Chợ Dân Sinh

Một thời vang bóng

Một thời vang bóng

Chợ Dân Sinh còn gọi là Khu Dân Sinh, tọa lạc trên khu đất rộng hơn 5.000m2, nằm ngay trung tâm quận 1 với 4 con đường bao quanh là Yersin, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ và Ký Con.

Tiền thân của chợ Dân Sinh là khu ăn chơi cờ bạc khét tiếng Kim Chung do băng nhóm Bảy Viễn cầm đầu vào những năm 50 của thế kỷ trước; cuối năm 1954, khu Kim Chung đổi tên thành chợ Dân Sinh, trải qua bao biến động lịch sử, thăng trầm, khu chợ vẫn tồn tại từ bấy đến nay. Song, tuy có vị trí thuận lợi và bề dày lịch sử nhưng so với những khu chợ nhộn nhịp khác của thành phố, chợ Dân Sinh lại im ắng dần.

Một thời vang bóng ảnh 1

Một trong những mặt hàng đặc chủng của chợ Dân Sinh. Ảnh: SONG PHẠM.

Trước năm 1975, chợ Dân Sinh chuyên bán đồ quân trang, quân dụng cũ, mới của quân đội Mỹ. Từ năm 1978 đến năm 1989 là giai đoạn đất nước chưa mở cửa, kinh tế khó khăn, hàng hóa khan hiếm nhưng lại là giai đoạn cực thịnh của chợ Dân Sinh với các loại từ quần áo, vật dụng đồ nghề cũ như phụ tùng xe hơi, xe gắn máy, máy tàu, máy bơm, ốc vít, bản lề, bù-loong, con tán, xe đẩy, xe nâng, dụng cụ làm vườn...; cho đến thiết bị gia dụng như máy xay thức ăn, sành sứ, thủy tinh, vải sợi, giày, bạt, bố, võng, quần áo, mùng, mền cũ, cả giẻ lau... nhưng “đặc chủng” vẫn là đồ quân dụng “ăn chắc mặc bền”.

Đồ bảo hộ lao động cũng là một mặt hàng chủ lực của chợ Dân Sinh. Nguồn hàng từ các nước xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, Liên Xô chủ yếu do người đi hợp tác lao động xách tay về cũng là “hàng độc” được nhiều người lựa chọn.

Đất nước mở cửa, kinh tế quốc doanh dần “co” lại, nhường chỗ cho hợp tác kinh doanh và tư thương. Năm 1990 – 1992, chợ Dân Sinh bắt đầu xuất hiện hàng mới, đến khoảng năm 1997 thì lượng hàng mới hầu như chiếm lĩnh, hàng cũ trở thành hàng souvenir, dành cho khách du lịch, Việt kiều và người ưa hoài niệm sưu tầm hoặc làm quà tặng nhau. Từ 1992-2000 luật doanh nghiệp ra đời tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, xuất nhập khẩu dễ dàng hơn, nhiều cửa hàng kim khí điện máy, trung tâm mua bán, siêu thị xuất hiện..., chợ Dân Sinh từ đó bước vào giai đoạn “thoái trào”.

Năm 2003, chợ đầu mối Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối dời về Thủ Đức, kéo thêm gần 40% lượng khách hàng của chợ Dân Sinh - vốn trước đây là bạn hàng từ 2 chợ này ghé qua mua bán trao đổi rất mạnh - khiến chợ càng thêm eo sèo. Một số tư thương có vốn lớn đã nhanh nhạy nhảy ra ngoài lập công ty và đều thành đạt như siêu thị kim khí điện máy Nguyễn Kim, Thu Sports, dụng cụ thể thao Khỏe... chứng tỏ môi trường “đào tạo doanh nghiệp” từ khu chợ Dân Sinh rất tốt.

Các tiểu thương buôn bán nhỏ vẫn bám trụ và đa số có sẵn mối mang lấy sỉ từ trước nên chợ vẫn duy trì hoạt động đều đặn cho đến ngày nay. Tuy nhiên, một số khách hàng quen thuộc của chợ Dân Sinh, vì ưa cái cảm giác cà kê trả giá nên vẫn thường xuyên lui tới chợ, nói: “Đi chợ Dân Sinh bây giờ hơi chạnh lòng bởi cảm giác trống trải. Vào một số thời điểm trong ngày, quả thật người bán đông hơn người mua”.

Vào Ban quản lý (BQL) chợ những ngày cuối cùng của năm Bính Tuất càng ngạc nhiên hơn khi ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng BQL, cho biết: “Thuế suất mà bà con tiểu thương ở đây nộp cho Nhà nước hàng năm vẫn chỉ đứng sau chợ Bến Thành”. Điều này chứng tỏ sự tấp nập hay thưa vắng chỉ là một phần(?) Phần còn lại chắc chắn thuộc về nội lực và mãi lực của các mặt hàng vốn dĩ rất đặc thù của chợ Dân Sinh, cùng sự bươn chải, tự vượt khó của bà con tiểu thương.

Được biết từ nhiều năm qua đã có nhiều dự án, dự toán xây dựng mới chợ Dân Sinh từ 1 trệt, 1 lửng, cho đến 8 rồi 14 tầng bao gồm trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng... nhưng do kinh phí và do sự bất nhất giữa nhiều bên nên dự án vẫn cứ là dự án.

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục