Đầu tư R&D

Cuộc chiến sống còn

10 công ty đầu tư vào R&D nhiều nhất trong năm 2005-2006
Cuộc chiến sống còn

Tỷ lệ vốn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) so với tổng thu nhập quốc dân (GDP) là một chỉ số phản ánh mức độ phát triển nền khoa học cũng như tiềm lực tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Ngoài ra, R&D còn biểu thị ưu thế của doanh nghiệp trên thương trường. Chính vì vậy, R&D trở thành cuộc đua không có điểm dừng nếu các thực thể kinh tế không muốn bị rơi lại phía sau.

  • Chiến lược “thả tép, bắt tôm”
Cuộc chiến sống còn ảnh 1

X-33, một thế hệ máy bay tối tân của Hãng Lockheed Martin (Mỹ).

Giữa tháng 10-2006, Steve Ballmer, CEO Microsoft thông báo sẽ “cộng” thêm 1,3 tỷ USD nữa vào 6,2 tỷ USD (con số công bố trước đó 5 tháng), nâng ngân sách R&D của tập đoàn này cho giai đoạn 2006-2007 lên 7,5 tỷ USD.

Theo Reuters, động thái này không có gì bất ngờ vì trong năm tài chính 2005-2006, Microsoft xếp thứ 5 trong Top Ten các công ty chi mạnh tay nhất vào R&D, tiêu tốn tới 7,08 tỷ USD.

Doanh thu của Microsoft cũng tăng 11%, đạt 44,3 tỷ USD; lợi nhuận đạt 16,5 tỷ USD, tăng 13%. Nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới này đã mở nhiều trung tâm R&D ở các nước, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhằm thu hút nhân tài cho tương lai, nhất là cạnh tranh với hai đối thủ Google và Yahoo. Cũng để giữ vị trí số 1 thế giới, Hãng dược phẩm Pfizer Inc. (Mỹ) càng “bạo tay” hơn.

Năm 2004-2005, Pfizer bỏ ra 7,4 tỷ USD cho R&D, còn năm 2005-2006 bỏ ra 8 tỷ USD, để trở thành hãng xếp thứ 2 thế giới về R&D. Pfizer hiện sở hữu nhiều nhãn hiệu thuốc nổi tiếng; trong đó, Lipitor là dược phẩm bán chạy nhất thế giới với doanh số hàng năm khoảng 12 tỷ USD.

Trong bảng xếp hạng 1.250 công ty hàng đầu thế giới về R&D năm 2005-2006, các công ty châu Á có bước tăng trưởng ngoạn mục nhất. R&D của 44 công ty Đài Loan có trong danh sách tăng tới 30,5% so với năm trước, 17 công ty Hàn Quốc tăng 11,9%... Tỷ lệ R&D của Đài Loan chủ yếu tập trung vào các công ty máy tính và điện tử.

Còn Hàn Quốc R&D tập trung ở ba “đại gia” Samsung, LG (điện tử), và Hyundai (ô tô). Các công ty Nhật Bản cũng có những bước tiến mạnh mẽ nhờ chiến lược R&D khôn ngoan. Từ lâu Toyota (hiện là hãng ô tô thứ hai thế giới) đã nhìn thấy được tiềm năng của các loại xe hiệu quả về nhiên liệu. Năm 2005, Toyota bán được 8,13 triệu chiếc ô tô, năm 2006 là 8,85 triệu và dự kiến năm 2008 sẽ đạt 9,8 triệu chiếc.

Tuy vậy, Mỹ vẫn áp đảo phần còn lại của thế giới về R&D. Trong Top 500 doanh nghiệp Mỹ chiếm tới 44%, 3 vị trí đầu bảng và 50% trong Top Ten 10 doanh nghiệp đầu tư vào R&D; 28% thuộc về châu Âu; Nhật chiếm 23%.

  • Hiện tượng Trung Quốc
Cuộc chiến sống còn ảnh 2

Thử nghiệm khung sườn xe buýt ở Trung tâm R&D Scania (Thụy Điển).

Xét tổng thể, vốn R&D của Mỹ là con số khổng lồ. Theo Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, năm 2004-2005, Mỹ đã chi 301,5 tỷ USD cho R&D, hơn tổng R&D của Nhật, Đức, Anh, Pháp, Canada và Ý cộng lại.

