
Nếu có một quyển đại loại “bách khoa toàn thư ẩm thực” hoặc “thế giới ẩm thực toàn tập”, 5 món ăn sau đây chắc chắn sẽ được nhắc đến: pizza của Ý; sushi của Nhật; cà ry của Ấn Độ; kimchi của Hàn Quốc; và taco của Mexico.
Theo cá nhân người viết, việc chọn 5 món trên dựa vào vài tiêu chuẩn: đó là món nổi tiếng nhất lịch sử ẩm thực của dân tộc đến mức khi nghe nói đến tên, người ta lập tức liên tưởng đến quốc gia đó; món ăn có tính phổ biến toàn cầu và quan trọng hơn là được “quốc tế hóa” công thức chế biến theo từng địa phương mà nó du nhập vào; cuối cùng, cả người bình dân lẫn giới thượng lưu khắp thế giới đều từng thích nếm qua.
- Sushi

Có lẽ xuất phát từ Trung Hoa khi người ta ủ cá trong cơm để dành ăn dần (khi ăn, cá được lấy ra dùng và phần cơm bỏ đi). Sushi bây giờ đã trở thành món ăn quốc tế (vài tài liệu cho biết, sushi từng có mặt tại Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 4 TCN).
Tương tự pizza, sushi cũng có nhiều cách chế biến và đặc biệt phong cách trình bày (một bàn ăn sushi dọn lên cho thấy cả một nghệ thuật ẩm thực tinh hoa đầy nét văn hóa độc đáo). Một trong những loại phổ biến nhất là Nigiri-zushi; ngoài ra còn có Makizushi, Futomaki, Hosomaki, Tekkamaki; Uramaki, Temaki, Inari-zushi, Oshizushi0...
Với người Nhật, ăn sushi cũng là một nghệ thuật. Khi ngồi vào bàn, bạn sẽ được trao cái khăn nóng gọi là oshibori để lau tay và mặt rồi được mời thức uống, rượu sake chẳng hạn. Hãy nhâm nhi chút sake trong khi chờ sushi được mang ra (nếu không dùng sake, người ta có thể dùng súp miso). Người Nhật không bao giờ vừa ăn sushi vừa ừng ực sake và “dzô 100%” cả!
Trong khi ăn, loại nước có thể dùng là trà xanh. Khi dùng sushi với món cá sống (gọi chung là sashimi), người ta dùng đũa. Với sushi (nói chung – tức cá gói trong cơm), đúng kiểu Nhật là phải dùng tay mà “nhón” vào mồm! Do đó, trên bàn ăn, người phục vụ thường để sẵn tô nước rửa tay. Tương tự pizza, sushi cũng có không ít kỷ lục.
Tháng 1-1992, tại Tokyo, một con cá ngừ vây xanh 325kg đã được bán với giá 83.500 USD (tức gần 257 USD/kg). Con cá được chế biến thành 2.400 miếng sushi với giá 75 USD/miếng. Tổng cộng, giá con cá khi được chế biến thành sushi đã lên đến 180.000 USD, lưu trong sách kỷ lục với danh hiệu con cá đắt nhất thế giới.
- Pizza

Trong văn hóa ẩm thực Ý, pizza là thứ thức ăn không thể thiếu và nó cũng trở thành loại thức ăn quốc tế với vô số cách chế biến từ pizza nguyên thủy, thể hiện ở các công thức địa phương hóa đa dạng, từ trứng, dừa, kimchi, thịt cừu, thịt gà đến cả cà ry Ấn hoặc ớt Thái Lan.
Tại Ý, pizza cũng đủ loại, tùy khẩu vị vùng miền, từ pizza Napoletana (theo cách chế biến Napoli, trong đó có Pizza marinara; Pizza Margherita; Pizza Margherita Extra); Pizza Romana (theo kiểu Rome); đến Pizza Quattro Stagioni...
Tại Brazil, pizza là một trong những ngành công nghiệp thực phẩm có nhiều lợi nhuận nhất và São Paulo thậm chí thành lập Ngày Pizza (10-7) với cuộc thi Nhà vô địch Pizza cho đầu bếp nào có công thức chế biến pizza mới lạ và ngon miệng nhất. Pizza do vậy càng trở thành món ăn quốc tế có vô số biến thể, từ cách làm phần bánh nướng đến công thức chế phần nhân.
Sức hấp dẫn pizza còn thể hiện ở nhiều sự kiện liên quan, đặc biệt những kỷ lục, được tổ chức theo phong cách lễ hội ẩm thực. Tháng 12-1990, tại Johannesburg (Nam Phi), người ta làm ra chiếc bánh pizza to nhất thế giới với đường kính 37,4m từ 500kg bột, 800kg phô mai và 900kg cà chua nghiền.
Ngày 22-3-2001, Bernard Jordaan thuộc tiệm Butler’s Pizza tại Cape Town (Nam Phi) cũng lập kỷ lục giao bánh pizza xa nhất khi vượt 11.042km từ Cape Town đến Sydney (Úc). Chưa hết, năm 2006, Cristian Dumitru (Romania) lập kỷ lục khi ngốn lượng bánh pizza bằng trọng lượng cơ thể (hơn 90kg) trong một tuần!
- Cà ry

Thuật từ “cà ry” (curry trong tiếng Anh) xuất phát từ loại lá cùng tên. Trong ngôn ngữ Tamil (Ấn Độ), cà ry là loại thức ăn lỏng dùng với cơm. Sau nhiều năm du nhập văn hóa ẩm thực thế giới, cà ry cũng được quốc tế hóa với nhiều kiểu chế biến theo khẩu vị từng khu vực.
Không chỉ phổ biến tại các nước quanh Ấn Độ (Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka...), cà ry còn có mặt ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines và thậm chí Iran... Nó cũng là món rất phổ biến ở Nhật, từ khi du nhập vào nước này thời Minh Trị (1869-1913), và trở thành món ăn quen thuộc của lính Nhật (đến tận nay, Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật vẫn duy trì truyền thống ăn cà ry vào mỗi trưa thứ sáu hàng tuần). Loại thức ăn sền sệt này còn thể hiện thói quen dùng nhiều gia vị của một số nước châu Á.
- Taco

Một cách nôm na, taco là loại bánh tráng bắp, cuốn với nhân (thịt bò, thịt heo, cá, thịt gà, nước sốt cà chua, nấm... - tùy theo khẩu vị và cách chế biến). Từ Mexico, taco du nhập khắp Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông và cả châu Á.
Không bằng chứng nào thuyết phục hơn cho thấy tính toàn cầu của bánh taco bằng ví dụ về sự bùng nổ thế giới của dây chuyền thức ăn nhanh Taco Bell thuộc tập đoàn “Yum! Brands, Inc.” tại Louisville thuộc bang Kentucky (nơi làm chủ loạt dây chuyền thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới như KFC, Long John Silver’s, Pizza Hut..., với hơn 34.000 nhà hàng tại hơn 100 quốc gia-lãnh thổ).
Tính đến năm 2005, có 5.845 nhà hàng Taco Bell tại Mỹ với doanh số 1,8 tỉ USD. Năm 2003, Taco Bell đã khai trương tại Trung Quốc. Tất nhiên Taco Bell càng mở rộng toàn cầu, taco càng phổ biến...
- Kimchi

Chỉ là món cải muối nhưng kimchi đã qua mặt vô số chị em cải muối thế giới để trở thành món ăn nổi tiếng toàn cầu. Thành phần chính của kimchi là cải bắp Napa hoặc củ cải trắng, được muối với hạt tiêu xanh, tỏi, hành tươi, gừng, đường...
Cốt lõi công thức muối kimchi là nước cốt ép từ hải sản (chẳng hạn hàu) hoặc nước cá luộc. Kimchi có rất nhiều biến tướng, chẳng hạn kkakdugi (làm từ củ cải trắng, không có bắp cải); oi sobaegi (làm từ dưa chuột); kkaennip (phủ lá tía tô, ướp với nước tương)...
Tài liệu từ Viện bảo tàng kimchi tại Seoul cho biết có ít nhất 187 loại kimchi khác nhau. Cùng sushi, kimchi là thực phẩm được chuyên san Health Magazine (Mỹ) đánh giá là một trong 5 loại thức ăn tốt nhất thế giới (giàu vitamin, giúp tiêu hóa và thậm chí có khả năng ngừa ung thư). Được tiêu thụ khoảng 1,53 triệu tấn/năm tại Hàn Quốc, kimchi đi sâu vào văn hóa nước này đến mức khi chụp ảnh, người ta thường nói “kimchiiiii” (theo cách như chúng ta nói “cười lên nào”).
Viện nghiên cứu không gian Hàn Quốc (KARI) thậm chí đang tìm một công thức kimchi tuyệt đối an toàn cho phi hành gia. Với Đông Nam Á, gần như chẳng ai lạ gì kimchi và kimchi Hàn Quốc vẫn đắt nhất (giá một tấn kimchi Sơn Đông-Trung Quốc khoảng 500 USD trong khi kimchi Hàn Quốc từ 1.500-1.900 USD).
“Tự ái kimchi” của người Hàn Quốc có lần đã bùng nổ với Nhật vào năm 1996, khi người Nhật tính sản xuất kimchi kiểu Nhật và gọi là “kimuchi”. Sau 6 năm thực hiện chiến dịch bảo vệ “danh dự kimchi”, Hàn Quốc đã thắng vào năm 2001 khi Codex Alimentarius (bộ luật tiêu chuẩn quốc tế được WTO công nhận) quyết định sử dụng công thức-tiêu chuẩn toàn cầu cho sản xuất kimchi từ bắp cải theo phương pháp Hàn Quốc và tất nhiên kimchi phải được gọi là “kimchi” chứ không phải “kimuchi”!
THÁI NGUYỄN NGỌC NGÀ