Tấm bản đồ Việt Nam “Độc nhất vô nhị”

Chào mừng Hội nghị APEC 2006, một sự kiện trọng đại được tổ chức tại Việt Nam, tác phẩm “Bản đồ Việt Nam” của ông Nguyễn Văn Mỹ (quê Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội chọn trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã hấp dẫn đặc biệt đông đảo du khách tham quan, ai nấy đều hết lời ca ngợi.
Tấm bản đồ Việt Nam “Độc nhất vô nhị”

Chào mừng Hội nghị APEC 2006, một sự kiện trọng đại được tổ chức tại Việt Nam, tác phẩm “Bản đồ Việt Nam” của ông Nguyễn Văn Mỹ (quê Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội chọn trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã hấp dẫn đặc biệt đông đảo du khách tham quan, ai nấy đều hết lời ca ngợi.

Tấm bản đồ Việt Nam “Độc nhất vô nhị” ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Mỹ và tấm Bản đồ Việt Nam bằng gỗ.
Ảnh: TRƯƠNG THỊ KIM DUNG

Ý tưởng về tấm bản đồ Việt Nam bằng chất liệu gỗ thiên nhiên đã nảy sinh trong ông Nguyễn Văn Mỹ từ năm 1983 khi ông đi thăm rừng Quốc gia Cúc Phương.

Kể từ ấy đến nay, suốt 23 năm, ông Nguyễn Văn Mỹ đã đi khắp các tỉnh thành, đến đâu cũng kiếm tìm loại gỗ đặc trưng của địa phương.

Vì vậy, “Bản đồ Việt Nam” do ông Nguyễn Văn Mỹ sáng tác có thể coi là bộ sưu tập đầy đủ chất liệu gỗ mang “hồn sông núi” của các vùng miền và tượng trưng cho sự giàu và đẹp của Tổ quốc Việt Nam.

Sơ bộ liệt kê sẽ thấy: gỗ hoa sữa (Hà Nội), gỗ phượng vĩ (Hải Phòng), gỗ nhãn lồng (Hưng Yên), gỗ ngọc am (Hà Giang), gỗ bạch đàn (Quảng Ninh), gỗ trai (Thừa Thiên-Huế), gỗ cao su (Tây Ninh), gỗ gõ đỏ (TP Hồ Chí Minh), gỗ me (Bình Định), gỗ đước (Cà Mau), gỗ bưởi Năm Roi (Đồng Nai), gỗ tràm (Đồng Tháp), gỗ dừa (Bến Tre), gỗ bưởi Phúc Trạch (Quảng Bình), gỗ chè (Thái Nguyên), gỗ cọ (Phú Thọ), gỗ cẩm thị (Khánh Hòa), gỗ triu liu (Nghệ An), gỗ gù hương (Hòa Bình)...

Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết: “Thông thường một tỉnh thành có rất nhiều loại gỗ, vì thế tôi không chỉ chọn loại gỗ đặc trưng nhất cho địa phương ấy mà còn phải chọn loại có vân để đưa vào bản đồ cho đẹp”.

“Của một đồng, công ngàn nén”, việc “săn lùng” gỗ đặc trưng cũng lắm gian nan nhưng để lại nhiều kỷ niệm sâu đậm với ông Nguyễn Văn Mỹ.

Khi đi vào những vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên, ông không hề biết tiếng dân tộc nào, thế mà khi gặp các già làng, bằng các động tác, cử chỉ, ông bày tỏ ý muốn tìm loại gỗ đặc trưng để tạo hình “Bản đồ Việt Nam” thì đã được giúp đỡ nhiệt tình về nơi ăn chốn ở và được mọi người chỉ dẫn phân biệt từng loại gỗ.

Thậm chí, có loại gỗ đặc trưng cực kỳ quý hiếm như gỗ dã hương - một loại cây ngàn tuổi hiện còn một cây duy nhất ở huyện Tiên Lục (Bắc Giang), khi cây gặp gió bão lớn làm gãy vài cành, người dân lượm về để trong nhà như một loại báu vật nhưng ông Mỹ đến hỏi mua để làm bản đồ Việt Nam thì họ liền biếu tặng.

Đến cuối năm 2005, ông Mỹ đã sưu tầm được 64 loại gỗ đặc trưng của 64 tỉnh thành (nếu kể cả gỗ bạch dương ở Côn Đảo là 65). Và 3 tháng liền (năm 2006), ông dồn tâm lực để gắn ghép các loại gỗ lại với nhau theo mẫu bản đồ quốc gia do Cục Bản đồ giúp đỡ cung cấp.

Công trình “Bản đồ Việt Nam” của ông Nguyễn Văn Mỹ không chỉ giới thiệu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mà còn thể hiện lòng tự hào dân tộc, nêu cao ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái cho cộng đồng.

TRƯƠNG THỊ KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục