Mì ăn liền – những góc nhìn về dinh dưỡng

Bàn về mì ăn liền, nhiều chuyên gia ẩm thực, dinh dưỡng đưa ra các góc nhìn giúp người tiêu dùng bớt hoang mang, lo lắng khi sử dụng.
Mì ăn liền – những góc nhìn về dinh dưỡng

Mì ăn liền từ lâu đã quen thuộc đối với hầu hết các gia đình Việt. Những tô mì nóng hổi sẵn sàng sau 3 phút là lựa chọn cho những buổi sáng vội vã hay những khi đói bụng bất ngờ. Nhưng hầu như khi nhắc đến mì ăn liền, người dùng thường lo lắng món ăn này gây nóng, nổi mụn và thiếu dinh dưỡng.

Một số người cho rằng, mì ăn liền là loại thực phẩm nghèo dinh dưỡng, sử dụng thường xuyên có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Theo các chuyên gia, mì ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo/cơm, cháo, bún, bánh phở, bánh mì…, là những thực phẩm cung cấp chủ yếu chất bột đường trong bữa ăn. Trong một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa chủ yếu là chất bột đường 40g-50g; 13g-17g chất béo và thường không ít hơn 6,9g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350Kcal, tương đương 15% - 17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành. Với thành phần và hàm lượng dinh dưỡng như trên, mì ăn liền có thành phần tương tự một tô bánh canh thịt gà hoặc một tô phở.

Theo các chuyên gia, một bữa ăn hợp lý cần có sự kết hợp đầy đủ và cân bằng giữa 4 nhóm dưỡng chất: đường bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý và mức độ lao động. Vì vậy bữa ăn hàng ngày giúp cung cấp năng lượng cũng như các dưỡng chất khác cho cơ thể từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Như thông tin ở trên, mì ăn liền cũng là thực phẩm cơ bản, tương tự cơm, bún, bánh phở… nên người dùng có thể dễ dàng kết hợp cùng các loại thực phẩm khác (thịt, trứng, hải sản, rau xanh…) để tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh, để có bữa ăn ngon, đủ chất với mì ăn liền.

Thứ nhất, bổ sung vào mì ăn liền các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau muống, cà rốt, cà chua… Ngoài các loại vitamin và khoáng chất, chất xơ trong rau củ còn giúp tinh bột được hấp thụ chậm hơn, tăng lượng phân đào thải phòng ngừa táo bón, không gây nóng trong người, giảm nguy cơ bị bệnh trĩ, đào thải cholesterol dư thừa, giảm nguy cơ bệnh tim mạch,…

Thứ hai, thưởng thức mì ăn liền kèm thực phẩm giàu chất đạm. Bổ sung thịt bò, heo, hải sản, trứng hoặc các loại nấm, đậu, rong biển… giúp bữa ăn với mì ăn liền cân đối hơn giữa các chất sinh năng lượng, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và thực vật.

Thứ ba, người dùng nên xem kỹ hạn sử dụng của các sản phẩm đóng gói nói chung và mì ăn liền nói riêng, bên cạnh đó lựa chọn các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty uy tín và được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong những trường hợp không có các loại thực phẩm khác để kết hợp, một tô mì chế nước sôi vẫn có thể thay thế một bữa ăn vội nếu không có đủ thời gian, không sẵn có các nhóm thực phẩm khác. Nhưng người dùng cần chú ý ăn uống đa dạng thực phẩm vào những bữa ăn khác trong ngày để bổ sung, cũng như sắp xếp công việc để những bữa ăn như vậy không xảy ra thường xuyên.

Tin cùng chuyên mục