40 cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận cứu chữa được người đột quỵ

Mỗi 15 phút điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân đột quỵ giảm 4% tử vong và tăng 4% cơ hội sống sót sau đột quỵ.
Đây là thông tin chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành về đột quỵ tại Hội thảo Khoa học Chăm sóc đột quỵ - Những thành tựu và thách thức, vừa được tổ chức tại TPHCM.
Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng bệnh nhân đột quỵ khá cao, cụ thể theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhân dân 115 từ tháng 2-2017 đến 2-2018 bệnh viện đã tiếp nhận 2544 ca đột quỵ. Tuy nhiên đa phần là chưa phát hiện đúng bệnh, nhiều ca đưa đến quá giờ vàng để điều trị đột quỵ. Việc này cho thấy tầm quan trọng của việc phổ biến kiến thức đầy đủ cho người dân và cán bộ y tế trong việc điều trị đúng cách đối với bệnh đột quỵ.
 
Các chuyên gia của Viêt Nam và nước ngoài cùng tham gia hội thảo, tọa đàm về những thuận lợi và những thách thức khó khăn trong hành trình xây dựng các Đơn vị quỵ đột tại các cơ sở y tế của Việt Nam.
Chương trình Angels là một dự án về bệnh đột quỵ do Boehringer Ingelheim sáng lập cùng với sự cố vấn về chuyên môn, kỹ thuật của Tổ chức đột quỵ Châu Âu và Tổ chức đột quỵ thế giới nhằm nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ bằng cách hỗ trợ các bệnh viện trong việc thành lập các đơn vị đột quỵ và tối ưu hóa chất lượng điều trị đột quỵ tại các đơn vị hiện có. 
Tại Việt Nam, chương trình được triển khai từ tháng 4-2017. Hiện tại, cả nước đã đạt được mốc 40 cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận cứu chữa được người đột quỵ. Mục tiêu của chương trình, đến 2021, Việt Nam sẽ có 100 bệnh viện có đơn vị đột quỵ, khắp các tỉnh thành. PGS.TS.BS. Nguyễn Đạt Anh, Chủ tịch Phân hội Cấp cứu Việt Nam, trình bày trong hội thảo mục tiêu nâng cao chất lượng, tối ưu hóa điều trị đột quỵ tại Việt Nam bằng cách thông qua các hình thức: Cung cấp các khóa huấn luyện cho đội ngũ nhân viên y tế, công cụ hỗ trợ túi cấp cứu đột quỵ và các chương trình cộng đồng để giúp bệnh nhân được điều trị càng sớm càng tốt, tận dụng thời gian vàng để cứu sống người bệnh, giảm di chứng tàn phế sau đột quỵ. 
40 cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận cứu chữa được người đột quỵ ảnh 1 PGS.TS.BS. Nguyễn Đạt Anh mong muốn được triển khai nhiều hơn nữa các đơn vị cấp cứu đột quỵ tại các cơ sở y tế của Việt Nam
 Theo Tổ chức Đột quỵ Châu Âu, cứ mỗi 30 phút lại có một bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ có thể được cứu sống lại phải chết hoặc tàn phế vĩnh viễn. Nguyên nhân đáng buồn này do phần lớn người thân không nhận biết được dấu hiệu của bệnh để đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện.
Bệnh đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý do tổn thương mạch máu não đột ngột. Nguyên nhân có thể do sự tắc nghẽn mạch máu não làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não phía sau chỗ tắc; hoặc do vỡ mạch máu trong não làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não, phá hủy và chèn ép mô não. Hậu quả của bệnh đột quỵ làm phần não có liên quan bị tổn thương, không thể hoạt động được, dẫn đến phần của cơ thể mà phần não đó kiểm soát cũng không thể hoạt động.

Tin cùng chuyên mục