PHÓNG VIÊN: Một cách ngắn gọn, ông có thể đúc kết gì về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn TPHCM trong năm 2018?
Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Số liệu thống kê vẫn đang được Ban ATGT TPHCM tổng hợp, nhưng nhìn chung tình hình trật tự ATGT trên toàn địa bàn thành phố trong năm 2018 vừa qua có một số đặc điểm chính sau đây:
Trước hết, mặc dù các sở ban ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp hơn, số vụ tai nạn giao thông và số người chết do tai nạn giao thông vẫn còn cao.
Thứ hai, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu đã trở nên quá tải so với dân số và phương tiện giao thông, trong khi thành phố vẫn chưa triển khai các giải pháp cụ thể để hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Tiếp theo, công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vẫn còn chậm do tỷ lệ đáp ứng được nguồn lực cho chương trình còn thấp, chỉ đạt 12,3% so với nhu cầu, cũng như chưa xây dựng được cơ chế đột phá trong công tác giải tỏa mặt bằng và cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông. Trong khi đó, vận tải hành khách công cộng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khi chỉ mới vận chuyển 9,5% nhu cầu đi lại của người dân. Bản thân địa hạt vận tải hành khách công cộng cũng đang gặp nhiều khó khăn như thiếu thốn về cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng, hạ tầng tiếp cận cho người dân sử dụng phương tiện công cộng còn hạn chế, thành phố vẫn chưa có loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn như metro, buýt nhanh BRT… Ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn hạn chế, công tác kiểm tra, kiểm soát và chế tài xử phạt chưa tạo tính răn đe.
Ông lý giải thế nào khi tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn còn diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp như ông vừa nhận xét?
Chúng tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy. Trước hết với đặc thù của một siêu đô thị, phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gia tăng trên địa bàn trong thời gian qua. Tính đến nay, toàn thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, trong đó chiếm áp đảo là mô tô. So sánh với cột mốc năm 2010, tính ra tổng số phương tiện đã tăng hơn 50%, chưa kể còn gần 2 triệu phương tiện của các tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, như chúng tôi nhận xét ở trên, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển đô thị. Việc mở rộng các tuyến đường còn hạn chế, gần như không thay đổi. Một số khu đô thị bắt đầu phát triển nhanh và mạnh, kéo theo nhu cầu hoạt động giao thông vận tải tăng cao.
Bất cập tiếp theo là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, đặc biệt rơi nhiều vào nhóm đối tượng điều khiển xe hai bánh, xe container và cả người bộ hành.
Việc huy động các lực lượng duy trì đảm bảo tình hình sau khi kiểm tra xử lý chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị chưa tốt nên tình trạng lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự ATGT xảy ra thường xuyên, không đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Cuối cùng là yếu tố liên quan đến thời tiết, biến đổi khí hậu, mưa trùng lúc với triều cường gây ngập nước, lưu lượng phương tiện tăng cao tại khu vực cụm cảng hàng không, cảng biển… tất cả đã góp chung phần ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian qua.
Ông dự báo tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố trong năm 2019 sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?
Dự báo trong năm 2019, quá trình đô thị hóa tiếp tục tăng nhanh cùng với sự tăng mạnh của phương tiện giao thông cá nhân. Với các yếu tố này, sẽ tiếp tục gây quá tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị, đồng nghĩa tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố trong thời gian tới sẽ còn phức tạp.
Trước dự báo ấy, thành phố cần làm gì để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn trong năm 2019?
Chủ đề được TPHCM chọn cho năm ATGT 2019 là “ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”. Để thực hiện điều này và nhất là để đảm bảo tình hình trật tự ATGT, kéo giảm ùn tắc và kéo giảm tai nạn giao thông, chúng tôi cho rằng không thể thực hiện từng giải pháp đơn lẻ mà phải là biện pháp tổng hợp mang tính tổng thể. Trên tinh thần ấy, sẽ có 7 nhóm giải pháp chính được triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Giải pháp trước hết là hoàn thiện hệ thống quy hoạch, cơ chế chính sách và bộ máy quản lý nhà nước về giao thông đô thị. Trong đó sẽ chú trọng thực hiện quy hoạch chi tiết các tuyến trục chính đô thị, các nút giao thông trọng điểm, đường vành đai, đường trên cao, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh, mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức, liên thông trong nội đô và kết nối với các đô thị vệ tinh, công trình đầu mối vận tải. Hoàn thiện các quy định bảo đảm trật tự ATGT về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè; thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ…
Nhóm giải pháp thứ 2 là đảm bảo khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu. Tập trung thực hiện tổ chức giao thông hiệu quả ở khu vực cửa ngõ và trung tâm thành phố; hạn chế một số loại phương tiện lưu thông theo thời gian trong ngày; xây dựng hàng rào bảo đảm ATGT cho người đi bộ; xây dựng thêm cầu vượt bộ hành; kiểm soát, cải tạo lối ra vào tại các tụ điểm đông người; lắp đặt biển cấm dừng đậu để hạn chế tối đa tình trạng dừng đậu tùy tiện dưới lòng đường, trên vỉa hè. Chấn chỉnh công tác thi công trên đường bộ đang khai thác để từng bước hoàn chỉnh năng lực của các đơn vị tham gia thi công và tiến tới sử dụng các thiết bị khoan ngầm khi thi công các công trình cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông.
Nhóm giải pháp tiếp theo là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; trong đó ưu tiên hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình có tính cấp bách, trọng điểm của thành phố, góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực điểm nóng như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các cửa ngõ…
Thứ tư là nhóm giải pháp liên quan đến nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa cũng như quản lý nhu cầu giao thông cá nhân. Trong vấn đề này, thành phố sẽ chú ý phát triển vận tải hành khách công cộng bằng hệ thống xe buýt nhanh (BRT) để tăng năng suất vận tải với chất lượng vượt trội, gắn với việc sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) thân thiện môi trường để tạo nên hình ảnh mới về xe buýt thành phố. Đầu tư phát triển các bến bãi và điểm trung chuyển để kết nối xe buýt với các phương thức khác theo quy hoạch và sớm hoàn thành dự án hệ thống bán vé điện tử thông minh trên xe buýt. Kiểm soát phương tiện cá nhân qua việc tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố, tạo tiền đề cho sự phát triển vận tải hành khách công cộng và kéo giảm ùn tắc giao thông.
Nhóm giải pháp thứ năm là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng, quản lý khai thác, điều hành giao thông đô thị. Sớm đưa trung tâm giám sát, điều khiển giao thông thành phố vào vận hành và phổ biến rộng rãi “Cổng thông tin giao thông” của Sở Giao thông Vận tải TPHCM để người dân nắm bắt và phản ánh các sự cố hạ tầng, bất cập trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị.
Các nhóm giải pháp còn lại là đổi mới tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT bằng nhiều hình thức khác nhau; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự ATGT.