Ai mang nụ cười ra khỏi đất nước Chùa Vàng? - Bài 3: “Một ngày của chiến tranh”

Sau một ngày tổng tấn công của quân đội – Phe áo đỏ đầu hàng
Ai mang nụ cười ra khỏi đất nước Chùa Vàng? - Bài 3: “Một ngày của chiến tranh”

Sáng 19-5, chúng tôi đã gặp “bão” thật sự bởi quân đội chính phủ Thái Lan đã thực hiện các cuộc tấn công lớn vào phe áo đỏ. Khu vực gay cấn, nóng bỏng nhất là công viên Lumphini, cách Ratchaprasong, tổng hành dinh của phe áo đỏ không xa (khoảng 1km). Những cột khói đen mịt mù, tiếng nổ ì ầm vang dội khắp khu vực.

Căn cứ địa của phe áo đỏ tan hoang sau khi họ đầu hàng quân đội Thái Lan.
Căn cứ địa của phe áo đỏ tan hoang sau khi họ đầu hàng quân đội Thái Lan.

Vùng chiến sự

Bằng nhiều cách chúng tôi lọt vào tổng hành dinh của phe áo đỏ ở khu thương mại Ratchaprasong và chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một cuộc chiến thực sự chứ không còn là qua các hình ảnh ở các trang tin thời sự trên Internet. Máy bay trực thăng của chính phủ Thái Lan quần đảo liên tục trên bầu trời. Bầu không khí ở Lumphini trở nên hỗn loạn bởi những tiếng nổ xen lẫn tiếng hò hét rút lui hay tấn công của những người biểu tình vang lên tứ phía.

Từ tổng hành dinh của phe áo đỏ, chúng tôi thuê được 2 chiếc xe ôm chạy ra vùng chiến sự (đây thực chất là đội ngũ xe phục vụ cho phe áo đỏ). Đoạn đường khoảng hơn 1km, nhưng 3 lần xe chúng tôi phải dạt vào sát lề nhường đường cho xe cứu thương chở người bị thương từ vùng giao chiến về đại bản doanh. Do bị cấm nên chúng tôi chỉ đến cách khu vực xảy ra các vụ xung đột giữa người biểu tình và lực lượng quân đội khoảng 300 - 500m.

Ngày hôm nay, những phóng viên là những người lính thật sự! Tất cả mọi người đều nép sát vào tường cố núp và chạy để sao cho có thể tiếp cận vào khu vực tốt nhất. Khu vực mà chúng tôi đứng tác nghiệp có thể nói là khá “đắc địa” khi chỉ cách khu vực giao tranh khốc liệt khoảng hơn 20m. Vẻ căng thẳng là điều chúng tôi gặp trên gương mặt của mọi người ở đây.

Trong lúc chờ để xem có được thông tin, hình ảnh nào quý giá hay không, chúng tôi tranh thủ trò chuyện với một đồng nghiệp đến từ đài truyền hình BBC. Vừa nói chuyện chúng tôi vừa phải cảnh giác động thái xung quanh bởi đồng nghiệp của BBC cho chúng tôi biết tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông tên là John, khoảng 50 tuổi. Trong cuộc nói chuyện gấp gáp, John dặn chúng tôi rất kỹ: “Các bạn cẩn thận nhé. Không có giáp bảo vệ nên đứng xa hơn một chút. Ghê lắm đấy. Bắn tỉa ở khắp mọi nơi”. Quả thật như lời John nói, nỗi lo bắn tỉa luôn xuất hiện ở khắp nơi.

Một đồng nghiệp của AP cho biết, có nhiều tay bắn tỉa nấp tại các tòa nhà cao tầng, tuy nhiên đến bây giờ cả hai bên phe áo đỏ và phía chính phủ đều đang đổ thừa cho nhau vì những tay bắn tỉa. Khi đứng trước John, chúng tôi thấy mình rất “mong manh”. John trang bị đồ bảo hộ đến tận răng từ nón bảo hiểm cho đến áo giáp chống đạn, thậm chí còn cả mặt nạ chống đạn hơi cay. Câu chuyện bị cắt đứt giữa chừng khi một loạt tiếng nổ lại bùng lên. Những người áo đỏ và 2 anh xe ôm người Thái “lùa” chúng tôi về khu vực sâu hơn cho an toàn.

Cùng với một nhà báo phương Tây, chúng tôi mon men tiến sát vào vùng xảy ra giao tranh, bất ngờ, một loạt súng vang lên, hầu hết mọi người quay đầu chạy ngược về phía sau. 3 phút sau xe cứu thương chạy ra chở những người bị thương về tuyến sau. Cùng lúc này, hai đồng nghiệp phương Tây bị thương (một bị thương ở chân, một bị thương ở sườn) được những người thuộc phe áo đỏ hộ tống lên xe gắn máy chở về tuyến sau.

12 giờ trưa, không khí dần tĩnh lặng trở lại. Đôi bên có thể cũng mệt mỏi và cần nghỉ ngơi. Trở về Ratchaprasong, mọi người đều mệt mỏi, căng thẳng. Những quầy ăn dọc tổng hành dinh đã sẵn sàng chào đón những người của UDD. Họ xếp thành hàng dài để chờ các “anh nuôi” phân phát những khẩu phần ăn cho bữa trưa. Khẩu phần của mỗi người chỉ là một chén cơm nhỏ trộn lẫn với một chút thức ăn và rau. Nhưng ở sân khấu trung tâm, bầu không khí đã sôi động hơn rất nhiều. Một trong những thủ lĩnh của phe áo đỏ, Nattawut Saikua, đã đăng đàn trên sân khấu với bài phát biểu khích lệ tinh thần của những chiến binh áo đỏ và một bài hát bằng tiếng Thái khá sôi nổi sau đó.

Hỗn loạn

Đầu giờ chiều, tất cả các phương tiện đều bị cấm ra khỏi khu trung tâm. Hàng đoàn xe tải nhỏ của những gia đình ở khu trung tâm chở đồ di tản khi có tin chính phủ mở đợt tổng tấn công. Khoảng 13 giờ, hàng loạt tiếng nổ lớn xuất hiện tại Ratchaprasong. Đó chính là dấu hiệu khai màn cho cuộc đụng độ giữa binh lính chính phủ và người biểu tình tại chính khu vực tổng hành dinh của áo đỏ.

Người dân mạnh ai nấy chạy, nhanh chóng sơ tán lập tức ra khỏi Ratchaprasong. Súng bắn, bom nổ, tiếng gậy gộc, tiếng chai lọ bị ném vỡ vang dội Ratchaprasong. Những người biểu tình áo đỏ bắt đầu đốt hàng rào vỏ xe nhằm uy hiếp và cản đường quân đội. Khói lửa ngút trời trong khi những tiếng nổ vẫn rền vang đều đặn.

Một đồng nghiệp người Tây Ban Nha thoát khỏi Ratchaprasong hoảng hốt cho biết: “Tổng hành dinh áo đỏ hỗn loạn vô cùng. Súng nổ liên hồi. May mắn quá, tôi thoát được ra đây.” Nhìn bộ dạng của anh bạn đồng nghiệp Tây Ban Nha, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được sự hoảng loạn lúc đó thế nào. Anh cho biết “giờ tôi chỉ muốn trở về nhà”. Trước cuộc tấn công khoảng 30 phút, một bà chủ hàng ăn ở đường Petchaburi còn chỉ vào màn hình ti vi nói với chúng tôi bằng tiếng Anh rằng “The game is over” (Xung đột kết thúc rồi!). Vậy mà súng vẫn tiếp tục nổ. Chiến tranh. Chúng ta chẳng biết trước được điều gì.

Chúng tôi quyết định trở lại “căn cứ địa” của áo đỏ. Giờ phút này, băng qua bất kỳ con hẻm và ngã tư nào đều vô cùng nguy hiểm. Nếu tai họa không đến từ những tay súng bắn tỉa thì cũng từ những chai lọ, gậy gộc của những người biểu tình đang “sôi máu”. 2 bác tài của chúng tôi ra hiệu “không được chụp hình vào thời điểm này”. Chúng tôi lượn lách qua các con hẻm nhỏ với đông nghẹt người chạy nạn. Đến gần khu vực Tổng hành dinh của áo đỏ, do ngại nguy hiểm, những bác tài ra dấu cho chúng tôi tự đi bộ vào trong.

Tan hoang là những gì chúng tôi ghi nhận được ở đây. Con đường mà trước đây phe áo đỏ lấy làm sân khấu không còn một bóng người, chỉ còn những khu lều rách nát sau vụ xung đột. Trong khi đó, nạn hôi của đã xuất hiện. Các cửa kính của siêu thị, nhà hàng bị đập nát bể. Từng tốp người lao vào xâu xé những món hàng trong siêu thị từ hàng điện tử cho đến quần áo. Bất cứ thứ gì họ có thể lấy sao cho gọn nhẹ, không để bị phát hiện. Những hệ thống nước bị phá hỏng phun lênh láng khắp nơi. Một cảnh tượng hoang tàn, đổ vỡ khiến người ta không khỏi xót xa cho “đất nước của những nụ cười”.

Người biểu tình áo đỏ bị bắt bên trong căn cứ địa của họ ở khu Ratchaprasong.
Người biểu tình áo đỏ bị bắt bên trong căn cứ địa của họ ở khu Ratchaprasong.

CHIẾN DŨNG - ĐỖ VĂN
(Tường thuật từ Bangkok)

Sau một ngày tổng tấn công của quân đội – Phe áo đỏ đầu hàng

° Giới nghiêm toàn bộ Bangkok

Chiều 19-5, sau một ngày các lực lượng vũ trang Thái Lan mở đợt tổng tấn công vào các cứ điểm trung tâm của những người biểu tình ở Bangkok, những người biểu tình áo đỏ đã tuyên bố đầu hàng và các lãnh đạo của họ kéo tới trụ sở cảnh sát nộp mình. Trước đó, sáng sớm ngày 19-5, các lực lượng vũ trang Thái Lan bất ngờ tấn công phe áo đỏ tại công viên Lumphini, cách tổng hành dinh của phe áo đỏ ở khu trung tâm thương mại Ratchaprasong khoảng 1km.

Vào buổi trưa, quân đội Thái Lan bắt đầu tấn công Ratchaprasong. Xe vòi rồng của lực lượng cứu hỏa phun vòi rồng giải tán đám đông tụ tập ở các phòng tuyến, sau đó xe bọc thép của quân đội đã phá hủy tuyến phòng thủ bằng vỏ xe và tre của phe áo đỏ. Nhiều hàng dài binh sĩ và cảnh sát trang bị súng ống, mặt nạ chống hơi cay và khiên tiến về khu vực người biểu tình. Quân đội phát loa phóng thanh kêu gọi người biểu tình lập tức rời khỏi vị trí trước khi có cuộc tấn công bắt đầu.

Ít nhất 4 người, trong đó có một phóng viên người Italia thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong chiến dịch tấn công mang tính quyết định vào thành lũy của phe áo đỏ tại công viên Lumphini, nâng tổng số người chết trong vòng 6 ngày qua lên hơn 40 người. 1.000 cảnh sát đặc nhiệm được lệnh bắn hạ bất cứ ai có hành động phá hoại hay chống đối người thi hành công vụ.

Theo AFP, khoảng 6 lãnh đạo áo đỏ đã đầu hàng, còn lại ít nhất 3 lãnh đạo vẫn tiếp tục chủ trương gây bạo động. Nhiều vụ đốt phá và hôi của vẫn tiếp diễn tại các siêu thị, ngân hàng, khách sạn… Cảnh sát phải dùng trực thăng giải cứu 100 nhân viên của kênh truyền hình Channel 3 sau khi bị áo đỏ phóng hỏa. Trụ sở của Báo Bangkok Post và The Nation cũng phải sơ tán vì bị áo đỏ cho là đưa tin thiên vị chính phủ.

Lệnh giới nghiêm ban hành từ 8 giờ ngày 19-5 đến 6 giờ sáng hôm sau. Lúc đầu lệnh giới nghiêm chỉ áp dụng tại Bangkok nhưng sau đó áp dụng thêm tại 26 tỉnh của Thái Lan trong tổng số 76 tỉnh. Bất cứ ai ra đường trong khoảng thời gian này sẽ bị phạt tù tối đa 2 năm và 40.000 baht (1.200 USD). Công dân nước ngoài cũng được yêu cầu không được ra đường trừ những ai có nhu cầu ra nước ngoài phải trình hộ chiếu và giấy tờ có liên quan.

Trong khi đó, tại vùng Đông Bắc Thái Lan, căn cứ địa của lực lượng áo đỏ, nhiều người đã tràn vào tòa thị sảnh ở thành phố Udon Thani, đốt cháy tòa nhà này và một tòa nhà ở thị trấn KhonKaen.

H.QUỐC 

>> Bài 1: Vai trò của nhà vua và quân đội
>> Bài 2: Bangkok vắng vẻ nhưng không bình yên

Tin cùng chuyên mục