Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, căn bệnh này vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng và đầy đủ, khiến việc phát hiện, điều trị và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết gặp nhiều trở ngại.
Tăng nhanh ở nhóm người trẻ
Chỉ hơn một tháng, tại một trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 3 vụ nghi tự tử. Điều đáng báo động là những người tìm đến cái chết còn rất trẻ, ở độ tuổi 15-32, gặp nhiều áp lực trong học tập, mối quan hệ xã hội… Trước đó, cả nước cũng đã ghi nhận nhiều vụ tự tử do trầm cảm; nhiều bệnh viện tiếp cận và tư vấn kịp thời những ca trầm cảm muốn tự tử.

Điển hình như nữ sinh viên L.T.T.H. (19 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) bị trầm cảm với lý do bị bạn bè cô lập. Trong suy nghĩ của nữ sinh này có ý định giết bạn và tự tử, rất may gia đình phát hiện con gái có dấu hiệu bất ổn nên đã đưa con đến cơ sở tham vấn tâm lý. Chuyên viên đã tham vấn cho cha mẹ cách hỗ trợ, quan sát các biểu hiện của con gái để có giải pháp phù hợp, đồng thời tham vấn cho nữ sinh từng bước loại bỏ trầm cảm khỏi cuộc sống.
Một trường hợp khác là em N.H.H. (16 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM vì buồn chán, có ý định tự tử sau khi cảm thấy bị thiệt thòi do cha mẹ dành tình cảm và quà tặng nhiều hơn cho em trai...
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay 85% người bệnh rối loạn trầm cảm ở nước ta có độ tuổi từ 13-18. Trong đó, tỷ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng. Nhiều trường hợp bị rối loạn trầm cảm do yếu tố nội sinh, tức là gặp yếu tố bất thường về gene và sinh học, sau đó xuất hiện ý tưởng hoặc hành vi tự tử.
BS-CK2 Lâm Hiếu Minh, Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi tự tử thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, lo âu kéo dài. Với người bệnh bị trầm cảm, có nguy cơ tự tử thì sức khỏe tâm thần của người bệnh đã gặp vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và tâm lý không có khả năng để thích ứng với sự kiện xảy ra. Cho đến khi có một tình huống khác xuất hiện, sẽ như “giọt nước tràn ly”, lúc này xung động tự tử sẽ xuất hiện.
“Đa số người có hành vi tự tử thường bị mất cân bằng từ yếu tố xã hội, thiếu hệ thống nâng đỡ như gia đình, nhà trường, bạn bè… Khi không còn khả năng “kháng cự”, người bệnh cảm thấy tuyệt vọng. Họ không nghĩ về tương lai và tin rằng cuộc sống không còn ý nghĩa. Lúc này, dễ xảy ra hành vi tự chấm dứt cuộc sống, quyết định tức thời”, BS-CK2 Lâm Hiếu Minh thông tin.
Có thể phòng ngừa
Theo thống kê tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, những năm gần đây, số lượng người bệnh đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20%-30%. Trong đó, các ca bị trầm cảm nặng đều rơi vào các em có độ tuổi chỉ từ 15-17.
Còn tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, phần lớn người đến thăm khám và điều trị tại đây là các người bệnh có dấu hiệu trầm cảm, nhiều người bệnh có độ tuổi rất trẻ, mắc các rối loạn liên quan đến căng thẳng, stress, trầm cảm. Điểm chung của nhóm đối tượng này là thường gặp trong các gia đình có cha mẹ ly hôn, bản thân gặp khó khăn, thất bại trong tình yêu, quan hệ bạn bè, học tập, bị lạm dụng tình dục, áp lực cuộc sống sau khi sinh...
Ngoài ra, các căn bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tự tử ở tuổi vị thành niên.
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện chỉ có 0,99 bác sĩ tâm thần/100.000 dân; 2,89 điều dưỡng tâm thần/100.000 dân; 0,11 tư vấn tâm lý/100.000 dân, trong khi các con số tương ứng trung bình của thế giới là 1,7 - 3,8 - 1,4/100.000 dân. Chuyên ngành tâm thần tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ bác sĩ...
Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa tâm thần chủ yếu tập trung ở các thành phố, dẫn đến khoảng trống điều trị quá lớn tại các tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Đại tá, BS-CK1 Nguyễn Văn Ca, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho hay, bệnh trầm cảm không loại trừ bất kỳ ai và hầu hết những người có ý định hay hành vi tự tử đều không muốn chết. Họ thường trải qua sự tuyệt vọng đáng kể và muốn chấm dứt nỗi đau của mình.
Còn theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân 115, người có ý định tự tử thường gửi đi những tín hiệu - có thể rất tinh tế với những lời nói ám chỉ như “tôi thấy vô dụng quá”, “ước gì tôi biến mất”, “không có tôi, mọi người sẽ ổn hơn”… hoặc thay đổi hành vi (đột ngột thu mình, mất hứng thú, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, ăn uống thất thường). Bên cạnh đó, họ cũng thường chuẩn bị trước cho việc chấm dứt cuộc sống bằng cách sắp xếp việc riêng, dọn dẹp đồ đạc, chia sẻ mật khẩu, tặng lại đồ quý giá…
Một số yếu tố được xem là nguy cơ cao dẫn tới tự tử: rối loạn tâm thần (đặc biệt là trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc lưỡng cực); sang chấn tâm lý (bị bạo lực, lạm dụng, chia tay, ly hôn cha mẹ…); lạm dụng chất gây nghiện (rượu, ma túy…) khiến giảm kiểm soát hành vi, dễ hành động bốc đồng; có người thân hoặc bạn bè từng tự tử gây hiệu ứng “lây truyền tâm lý”; bị cô lập xã hội khi không có ai lắng nghe, mất kết nối thật sự với người thân…
Nếu phát hiện người có biểu hiện nguy cơ tự tử, không nên để họ ở một mình trong thời điểm nguy cấp, loại bỏ vật dụng nguy hiểm như thuốc, dây, dao… và nhờ hỗ trợ chuyên môn từ các cơ sở y tế chuyên sâu, nhất là chuyên khoa tâm thần kinh.
Tự tử có thể phòng ngừa, nhưng để làm được việc này, cần một xã hội dám đối diện và cởi mở về sức khỏe tâm thần; dạy trẻ từ sớm cách nhận diện và xử lý cảm xúc; tạo không gian an toàn để chia sẻ, không sợ bị đánh giá và truyền thông giáo viên, phụ huynh nhận diện nguy cơ để phòng ngừa.