Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền, TPHCM đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững của thành phố mang tên Bác.
Long Hòa đổi đời
Năm 1990, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Cần Giờ còn 35%. Để từng bước xóa nghèo, Đảng bộ, chính quyền huyện Cần Giờ không ngừng nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Và nuôi thủy - hải sản được xem là giải pháp trọng tâm giúp người dân phát triển kinh tế. Sự mạnh dạn chuyển đổi của nông dân từ chuyên canh cây lúa, làm muối hiệu quả thấp, sang những mô hình chăn nuôi kết hợp như tôm - cá, tôm - muối phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương đã đem lại hiệu quả tích cực.
Khoảng 5 năm trở lại đây, nghề nuôi tôm, cá mú, hàu… đã thu hút nhiều hộ nông dân ở huyện Cần Giờ tham gia, sau đó nhiều hộ dần chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Toàn huyện hiện có khoảng 1.900 hộ nuôi tôm, với diện tích thả nuôi gần 7.000ha.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết: “Hiện nay, nghề nuôi trồng thủy - hải sản ở Cần Giờ đang phát triển tốt, giúp nhiều hộ dân từng bước cải thiện đời sống. Đơn cử như nuôi tôm, bình quân mỗi hộ lãi hơn 250 triệu đồng/ha/năm. Một trong những xã tiêu biểu là Long Hòa hiện có 198ha nuôi tôm, cá mú, hàu, ốc hương, nghêu, sò… sản lượng 1.188 tấn/năm”.
Anh Trương Văn Bánh, một hộ nuôi hàu lớn trên địa bàn xã Long Hòa kể, năm 2012 gia đình anh chỉ có 1ha nuôi hàu, sản lượng không cao. Sau đó, nhờ tiếp cận nguồn vốn từ chương trình nông thôn mới, anh đã mạnh dạn mở rộng sản xuất; đến nay gia đình đã có 12ha nuôi hàu, thu nhập ròng hơn 500 triệu đồng/năm. Còn trang trại của ông Huỳnh Văn Mãnh có diện tích 7.000m2, bình quân mỗi ô nuôi cá mú 1.000m2. Với giá thành 250 triệu đồng/tấn cá, bình quân ông Mãnh thu về khoảng 2,6 tỷ đồng/năm.
Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Bá Trường, Chủ tịch UBND xã Long Hòa, chia sẻ: “Nhờ thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, làm tốt việc tuyên truyền nên nhân dân đã tự nguyện hiến đất cùng hàng ngàn ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, sạch sẽ, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa. Xã cũng đưa vào sử dụng 6 trường mầm non, tiểu học, THCS; hơn 95% nhà ở của người dân đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo chuẩn giảm nghèo bền vững của thành phố còn 4,87%, (tương ứng 138/2.836 hộ), thấp nhất huyện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, cao nhất huyện Cần Giờ”.
Khá giả nhờ hoa lan
Những năm qua, ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) có nhiều hộ nghèo đã trở nên khá giả nhờ mô hình trồng hoa lan. Một trong số những người thành công và cũng là thủ lĩnh của mô hình này là anh Kiều Công Hầu (Hầu lan). Từ một thợ điện, thợ tiện với thu nhập 6 triệu đồng/tháng, chỉ đủ trang trải chi tiêu hàng ngày cho gia đình, anh Hầu luôn trăn trở tìm cách để thoát nghèo. Năm 2008, thấy thị trường hoa lan “sốt”, người chơi hoa lan nhiều nhưng giống lan lại ít; phần lớn các giống lan bán trong nước đều phải nhập, giá cả lại quá cao. Từ đó, anh Hầu nảy ý tưởng tự lai tạo các giống lan để cung ứng cho thị trường với giá rẻ hơn.
Bà Phạm Thị Tuyết Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Kiên, cho biết đến nay mô hình trồng lan kiểng của anh Hầu đã được địa phương nhân rộng cho hơn 20 hộ gia đình. Phần lớn các hộ này trước đây là hộ nghèo, nay đều thoát nghèo, có hộ khấm khá, vươn lên làm giàu.
“Địa phương vẫn đang tiếp tục phối hợp với anh Hầu nhân rộng mô hình trồng lan, nghiên cứu thêm mô hình cây cảnh bonsai, hoa mai… hỗ trợ các gia đình khác trong xã cùng nhau làm kinh tế giỏi, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, bà Tuyết Hồng cho hay.