
Những số liệu thống kê mới nhất từ 6 hệ thống thống kê, đánh giá và tổng hợp về tình hình phát triển của làng nhạc thế giới bao gồm: Nielsen SoundScan, Next Big Sound, Morgan Stanley, TechNavio và Concave Brand Tracking vừa đưa ra những số liệu đầy bất ngờ tiết lộ về tình trạng của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới.
Sự cạnh tranh của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới vẫn đang ở giai đoạn rất khốc liệt. Mặc dù bức tranh âm nhạc có khá nhiều gam màu ảm đạm bởi sự sụt giảm về doanh số bán đĩa, đặc biệt là số lượng đĩa bạch kim trong năm 2014 ngày càng ít đi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hiệu tích cực để người hâm mộ có thể kỳ vọng vào những sự thay đổi mang tính đột phá.
David Bakula, đại diện của Nielsen SoundScan - đơn vị theo dõi doanh số đĩa đơn, album, video và DVD trên quy mô toàn thế giới tỏ ra lạc quan: “Người hâm mộ vẫn tiếp tục góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc thông qua các dịch vụ trực tuyến và đạt con số kỷ lục. Điều này phần nào giúp bù đắp sự sụt giảm về doanh số bán hàng. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ của âm nhạc kỹ thuật số là xu hướng thịnh hành và đáng khích lệ. Chắc chắn nó sẽ tiếp tục tăng trưởng và xác lập những kỷ lục mới”.

Biểu đồ về tỷ lệ của các dòng nhạc đang thịnh hành trên thế giới.
Cùng nhìn lại 5 xu hướng đang rất thịnh hành của làng âm nhạc thế giới.
1. Số lượng người tiêu thụ âm nhạc nhiều hơn bao giờ hết
Theo một báo cáo từ Next Big Sound - công ty chuyên về các số liệu truyền thông xã hội, trong năm 2014 số liệu từ việc tiêu thụ âm nhạc trực tuyến đã đạt mức 434,695,663,626. Con số này được lấy từ các chuyên trang: Spotify, YouTube, Vevo, Soundcloud, Vimeo và Rdio, tăng 95% so với năm 2013 và 363% so với năm 2012. Âm nhạc trực tuyến hiện tại không còn là tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc. Nó là bức tranh phản ánh đúng đắn thực tế hiện nay.
Một số liệu thống kê khác từ các trang mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Instagram, SoundCloud, YouTube, Vine tiết lộ, hiện tại có 17.335.824.480 người hâm mộ đang sử dụng các dịch vụ âm nhạc. Con số này tăng 186% so với năm 2013 và 202% so với năm 2012. “Ngành công nghiệp âm nhạc đang đi những bước lùi và chắc chắn nó sẽ không bao giờ trở lại con đường cũ. Nó đang tìm cho mình hướng đi mới”, báo cáo nêu rõ.
2. Dịch vụ tải nhạc trực tuyến đang chết dần
Báo cáo cuối năm 2014 của Nielsen SoundScan cũng tiết lộ doanh số album kỹ thuật số bán ra trong năm qua giảm từ 117,6 triệu bản xuống còn 106,5 triệu bản (mức giảm 9,4%) so với năm 2013. Doanh số các bản thu bán ra thậm chí còn giảm nhiều hơn: 12,5% từ 1,26 tỷ lượt xuống còn 1,1 tỷ lượt. Sự phát triển của âm nhạc trực tuyến cho thấy rất khó để thay đổi xu hướng của người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng đang mong đợi và ưa thích sử dụng âm nhạc miễn phí, trong đó điển hình là YouTube.
Niềm hy vọng tiếp theo của ngành công nghiệp âm nhạc đó là thuyết phục người tiêu dùng sẽ chi trả mức 9.99 USD/tháng cho Spotify - trang dịch vụ âm nhạc trực tuyến được ưa thích bậc nhất hiện nay. Điều này sẽ góp phần không nhỏ vào việc kích cầu sự phát triển của thị trường.
3. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng đĩa “cổ lỗ sĩ”
Nếu lượng album kỹ thuật số bán ra sụt giảm đáng kể thì doanh thu bán album ngoài thị trường còn ở mức báo động, với mức giảm 14,9% từ 165,4 triệu bản xuống còn 140,8 triệu bản. Một điều khá thú vị đó là sự trở lại của dòng đĩa vinyl (đĩa có bán kính 7 inch) với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Năm qua, doanh số của dòng đĩa này đạt mức 9,2 triệu bản, tăng 51,8% so với con số 6,1 triệu bản năm 2013. Báo cáo của Nielsen SoundScan cho hay: “Đây là năm thứ 9 doanh thu bán đĩa vinyl tăng trưởng mạnh. Hiện tại, doanh thu của nó cao hơn 6% so với dòng đĩa đang thịnh hành”.
4. Nhạc rock không chết yểu như người ta vẫn nghĩ
Một thống kê cho thấy sự thành công của loại đĩa ninyl có đóng góp không nhỏ của nhạc rock - dòng nhạc có sức ảnh hưởng và lịch sử khá lâu dài. Ngoài thể loại rock cổ điển của Beatles hay Lana Del Rey vẫn rất được ưa chuộng thì nhiều album nhạc rock mới của Jack White với Lazaretto hay Arctic Monkeys với AM đều đạt những con số ấn tượng. Trên mặt trận nhạc số, thể loại pop-rock đang chiếm ưu thế lớn với 24% thị phần. Con số này gấp đôi đối thủ cạnh tranh là rap (11%) hay nhạc điện tử, R&B (9%).

Jack White với Lazaretto - một album nhạc rock đang rất được yêu chuộng.
5. Đài phát thanh vẫn gây chú ý
Tính riêng tại thị trường Mỹ năm 2014 trong tổng số 320 triệu người thì có đến 298 triệu người vẫn giữ thói quen nghe nhạc qua sóng AM/FM. Con số này gấp nhiều lần so với các kênh âm nhạc trực tuyến vốn rất thịnh hành, như: Pandora (79 triệu người dùng), SiriusXM (27 triệu người dùng) và Spotify (14 triệu người dùng).
Báo cáo của Morgan Stanley - một ngân hàng đầu tư lừng danh tại Mỹ cũng chỉ ra rằng doanh thu từ đài phát thanh phát sóng mặt đất chiếm đến 44% tổng doanh thu ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ trong năm qua. Tuy nhiên, theo dự đoán con số này sẽ giảm khoảng 1,4% /năm trong vòng 5 năm tới đây khi loại hình quảng cáo trực tuyến đang có mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, đài phát thanh sẽ không dễ gì bị loại bỏ.
Cũng như phim ảnh, ngành công nghiệp âm nhạc đang trải qua giai đoạn khó khăn bởi sự cạnh tranh và thay đổi xu hướng của người dùng. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận đó là hiện tại đang là thời đại của nhạc số với sự phát triển như vũ bão và những tăng trưởng kỷ lục.
HẢI DUY