Hãng AP ngày 29-1 đưa tin, trong lúc tình hình bạo động trong nước leo thang, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã đưa ra một quyết định bất ngờ là sa thải toàn bộ nội các đương nhiệm.
Sức ép trong nước và quốc tế
Trong bài phát biểu trên truyền hình đầu tiên kể từ khi nổ ra bạo loạn, Tổng thống Mubarak khẳng định ông sẽ không từ chức trước sức ép của phe đối lập, tiếp tục thúc đẩy các cải cách xã hội, kinh tế và chính trị. Ông tố cáo các cuộc biểu tình chống chính phủ là một phần của âm mưu gây bất ổn Ai Cập và hủy hoại sự hợp pháp của chế độ do ông cầm quyền. Ông Mubarak cũng lên tiếng bảo vệ các vụ trấn áp của lực lượng an ninh nhằm vào người biểu tình.
Trong khi đó, bất chấp lệnh giới nghiêm ban hành tối ngày 28-1, người biểu tình Ai Cập tiếp tục đốt phá các tòa nhà tại Cairo.
Sáng 29-1, hàng ngàn người vẫn tụ tập trên các đường phố ở thủ đô Cairo, thành phố Alexandria và Suez. Tổng thống Mubarak đã đưa ra quyết định cứng rắn hơn là điều động xe tăng bọc thép đến trấn áp đám đông biểu tình. Đường truyền Internet, viễn thông cũng bị cắt tại các khu vực là căn cứ của người biểu tình. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại Ai Cập đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.
Theo hãng tin Reuters, đến nay, biểu tình đã nổ ra tại 11 tỉnh, thành tại Ai Cập. Trong khi đó, ông Mohamed ElBaradei, Thủ lĩnh phe đối lập, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, đã bị quản thúc tại nhà sau khi tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ vào tối 28-1.
Căng thẳng tại Ai Cập khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các nhà lãnh đạo và dân chúng Ai Cập không để bạo động leo thang. Ông Ban Ki-moon nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới nên xem những cuộc biểu tình này là cơ hội để lắng nghe những mối quan tâm chính đáng của người dân.
Trong cuộc điện đàm với ông Mubarak vào tối 28-1, Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi chính quyền Cairo không nên dùng vũ lực để đáp trả những người biểu tình. Ông Obama tuyên bố sẽ cắt giảm 1,5 tỷ USD tiền viện trợ cho nước này nếu Cairo không có những biện pháp làm giảm ngòi nổ căng thẳng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu như Anh, Thụy Điển, Pháp kêu gọi ông Mubarak hãy mở các cuộc đối thoại với phe đối lập, tránh tình trạng đối đầu căng thẳng dẫn đến thêm nhiều vụ bạo loạn trong nước.
Mỹ và Australia khuyến cáo công dân nước mình không đến du lịch tại Ai Cập, trong khi Nhật Bản kêu gọi công dân đang sinh sống tại Ai Cập nên sơ tán về nước.
Có bàn tay của Washington?
Tổng thống Hosni Mubarak đã là một điểm tựa trong chiến lược khu vực của Mỹ nhiều thập kỷ qua, một người bảo đảm cho tình hình hòa bình trong thời gian qua giữa quốc gia Arab này với Israel, đồng minh của Mỹ trong vùng Trung-Cận Đông.
Ông Mubarak đồng thời là một tác nhân quan trọng từng liên tiếp đưa ra nhiều sáng kiến hòa bình. Giới phân tích cho rằng Tổng thống Mubarak đang chuẩn bị cho người con trai là Gamal lên thay nhưng Gamal đã bác bỏ tin này.
Tuy nhiên, mặc dù là một đồng minh thân cận của chính quyền Mỹ nhưng theo các văn kiện ngoại giao mà trang mạng WikiLeaks có và được công bố trên một tờ báo Na Uy Aftenposten, Mỹ đã bơm hàng chục triệu USD cho các tổ chức đối lập tự xưng dân chủ ở Ai Cập nhằm làm suy sụp tinh thần của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.
Theo một văn kiện đề ngày 6-12-2007, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) lên kế hoạch chi 66,5 triệu USD trong năm 2008 và 75 triệu USD trong năm 2009 cho các chương trình “thúc đẩy dân chủ và quản lý” ở Ai Cập.
Theo báo này, Mỹ đã đóng góp trực tiếp nhằm xây dựng các lực lượng để đối chọi với Tổng thống Mubarak. Cũng theo bài báo, số tiền mà Washington chi để “thúc đẩy dân chủ” nhằm cả vào các chương trình do người Ai Cập, Chính phủ Ai Cập quản lý cũng như các tổ chức phi Chính phủ Mỹ làm việc trong lĩnh vực này.
Vào năm 2008, Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Ai Cập Fayza Aboulnaga đã gửi một bức thư lên Đại sứ quán Mỹ yêu cầu USAID ngừng rót tiền cho 10 tổ chức do các tổ chức này không đăng ký hoạt động theo đúng quy định mà các tổ chức phi chính phủ phải tuân theo.
THANH HẰNG
- Thông tin liên quan:
>> Ai Cập: Tổng thống Mubarak sa thải nội các
>> “Thứ sáu phẫn nộ” tại Ai Cập