãy, phải bắt vít để cố định xương, còn phần đùi bị giập, phải mổ ghép da.

Em Hà Danh Đạo hiện nay. Ảnh: VÕ THỊ NHƯ TRANG

Em Hà Danh Đạo hiện nay. Ảnh: VÕ THỊ NHƯ TRANG

Ngày 20-6-2013, báo có bài viết về hoàn cảnh em Hồ Văn Chơn (14 tuổi, người dân tộc Cadong, mồ côi cha mẹ, từ nhỏ sống với bà ngoại và ông cậu ruột; ở tại thôn 5, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ngày 6-6, trong một lần nhóm bếp nấu cơm, vô tình em đạp phải chai đựng dầu lửa pha xăng, lửa bốc lên thành đám cháy lớn khiến em bị phỏng gần 100%.

Em Hồ Văn Chơn trong ngày xuất viện trở về nhà.

Em Hồ Văn Chơn trong ngày xuất viện trở về nhà.

Những dòng thông tin này ngay lập tức được bạn đọc chia sẻ. Rất nhiều bạn đọc đã giúp cháu Hà Danh Đạo, có người còn xin nhận em làm con nuôi hay xin cưu mang. Riêng em Hồ Văn Chơn, điều kiện gia đình quá neo đơn, nghèo khổ, nhà ở vùng núi xa xôi trong vùng dân tộc ít người nên không có ai chăm sóc. Nhờ số tiền bạn đọc giúp, em Chơn có điều kiện chữa trị đặc biệt nên nhanh chóng vượt qua nguy kịch. Số tiền bạn đọc đóng góp giúp đỡ cháu Đạo và em Chơn tăng lên từng ngày. Tổng số tiền bạn đọc, nhà hảo tâm gửi giúp tại tòa soạn Báo SGGP và mang giúp trực tiếp tại bệnh viện cho cháu Đạo gần 670 triệu đồng, cho em Hồ Văn Chơn 250 triệu đồng.

Đẹp lắm bao trái tim nhân ái

Hàng ngày, tại phòng tiếp bạn đọc Báo SGGP, những nhà báo và người làm công tác xã hội từ thiện thuộc Ban Chương trình Xã hội đã tiếp biết bao hoàn cảnh đến nhờ sự hỗ trợ để mong có thêm được chút tiền vượt qua nghịch cảnh hay trang trải viện phí, thuốc men cho người thân… đang vật vả với bệnh tật hiểm nghèo. Số đơn thư xin được cứu giúp từng ngày càng thêm nhiều. Thế nhưng, nguồn quỹ có hạn, xin đành “một miếng khi đói bằng một gói khi no”! Từ quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư, quỹ từ thiện không địa chỉ (bạn đọc nhờ báo giúp chuyển đến những trường hợp bất kỳ) mà đông đảo bạn đọc hảo tâm chia sẻ, đóng góp, dù không nhiều, nhưng cũng kịp thời cứu giúp biết bao trường hợp vơi bớt khó khăn. Bạn đọc hảo tâm còn luôn thường xuyên đóng góp giúp bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bếp ăn từ thiện Bảo Hòa, đồng bào bị bão lũ miền Trung, Trung tâm Dưỡng lão Thạnh Lộc, bệnh nhân nghèo, trẻ em nghèo hiếu học ở khắp nơi…

Lần giở sổ ghi chép tiếp nhận đóng góp từ thiện trong suốt năm qua, mới thấu hơn tấm lòng nhân ái bao la của bạn đọc xa gần, đau đáu trong tình thương yêu đồng loại, cao quý, thiêng liêng trong 2 chữ “đồng bào”. Và trên hết, đó là đạo lý làm người của cha ông để lại: “Thương người như thể thương thân”. Danh sách liệt kê đóng góp của bạn đọc giúp các trường hợp được báo thông tin hàng tuần cho thấy nhiều người không giàu có, trong đó có nhiều cụ già chắt chiu đồng lương hưu ít ỏi.

Những chia sẻ của bạn đọc hảo tâm đóng góp đồng hành cùng “Nhịp cầu nhân ái” trong năm qua là phép màu kỳ diệu cứu sống hàng trăm phận người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. “Con số biết nói” ấy đã gieo hạt mầm nhân ái khắp muôn nơi, để rồi mỗi ngày ta có thêm nhiều câu chuyện kể về tình người, về những điều tốt đẹp rất đáng được tôn vinh!

2,760 tỷ đồng là tổng số tiền bạn đọc hảo tâm đóng góp giúp đỡ các hoàn cảnh cơ nhỡ, bệnh tật, khó khăn trong năm 2013. Trong đó, số tiền bạn đọc hảo tâm trực tiếp giúp nhờ báo chuyển đến các “Địa chỉ cần giúp đỡ” là 1,9 tỷ đồng.

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục