Nhạc sĩ Đỗ Nhuận kể lại, vì ông sinh vào năm “nhuận”, nhuận hai tháng 5, nên bố mẹ mới đặt tên ông như thế. Đỗ Nhuận sinh ngày 10-12-1922 ở thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Bình Giang (nay là Cẩm Bình) tỉnh Hải Dương, từ năm lên 3 ra Hải Phòng với bố mẹ.
Là một nhạc sĩ lỗi lạc, ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. Ông mất ngày 18-5-1991.
Đỗ Nhuận tiếp xúc với âm nhạc rất sớm. Lúc còn là thiếu niên ông đã tự học âm nhạc, biết nhiều các loại đàn dân tộc, sau đó biết thêm một số đàn Tây phương. Năm 1939, lúc 17 tuổi, ở Hải Phòng, ông có sáng tác đầu tay, bài Trưng Vương: Ngày xưa bên ta Hán xưng hùng/ Cướp đất nước lòng dân oán thán khôn cùng… Bài hát nhanh chóng phổ biến rộng rãi trong thanh thiếu niên hồi đó, nhưng mọi người không biết tác giả là ai.
Sau đó, trong một dịp đi bãi biển Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh, Đỗ Nhuận sáng tác hai bài Chim than, Lời cha già, sau đó về Hải Phòng, viết thêm bài Đường lên Ải Bắc, làm cơ sở để soạn nên ca kịch Nguyễn Trãi - Phi Khanh cổ vũ lòng yêu nước, được thanh thiếu niên và hướng đạo sinh hồi đó biểu diễn rộng rãi.
Tiếp đến, Đỗ Nhuận bắt đầu hoạt động cách mạng, năm 1943 bị thực dân Pháp bắt, giam ở nhà tù Hải Dương, Hà Nội, rồi đày đi Sơn La. Chính trong thời gian đó, ông đã sáng tác một loạt bài như Chiều tù, Côn Đảo, Hận Sơn La, Du kích ca...
Sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận như diều gặp gió, nhiều ca khúc nổi tiếng ra đời: Nhớ chiến khu, Đoàn lữ nhạc, Tiếng súng Nam bộ, Áo mùa đông, Du kích sông Thao, Ca ngợi Hồ Chủ tịch… và nhất là chùm 3 bài sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên.
Kháng chiến chống Mỹ là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Đỗ Nhuận. Về ca khúc có các bài Việt Nam quê hương tôi, Thắm hoa núi rừng, Trai anh hùng, gái đảm đang, Vui mở đường, Trống hội tòng quân, Hát mừng các cụ dân quân, Trông cây lại nhớ đến người, Em là thợ quét vôi… Chúng ta được biết Đỗ Nhuận còn sáng tác nhiều thể nhạc lớn. Đỗ Nhuận là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết opera, đó là vở Cô Sao, tiếp đến là opera Người tạc tượng. Đỗ Nhuận còn là tác giả của một số bản khí nhạc. Thời gian nhạc sĩ tu nghiệp ở Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ) từ 1959 đến 1963, đã giúp nhạc sĩ có được các tác phẩm lớn này.
Trong bài viết này tôi muốn nói thêm về một ca khúc của Đỗ Nhuận hiện nay rất phổ biến trong cả nước, bài Việt Nam quê hương tôi. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (con của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, hiện là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam) kể lại: Giữa thời gian tu nghiệp ở Nhạc viện Tchaikovsky, Đỗ Nhuận có dịp về nước nghỉ hè năm 1960.
Trên tàu liên vận trở lại nước bạn, khi qua sông Hồng, ông chợt nảy ý định viết một ca khúc giới thiệu Việt Nam với nước bạn. Nét nhạc đầu tiên xuất hiện và ca khúc được hoàn thành sau đó khi ông đến nước bạn. Lời ca tiếng Việt của bài hát được dịch sang tiếng Nga và Đoàn văn công Cờ Đỏ của Quân đội Liên Xô đã biểu diễn bài này cùng với bài Hành quân xa cũng của Đỗ Nhuận. Việt Nam quê hương tôi là một bài hát với nhịp điệu 3/4, tiết tấu khoan thai, tha thiết, với giai điệu mượt mà, du dương.
Từ khi đất nước ta đổi mới, mở cửa, chủ trương Việt Nam là bạn của mọi người trên thế giới, chào mời nhân dân các nước đến du lịch và đầu tư tại Việt Nam thì bài hát Việt Nam quê hương tôi trở nên rất hợp thời.
NS Trương Quang Lục