Tuy nhiên, Trung Quốc mới là “Người khổng lồ đang tỉnh giấc”, điều đó không có gì lạ nếu nhìn vào “dao động” R&D. Theo Chinadaily và Xinhua, năm 2005, nước này đã bỏ ra 245 tỷ nhân dân tệ (NDT), khoảng 30,6 tỷ USD, vào R&D trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tăng 48,4 tỷ NDT so với năm 2004. Còn theo Indianexpress, năm 1991, Trung Quốc đã tiêu tốn khoảng 12 tỷ USD cho R&D, đến năm 2003 là 85 tỷ USD; trong lúc đó Ấn Độ chỉ chi ra gần 5 tỷ USD cho R&D.

Có thể thấy rõ hơn về đầu tư R&D của Trung Quốc khi so sánh với Nhật Bản, nước đứng thứ hai thế giới về R&D sau Mỹ. Năm 1991, vốn R&D của Trung Quốc chỉ bằng 17% của Nhật Bản thì đến năm 2003 đã vươn bằng 74%. Kết quả là, ở thời điểm năm 2003, Trung Quốc đã qua mặt Nhật trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao với giá trị sản xuất đạt 224 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chiếm 12% xuất khẩu mặt hàng này của thế giới, trong lúc đó thì thị phần của Nhật giảm 9%. Cuối năm 2006, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) công bố, người Hoa đã qua mặt người Nhật về khoản chi cho R&D, cụ thể là 136 tỷ USD so với 130 tỷ USD của Nhật, chiếm vị trí thứ 2 thế giới.

Năm 2005-2006, cả thế giới chi khoảng 1.000 tỷ USD cho R&D, trong đó Mỹ chiếm gần 1/3. Tuy vậy, nền kinh tế Mỹ vẫn có sức cạnh tranh thua sút một số nước có tỷ lệ R&D so với GDP cao, đặc biệt là các nước Bắc Âu.

R&D của Mỹ hiện chiếm khoảng 2,8% GDP, trong khi đó tỷ lệ này ở Phần Lan là 3,5%, Thụy Điển là gần 4% (cao nhất thế giới), Thụy Sĩ thì có tốc độ tăng trưởng R&D cao nhất thế giới trong năm 2006 (10%).

Cuối tháng 9-2006, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xếp Thụy Sĩ đứng đầu thế giới về sức cạnh tranh, thứ 2 và 3 là Phần Lan và Thụy Điển.

Lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản của Trung Quốc cũng đã có bước đại nhảy vọt theo đà tăng R&D. Theo một nghiên cứu của Ấn Độ, năm 1980, số bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế của Trung Quốc chỉ bằng 1/15 của Ấn Độ.

Tuy nhiên, chỉ 15 năm sau, người Hoa đã “san bằng” được khoảng cách này, và đến năm 2005, người Trung Quốc đã vượt xa người Ấn gấp 3 lần. Trong quãng thời gian 25 năm này (1980-2005), số bài báo khoa học của Ấn Độ chỉ tăng 2,5 lần trong khi Trung Quốc tăng gấp 10.

Theo Business Week, giai đoạn 1995-2004, số nhà nghiên cứu của TQ tăng 77%, hiện có tới 926.000 người.

Theo Xinhua, từ nay đến 2010 Viện Khoa học Trung Quốc sẽ xây dựng thêm 5 viện nghiên cứu để thúc đẩy sức sáng tạo khoa học của nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và mới. Trung Quốc đặt ra mục tiêu trở thành một quốc gia tiên tiến vào năm 2020, và khi đó chi tiêu R&D sẽ chiếm 2,5% GDP (hiện chỉ mới đạt 1,4%), nghĩa là ngân sách R&D sẽ lên tới 115 tỷ USD/năm.

HOÀNG LIÊM

10 công ty đầu tư vào R&D nhiều nhất trong năm 2005-2006

1. Ford Motor Co. (Mỹ): 6,78 tỷ euro (8,6 tỷ USD)
2. Pfizer Inc. (Mỹ): 6,3 tỷ euro (8 tỷ USD)
3. General Motors Corp. (Mỹ): 5,67 tỷ euro (7,2 tỷ USD)
4. Daimler Chrysler AG (Đức): 5,64 tỷ euro (7,15 tỷ USD)
5. Microsoft Corp. (Mỹ): 5,58 tỷ euro (7,08 tỷ USD)
6. Toyota Motor Corp. (Nhật Bản): 5,42 tỷ euro (6,87 tỷ USD)
7. Johnson & Johnson (Mỹ): 5,35 tỷ euro (6,79 tỷ USD)
8. Siemens AG (Đức): 5,15 tỷ euro (6,53 tỷ USD)
9. Samsung Electronics Co. (Hàn Quốc): 4,61 tỷ euro (5,85 tỷ USD)
10. GlaxoSmithKline PLC (Anh): 4,56 tỷ euro (5,78 tỷ USD)

 (Nguồn: AP, European Commission) 

Tin cùng chuyên mục