62,3% bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải

Có trạm xử lý cũng như không
62,3% bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải

Theo kết quả kiểm tra mới đây của Bộ Y tế về việc thực hiện Quy chế quản lý xử lý rác thải y tế và thực trạng hệ thống xử lý rác thải y tế trong toàn quốc cho thấy, mặc dù có tới  95,6% bệnh viện (BV) thực hiện phân loại chất thải nhưng tỷ lệ vật dụng chứa chất thải đáp ứng yêu cầu lại rất khác nhau và chỉ có một số ít BV có thùng đựng chất thải theo đúng quy chế.

Theo đó, chỉ xấp xỉ  30% BV sử dụng túi nhựa có thành dày để chứa rác thải y tế theo đúng quy chế. Tỷ lệ BV vận chuyển chất thải trong xe có nắp đậy và có chỗ lưu giữ chất thải đạt yêu cầu cũng chỉ đạt khoảng 50%. 

Liên quan tới việc xử lý chất thải lỏng, khảo sát của Y học lao động và Vệ sinh môi trường tại 700 BV, có tới 62,3% số BV chưa có hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải của nhiều BV cũng đã quá cũ, nhiều nơi trên 30 năm nên xuống cấp dẫn tới  chất lượng nước được xử lý chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Quốc Khánh

Xử lý nước thải bệnh viện
Không thể chậm trễ

Nước thải của hàng loạt bệnh viện (BV) tại TPHCM chưa được xử lý, hoặc xử lý qua loa rồi xả thẳng vào hệ thống nước thải sinh hoạt chung, gây ô nhiễm cao, đã bị“lên án” từ lâu. Nhưng đến nay, nhiều BV vẫn “phớt lờ” và nước thải lẫn lộn đủ thứ mầm bệnh vẫn tiếp tục được xả… vô tư.

Có trạm xử lý cũng như không

62,3% bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải ảnh 1

Trạm xử lý nước thải BV Nguyễn Tri Phương trở thành nơi chứa đồ, phế liệu, máy móc gỉ sét. Ảnh: TG.L.

Có lượng bệnh nhân chăm sóc, điều trị lên tới cả ngàn người/ngày với những chứng bệnh có nguy cơ truyền nhiễm cao, nhưng từ nhiều năm qua, BV Ung bướu vẫn chưa xây dựng được một hệ thống xử lý nước thải (XLNT) cho… ra hồn.

Trạm XLNT của BV nằm kế ngay phòng máy xạ trị Cobalt. Trạm XLNT, thực tế chỉ là một cái phòng xập xệ khoảng 20m² với ngổn ngang thiết bị, vật dụng cũ mèm như mấy cái thùng nhựa cỡ 100-200 lít, hai cái máy bơm… Tuy là trạm XLNT nhưng khi chúng tôi đến (9 giờ sáng 18-10) chẳng thấy hệ thống máy móc hoạt động. Một nhân viên kỹ thuật  cho biết trạm chẳng qua là bồn chứa dung dịch Clo và vài thứ khác. Nước thải BV được coi là đã qua xử lý nhưng vẫn đậm đặc mùi bệnh phẩm xả ra cống nước thải chung là chuyện thường ngày.

Hệ thống XLNT của BV Chấn thương chỉnh hình cũng chỉ là một cái bể lắng lọc nằm ngay góc giáp ranh BV Chợ Quán. Được xây dựng từ năm 1998 có công suất 300m³/ngày, tính cho 200 giường bệnh, nhưng nay bể lắng lọc này đã quá sức chứa bởi số giường bệnh đã tăng lên nhiều khiến lượng nước thải cũng tăng khoảng 500m³/ngày. Theo một nhân viên phụ trách vệ sinh BV, công nghệ XLNT của BV là phương pháp lọc, rồi xử lý qua hóa chất và xả ra cống. Đáng nói hơn, do thiết kế cũ, hiện hệ thống cống thu gom nước thải nội bộ của BV thấp hơn so với cống nối vào bể chứa nên lượng nước thải chảy về bể không hết và tràn ra hệ thống cống cái để chảy thẳng ra cống công cộng mà chưa qua một khâu xử lý nào.

BV An Bình phục vụ cả ngàn lượt bệnh nhân/ngày, nhưng khu XLNT đã ngưng hoạt động hơn 10 năm qua, được trưng dụng làm... nhà  kho. Vì vậy, trung bình 500m³ nước thải y tế/ngày của BV chỉ được xử lý sơ bộ rồi tống thẳng ra cống công cộng. Ngoài ra, hàng loạt BV khác đóng trên địa bàn TP nhiều năm qua không có hệ thống XLNT, như Khoa phụ sản BV Đại học Y Dược, BV Truyền máu huyết học, BV Nguyễn Tri Phương, BV Tai Mũi Họng… và hầu hết BV tuyến quận/huyện.

Biết rõ nguy hiểm nhưng chưa tích cực xử lý

Qua khảo sát của Sở TN-MT, nước thải BV chứa đủ thứ, từ dịch tiết, máu, mủ, hóa chất xạ trị, nước vệ sinh giặt giũ, phẫu thuật cho đến bệnh phẩm… Loại nước này ô nhiễm nặng về mặt hữu cơ và vi sinh. Hàm lượng vi sinh cao gấp 100 đến 1.000 lần tiêu chuẩn cho phép, với nhiều loại vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, virus đường tiêu hóa, các loại ký sinh trùng, nấm… “Nếu không được xử lý đúng quy trình, sau khi hòa vào hệ thống nước thải sinh hoạt chung, những mầm bệnh này phát tán khắp nơi, trước hết xâm nhập vào các loại cây trồng, vật nuôi, nhất là các loại rau thủy sinh và cuối cùng xâm nhập trở lại vào con người”, một cán bộ Sở TN-MT cảnh báo.

Đáng sợ hơn, một bác sĩ chuyên khoa ung bướu cho biết, đối với các loại hóa chất xạ trị, thuốc đặc trị chống ung thư khi xả thải ra môi trường mà chưa chuyển hóa hết có khả năng gây bệnh rất lớn cho những người tiếp xúc, nhất là đối với công nhân nạo vét cống thoát nước.

Theo thống kê mới nhất của Sở TN-MT, hiện TP còn tới gần 1/3 trong tổng số 62 BV và trung tâm y tế công lập chưa có hệ thống XLNT, số còn lại có hệ thống XLNT  đạt chuẩn.  Còn ở các BV tuyến quận-huyện, ngay cả bể lắng lọc cũng không có, nước thải y tế chảy thẳng ra cống thoát nước sinh hoạt.

Theo thống kê của Sở TN-MT, bình quân mỗi ngày các BV ở TPHCM thải khoảng 17.000-20.000m³ nước thải y tế, phần lớn trong số này không được xử lý, hoặc xử lý qua loa rồi xả trực tiếp ra hệ thống cống chung của TP.

Thực tế ô nhiễm từ nước thải BV ai cũng thấy, mà cụ thể là lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các BV đều rõ, nhưng đến nay vẫn chưa có những động thái tích cực nhằm chấn chỉnh thực trạng này. Theo lãnh đạo Sở Y tế, những năm qua vẫn nhắc nhở các BV có phương án cải tạo hệ thống XLNT. Có BV đã làm nhưng chưa đạt chuẩn là do không dự kiến được công suất. Khi xây dựng, dự kiến vài trăm lượt bệnh nhân/ngày nhưng qua 1-2 năm lượng bệnh nhân đã tăng vọt trên cả ngàn thì tất nhiên lượng nước thải đã vượt xa công suất thiết kế.

Còn theo giám đốc một số BV, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống XLNT lên tới hàng chục tỷ đồng, rồi sau đó là chi phí vận hành khiến BV không kham nổi. Hơn nữa, một số BV hiện nay đang có dự án di dời nên cứ… phớt lờ. Một số BV thì viện lý do không có mặt bằng, chưa tìm được công nghệ thích hợp nên cứ lần lữa. Trong khi đó, hàng năm các BV vẫn chi ra hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh nhưng lại “quên” xây dựng hệ thống XLNT!

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục