Xà bông cô Ba

Sản phẩm huyền thoại Việt

Sản phẩm huyền thoại Việt

Trương Văn Bền hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, thương mại trong bối cảnh: người Pháp nắm hết các ngành công nghiệp, người Hoa thì thao túng ngành thương nghiệp của cả miền Nam. Ông chính là tác giả nhãn hiệu xà bông cô Ba nổi tiếng ở miền Nam trước đây.

  • Huyền thoại xà bông cô Ba
Sản phẩm huyền thoại Việt ảnh 1

Nhãn hiệu xà bông cô Ba phía trước nhà số 40 đường Kim Biên, Q5, TPHCM.

Tuy là đứa con sinh sau đẻ muộn của Hãng xà bông Trương Văn Bền & Các con (thành lập năm 1932, là hãng xà bông lớn nhất Đông Dương) nhưng nhãn hiệu xà bông cô Ba lại thống trị thị trường miền Nam suốt một thời gian dài, xuyên qua bao biến động của thời gian.

Ngược dòng lịch sử, sản phẩm chính của Hãng xà bông Trương Văn Bền & Các con từ buổi đầu thành lập là loại xà bông bánh 72% dầu, phục vụ nhu cầu giặt tẩy. Đây là loại xà bông bánh, hình vuông màu trắng đục (do thành phần chính là dầu dừa cùng với xút), giá bán rất bình dân, hợp với túi tiền của đông đảo tầng lớp lao động nghèo nên lập tức được nhiệt liệt đón chào, có tháng sản xuất và bán đến 600 tấn.

Thấy loại xà bông này có nhu cầu quá lớn, tuy rẻ nhưng cũng chưa đến được tầng lớp lao động quá nghèo, hãng tung ra loại bánh cây, dài khoảng 50cm (màu xanh cẩm thạch và trắng đục). Tùy theo số tiền của người mua mà người bán cân rồi cắt ra một lát dày hay mỏng, thế là vui vẻ vừa lòng cả hai bên. Đây là hình thức kinh doanh có một không hai mà đến tận bây giờ cũng khó ai bì kịp.

Giải quyết được nhu cầu sạch rồi, ông Trương Văn Bền lại vắt tay lên trán nghĩ đến cái sự... thơm cho người tiêu dùng. Cái khó không chỉ ở sản xuất, phân phối, giá bán mà còn ở cái tên gọi của loại xà bông này.

Không lẽ lấy tên Tây, tên Tàu, nghe nó không ngọt tai mà dễ sinh hiểu lầm. Trong một dịp tình cờ trò chuyện với bạn bè, ông nghe nói đến một cô hoa hậu đẹp nết, đẹp người (không rõ họ) thường được gọi là cô Ba. Cô Ba là con gái của một ông thông phán ở Sài Gòn, là hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn từ những năm 30 của thế kỷ trước.

Cô Ba có sắc đẹp thuần Việt, đã đăng quang ngôi Hoa hậu trong một cuộc thi ở Vườn Ông Thượng (CV Văn hóa TPHCM hiện nay). Dễ nể hơn, thấy cô Ba đẹp quá, một số mạnh thường quân người Pháp ở Sài Gòn ngỏ ý muốn tài trợ cho cô qua thi hoa hậu thế giới tại Pháp với điều kiện phải mặc âu phục.

Cô lịch sự từ chối và nói rằng mình chỉ muốn mặc áo dài VN và chỉ cần là hoa hậu Sài Gòn là đủ. Đây chính là những yếu tố cộng hưởng tạo nên “tiếng sét” để Trương Văn Bền quyết định sản xuất một loại xà bông thơm bình dân cho mọi người. Thế là đến cuối những năm 30 của thế kỷ trước, xà bông thơm hiệu cô Ba chính thức có mặt trên thị trường và ngay lập tức trở thành một mặt hàng được đón chào nồng nhiệt từ giới bình dân.

Cục xà bông cô Ba có màu xanh lá cây nhạt, nhỏ chừng bao diêm, hình thoi, mùi thơm nồng và giữ được rất lâu. Đặc biệt, trên cục xà bông có dập nổi hình cô Ba nhìn nghiêng, nét mặt hồn hậu, tóc búi. Về hình ảnh của cô Ba, cho đến nay, chưa thấy tài liệu nào dẫn lời chính cô hoa hậu ấy về thực - hư của tấm hình trên loại xà bông thơm nổi tiếng một thời của VN này.

  • Nhà kỹ thương họ Trương

Ông sinh năm 1883 tại quận 6, Chợ Lớn (không rõ năm mất), trong một gia đình có nghề thủ công truyền thống. Không theo nghề gia đình, năm 1914, với vốn liếng dành dụm ông lập một đồn điền cao su cỡ nhỏ ở Thủ Đức. Đến năm 1918, ông lại mở thêm một nhà máy ép dầu dừa có công suất 1.500 tấn cơm dừa khô/tháng.

Và đây cũng chính là cơ sở nền tảng quan trọng để ông thành lập hãng xà bông sau này. Công việc thuận buồm xuôi gió, đến năm 1927, ông quyết định đầu tư để lập hai nhà máy xay lúa có công suất 100 tấn/ngày ở Đồng Tháp Mười và đây cũng chính là hai nhà máy xay lúa đầu tiên do người VN đầu tư.

Không chịu dừng chân trong bất cứ lĩnh vực và thử thách nào, sau đó ông đầu tư hợp tác với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Đông Dương trong việc khai thác và tái tạo rừng thông ở Đồng Nai Thượng. Cơ sở này mỗi năm sản xuất 30 tấn dầu nhựa thông và 100 tấn tinh dầu hương.

Đây cũng là một trong những nguồn hương liệu lớn để sản xuất xà bông cô Ba nổi tiếng. Thấy hai nhà máy xay lúa của mình đôi khi thiếu lúa do việc thu gom lúa xuất khẩu quá mạnh của các chủ “chành” (vựa) người Hoa, ông bèn đầu tư một sở điền trồng lúa, diện tích 18.000ha tại Đồng Tháp Mười, do ông làm giám đốc.

Những thành công của ông trên thương trường khiến uy tín của ông trong giới kinh doanh người Việt, người Pháp ngày càng được nâng cao, ông có được những chức vị cao mà không phải ai cũng có thể với tới.

Khi ông quyết định đầu tư mở Hãng Trương Văn Bền & Các con nhiều người đã khuyên can ông vì xà bông là mặt hàng mà Pháp thao túng toàn bộ thị trường, xà bông VN khó bề chen chân, nhưng ông vẫn làm vì đã có trong tay hai cơ sở ép dầu dừa, rồi dầu nhựa thông, tinh dầu hương...

Quan trọng hơn, trước khi tung sản phẩm ra thị trường, ông đã âm thầm chuẩn bị sẵn một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các ấn phẩm hồi đó với hai câu khẩu hiệu: “Dùng xà bông nấu, vừa xấu vừa mau mục quần áo” và “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam”. Độc chiêu hơn, ông còn thuê người đưa tên xà bông cô Ba vô các bài vọng cổ, khiến mọi người mọi giới đều “mê mẩn” xà bông cô Ba.

Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí về bí quyết thành công của mình, ông luôn nhấn mạnh đến sự tinh thông (mà ngày nay người ta gọi là sự chuyên nghiệp) trong bất cứ lĩnh vực nào và cho đó là một yếu tố tạo nên thành công. Có thể nói, ông là người đầu tiên của VN xây dựng thành công một thương hiệu Việt đúng nghĩa, không chỉ có tiếng trong nước mà còn được toàn cõi Đông Dương, cùng nhiều nước lân cận như Philippines, Singapore, Malaysia... biết đến.

QUỐC ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục