35 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, tiếp nối thế hệ 7X, thế hệ 8X bắt đầu gặt hái những mùa vụ đầu tiên trong cuộc đời mình. Cháy bỏng trong tâm hồn những chàng trai, cô gái 8X hiện đại, năng động là khát vọng được làm điều gì đó “hoàn toàn Việt Nam” trong những lĩnh vực mới mẻ của thế giới.
Việt Nam với đẳng cấp quốc tế
Một cậu bé 4 tuổi lon ton vào bếp xem mẹ nấu nướng. Chờ mẹ nấu xong, cậu bé - với bộ áo dài khăn đóng màu vàng - khệ nệ bưng tô canh nóng ra và nói với ông bà một “bí mật”. Đó là bài vè chúc tết được đọc với chất giọng ngọng líu ngọng lịu: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè chúc tết/ Mùng Một trước hết/ Là món bánh chưng/ Vượt khổ vui mừng/ Là canh mướp đắng/ May mắn song hành/ Như bếp với Knorr…
“Bí mật” dễ thương của cậu bé, cùng với hình ảnh một gia đình 3 thế hệ, rạng rỡ, hạnh phúc đón xuân về với những món ăn cổ truyền được làm mới với hương vị hạt nêm của thời hiện đại đã đánh đúng vào tâm lý mong muốn một cái tết an lành của tất cả mọi người. Cũng trong năm 2008, clip quảng cáo cho sản phẩm hạt nêm Knorr đã giành giải Hiệu quả tiếp thị toàn châu Á-Thái Bình Dương. Có gì bí mật và hấp dẫn trong clip quảng cáo chưa đầy 3 phút ấy?
Người đề ra ý tưởng và giữ vai trò quan trọng trong suốt chiến dịch quảng cáo sản phẩm này là Đoàn Thiên Hương - Senior Art Director của Công ty JWT - công ty quảng cáo hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam. Vừa tròn 26 tuổi, Thiên Hương hiện là giám đốc nghệ thuật cấp cao trẻ nhất Việt Nam.
Đậu thủ khoa kỳ tuyển sinh Trường Đại học KHXH-NV TPHCM ngành Ngữ văn - Báo chí, thời gian sau, sang Singapore học tiếp chuyên ngành truyền thông, tốt nghiệp về nước, Hương làm việc với vai trò là giám đốc nghệ thuật cho Công ty JWT tại TPHCM.
Hai năm làm việc tại đây, nhóm của Hương liên tiếp được giao thực hiện những chiến dịch quảng cáo cho những tập đoàn lớn trên thế giới như bia Heiniken, Unilever... Mới đây nhất, Hương và nhóm cộng sự đã thắng thầu gói sản phẩm 3G của Mobifone khi đề ra chiến dịch quảng cáo với ý tưởng chủ đạo: “Ở đâu có sóng (của MobiFone) ở đó có sự sống” (there’s air - there’s life). Sau chiến thắng này, Thiên Hương được thăng cấp lên Senior Art Director - lập kỷ lục thăng chức chỉ sau chưa đầy 2 năm.
Cô tâm sự: “Mong một ngày nào đó sản phẩm Việt sẽ khẳng định được chỗ đứng trên thương trường quốc tế và lúc ấy Hương sẽ có cơ hội được thiết kế, quảng cáo cho những sản phẩm Việt 100%”. Tất cả những nỗ lực của cô và đồng nghiệp nhằm khẳng định một điều: người Việt vẫn có khả năng làm được những sản phẩm quảng cáo chất lượng quốc tế.
Ước mơ làm phim “Discovery Việt Nam”
Khi bài báo này lên khuôn cũng là lúc bộ phim truyền hình ký sự khám phá mang tên “Nơi tận cùng thế giới” do Phòng Truyền hình Báo Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện xong phần hậu kỳ và chuẩn bị ra mắt khán giả. Đây là đoàn làm phim Việt Nam đầu tiên đặt chân đến vùng đất Irian Jaya (Indonesia) - một vùng đất hoang dã, nguyên sơ không có tên trên bản đồ thế giới. Điều bất ngờ ở chỗ đạo diễn của phim là một chàng trai chưa đầy 25 tuổi: Trần Hoài Nam.
Đầu năm 2009, Hoài Nam cùng nhà báo Binh Nguyên tham dự một festival du lịch tại Indonesia. Nỗi ám ảnh về vùng đất bí ẩn Irian Jaya đã hình thành trong họ ý tưởng về một bộ phim truyền hình được làm theo dạng phim Discovery. Với vốn tiếng Anh và tiếng Hàn lưu loát, sau gần một năm liên lạc, kết nối với bạn bè nhiều nước qua hàng trăm thư điện tử, cuối cùng, đoàn làm phim 3 người đeo ba lô lên đường…
Suốt một tháng đi bộ gần 300km đường rừng, vượt những ngọn núi cao khoảng 2.500m, đoàn làm phim chỉ dựa vào một tấm bản đồ vẽ bằng tay và kinh nghiệm vượt rừng của nhóm thổ dân dẫn đường. Không phân biệt đạo diễn, biên tập hay quay phim, 3 người đều phải mang máy quay và sẵn sàng tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh. “Tiêu chí của đoàn là thực hiện một bộ phim mang tính chất như dòng phim Discovery của thế giới nhưng với góc nhìn, cảm nhận của người Việt Nam”- Nam cho biết.
Đang học năm thứ 3 khoa Báo chí Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, Nam lẳng lặng ôn thi và đậu vào Trường Cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TPHCM rồi tìm được học bổng sang Hàn Quốc học chuyên ngành về phim. Về nước, Nam đầu quân cho Phòng Truyền hình Báo Sài Gòn Tiếp Thị, theo đuổi dòng phim ký sự đường xa.
Nam chia sẻ: “Học nước ngoài về, em chưa bao giờ vẽ cho mình một ảo vọng là sẽ làm được cái này, cái khác cho nền điện ảnh nước nhà. Em thích cố gắng làm tốt nhất trong điều kiện có thể. Em tin là một ngày không xa, Việt Nam sẽ làm được phim cho kênh Discovery và bán cho họ với tư cách một nhà sản xuất độc lập”.
Và phong cách nhà Việt thời hiện đại
Những ngày cuối năm này, khi bạn bè cùng lớp đang tập trung làm luận án thạc sĩ ở Tokyo thì anh chàng kiến trúc sư 28 tuổi Trần Đại Nghĩa lại lang thang tận làng cổ Phước Tích, Thừa Thiên-Huế.
Anh đang thực hiện đề tài nghiên cứu: “Cấu trúc không gian của làng cổ Phước Tích trong điều kiện lũ lụt”. Điều gì đã khiến chàng trai đã du học gần 10 năm ở Nhật, đang chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ và có nhiều cơ hội việc làm đang chờ đón ở nước ngoài lại trở về nước nhiều lần, ăn nhờ ở đậu nhiều ngày tại một làng quê hẻo lánh? Tất cả chỉ vì tấm lòng với quê hương…
Đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Nghĩa được Chính phủ Nhật cấp học bổng du học. Sau khi lấy bằng đại học, anh được giữ lại làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Tokyo. Mùa hè năm ngoái, trong lần về nước, Nghĩa đã “phải lòng” làng cổ Phước Tích ngay từ lần gặp đầu tiên. Điều khiến anh hứng thú là mặc dù Phước Tích nằm trong khu vực rốn lũ miền Trung nhưng 500 năm qua, ngôi làng cổ này vẫn bình tĩnh đón lũ về. Làng Phước Tích có gì lạ?
Để giải đáp thắc mắc, Nghĩa khăn gói về Huế, sáng bắt xe từ Huế đi Phước Tích, tối lại bắt xe về. Đến ngày thứ 3, mấy cụ già trong làng thấy thương nên cho Nghĩa ở lại, còn nấu cơm cho ăn để “có sức mà nghiên cứu”.
Sau thời gian tìm tòi, anh phát hiện ra một số đặc điểm giúp Phước Tích thích nghi với thiên nhiên như: Trước mỗi nhà đều có trồng một hàng chè tàu cao trên 1,2m để giảm tốc độ dòng chảy. Mỗi khi có lũ to, người làng đi luồn trong lối đi bí mật dưới những hàng chè tàu. Cấu trúc từng căn nhà cũng đặc biệt: Nền nhà cao, trong nhà có sàn gỗ cao hơn mặt sàn bình thường 30cm.
Nghĩa tâm sự: “Tôi không nghĩ mình nghiên cứu Phước Tích chỉ để tìm một công thức chống lũ vì thực tế, người làng đã là những bậc thầy trong lĩnh vực này rồi. Chính Phước Tích đã giúp tôi hiểu được cách ứng xử của người Việt với thiên nhiên. Đây sẽ là những hành trang quý, là tấm “hộ chiếu” vào nghề, giúp tôi đưa ra những giải pháp xây dựng phù hợp với hoàn cảnh sống và đặc tính của người Việt”.
Trở lại Nhật, Nghĩa tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về phong cách nhà phố thời hiện đại. Anh băn khoăn: “Cách chia phòng trong nhà ở Việt Nam đang “tiếp tay” cho sự chia rẽ các mối quan hệ gia đình. Đi vào nhiều ngôi nhà phố, tôi có cảm giác như vào khách sạn mini. Cần tạo ra những không gian đủ lớn mà các thành viên trong gia đình dễ dàng gặp nhau, cần bố trí các phòng sao cho khi mở cửa phòng mình ra, người ta có thể cảm thấy không khí gia đình đang bao trùm phía ngoài”.
Nghĩa cho biết, sau khi lấy bằng thạc sĩ anh sẽ bắt tay thực hiện những dự định của mình, đem những kiến thức đã học về phục vụ quê hương
MAI HƯƠNG