Ám ảnh khô hạn

Ruộng khô, hồ cạn
Ám ảnh khô hạn

Bài 1: Ruộng khô, hồ cạn

Năm nay, theo số liệu quan trắc thủy văn, các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ đón nhận trận khô hạn khủng khiếp nhất trong 10 năm qua. Khô hạn càng trầm trọng khi các nhà máy thủy điện đang tranh thủ tích nước. Mâu thuẫn tồn tại giữa sản xuất điện và lúa đã đặt ra cho nhiều địa phương bài toán khó...

*****

Mặc dù vừa qua mùa mưa chưa đầy 3 tháng nhưng hầu hết hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tại các tỉnh miền Trung đã sắp tiệm cận mực nước chết.

  • Khô hạn sớm

Từ giữa tháng 2-2011, khi vụ đông xuân qua một nửa thời gian, khô hạn bắt đầu xuất hiện tại các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên. Khác với các năm trước, hầu hết hồ thủy lợi, thủy điện tại miền Trung đều không có nước để tích đầy, kể cả trong mùa lũ.

Chính vì vậy, khi mùa khô chưa bắt đầu, mực nước tại các hồ chứa này đã xuống thấp và đối mặt trước nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng nhất kể từ hơn 10 năm qua, trong khi đó người nông dân miền Trung đang canh cánh nỗi lo khi hơn 70.000ha lúa vụ đông xuân chỉ mới đi được nửa chẳng đường.

Tại Đà Nẵng, mùa lũ mới qua gần 3 tháng nhưng mực nước hai hồ thủy lợi lớn là Đồng Nghệ và Hòa Trung đã xuống thấp nhất trong mấy năm trở lại đây, khiến hơn 4.000ha lúa vụ đông xuân sẽ thiếu nước trong thời gian cuối vụ.

Cùng cảnh ngộ, nông dân Quảng Nam đang thực sự lo lắng cho hơn 36.000ha lúa đông xuân đang vào giai đoạn thu hoạch. Nếu “may mắn”, vụ này “vượt vũ môn” thì tới vụ hè thu chắc chắn sẽ ảm đạm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho biết: Từ sau tết cổ truyền đến nay, trên địa bàn tỉnh hầu như không có mưa, mực nước trên sông suối xuống thấp hơn cùng kỳ năm 2010, mặn bắt đầu xâm nhập mạnh vào các cửa sông, trong đó nặng nhất ở trạm bơm Tứ Câu (Điện Bàn) bị nhiễm mặn ở mức 1,2‰, trong khi độ mặn chỉ cho phép dưới 0,8‰. Không những thế, các hồ thủy điện, đặc biệt hồ thủy điện A Vương, nhà máy thủy điện lớn nhất miền Trung hiện nay, thiếu 17m nước so với mực nước dâng bình thường.

Hồ thủy điện Sông Tranh 2 cũng mới tích nước đến cao trình 160m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 15m, dẫn đến mực nước trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn xuống thấp và dao động không ổn định, gây khó khăn cho các trạm bơm điện vùng hạ du sông Vu Gia, Thu Bồn hoạt động.

Mặc dù mới đầu tháng 3 nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã phải lập trạm bơm điện dã chiến để tưới lúa. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Mặc dù mới đầu tháng 3 nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã phải lập trạm bơm điện dã chiến để tưới lúa. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Ông Nguyễn Văn Tri, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) cho biết, cuối tháng 2-2011, mực nước trên hồ thủy điện này chỉ còn cao hơn mực nước chết 1,5m, thấp nhất vào đầu mùa khô so với các năm trước. Ngay từ giữa tháng 2-2011, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ chỉ còn một tổ máy hoạt động với 50% công suất, một tổ máy khác đã ngừng hoạt động do thiếu nước.

Từ đầu năm đến nay, khu vực thượng nguồn thủy điện Sông Ba Hạ hầu như không có mưa, lưu lượng nước về hồ chỉ 50m³/giây, thấp nhất trong nhiều năm gần đây nên cả hai tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ (công suất thiết kế 220MWh) có nguy cơ ngừng hoạt động. Vì vậy, việc thiếu nước tưới cho vùng hạ lưu sông Ba năm nay là điều khó tránh khỏi. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cũng cho biết đến thời điểm hiện tại, mức nước trên các sông Kôn, sông Lại Giang… đã bắt đầu xuống thấp và nhiều ao hồ đang dần trơ đáy.

  • Cuồng quay chống hạn

Trước diễn biến bất thường của thời tiết cũng như dự báo khô hạn khốc liệt, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành miền Trung đang khẩn trương triển khai các biện pháp chống hạn ngay sau tết cổ truyền.

Tại Quảng Nam, trước tình hình nước mặn xâm nhập sớm, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã triển khai đắp đập ngăn mặn tại thượng lưu cầu Đen (huyện Duy Xuyên) để đảm bảo nguồn nước cho trạm bơm Xuyên Đông hoạt động phục vụ cho việc tưới tiêu 600ha lúa và phụ trợ chống hạn cho 400ha lúa thuộc khu tưới của trạm bơm 19-5 và 2-9.

Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành nạo vét 5.000m³ cát bồi lấp tại Trạm bơm Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) để cứu 400ha lúa tại khu vực này. Tại Trạm bơm Tứ Câu (huyện Điện Bàn), Sở NN-PTNT đã cho bơm lách triều tránh mặn để phục vụ hàng trăm hécta lúa và cây trồng tại đây.

Trước đó, để “cứu lúa”, tháng 1-2011, Sở NN-PTNN tỉnh Phú Yên đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hồ thủy điện quốc gia kế hoạch sử dụng nước và phối hợp vận hành, điều tiết nước của thủy điện Sông Ba Hạ và thủy điện Sông Hinh trong năm 2011.

Theo đó, kế hoạch của các đơn vị, địa phương sử dụng nước cho sản xuất ở hạ lưu của hai thủy điện này gồm hệ thống thủy nông Đồng Cam cần 28,5m³/s, huyện Sơn Hòa có diện tích cần nước tưới dọc sông Ba là 350ha với lưu lượng 0,7m³/s...

Trong khi các tỉnh khác đang nỗ lực điều tiết nước trên sông, hồ chứa thì nông dân Bình Định chọn giải pháp khoan giếng tại chỗ để cứu lúa. Một cán bộ của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định cho biết, tình huống xấu nhất nếu hạn hán xảy ra nghiêm trọng thì biện pháp khoan giếng ngay tại đồng ruộng được xem giải pháp tối ưu nhất.

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết: “Hiện 12 hồ chứa nước do công ty quản lý có dung tích thiết kế 450 triệu khối đã tích được 412 triệu khối nước, cao hơn 10% so với các năm trước. Theo kế hoạch, lượng nước tích được sẽ đủ để tưới 53.650ha ruộng (24.000ha sản xuất vụ đông xuân, 29.000ha vụ hè thu và vụ mùa), chiếm hơn 50% diện tích đất trồng lúa của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, nếu lượng mưa ít thì lượng nước trên các hồ chỉ còn khoảng 350 triệu khối nên khó đảm bảo đủ nước để tưới cho vụ hè thu”.

NGUYÊN KHÔI – HOÀNG TRỌNG


Bài 2: Giữa hai làn nước

Tình trạng thiếu nước trầm trọng diễn ra trên diện rộng không những khiến nông dân khốn đốn vì không có nguồn tưới cho lúa, hoa màu và sinh hoạt mà còn làm ngành điện lao đao đứng trước bài toán khó: điều tiết nước phục vụ nông nghiệp hay tích nước phát điện?

Hệ thống thủy điện bậc thang ở Quảng Nam đứng trước bài toán khó: xả nước cứu lúa hay tích nước phát điện?

Hệ thống thủy điện bậc thang ở Quảng Nam đứng trước bài toán khó: xả nước cứu lúa hay tích nước phát điện?

Thủy điện tích nước, hạ du khô cạn

Đã nhiều năm qua, kể từ khi hệ thống thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam), sông Kôn (Bình Định) và sông Ba (Phú Yên),… phát triển rầm rộ thì tình hình thủy văn trên các hệ thống sông này diễn biến ngày một phức tạp và nằm ngoài khả năng dự báo của các ngành chuyên môn. Năm nay, chính quyền và nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng ở hạ lưu sông Vu Gia và Thu Bồn nơm nớp lo khô hạn hơn bao giờ hết khi các hồ thủy điện bậc thang phía thượng nguồn trong giai đoạn tích nước.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Nam, hiện nay toàn tỉnh có 36.000ha sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích được tưới bởi hệ thống đập dâng là 25.000ha, tưới bằng bơm điện 11.000ha. Hiện nay, vụ đông - xuân đang vào giữa vụ, với lượng nước chứa tại các hồ đập (cả hồ chứa thủy điện - PV) chỉ đủ để tưới cho vụ đông - xuân, còn vụ hè - thu sắp đến chuyện thiếu nước chắc chắn sẽ xảy ra.

Trong khi hạ lưu đứng trước nguy cơ thiếu nước trong khoảng 2 tháng tới thì hiện nay các hồ thủy điện trên hệ thống sông Thu Bồn và Vu Gia đang trong giai đoạn chặn dòng tích nước. Trên hệ thống sông Thu Bồn, Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 có công suất 190MW - thủy điện lớn nhất trên hệ thống sông Thu Bồn - mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng lượng nước trong hồ chứa hiện nay chỉ mới tích đến cao trình 160m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 15m. Trong khi đó, Nhà máy thủy điện A Vương có công suất 210MW - thủy điện lớn nhất miền Trung - hiện mực nước trong hồ chỉ dao động ở mức 163m, thấp hơn 17m so với mực nước dâng bình thường.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, lo lắng nhất là hiện nay mực nước sông Vu Gia giảm mạnh, trong khi đến giữa tháng 4-2011 - mùa khô vào đỉnh điểm - thì hồ chứa thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng tích nước. Thủy điện Đắc Mi 4 chặn dòng đồng nghĩa với 1.200km2 dòng Đắk Mi - nhánh sông chiếm lưu lượng rất lớn của dòng Vu Gia - bị kiệt nước. Điều này sẽ gây thiếu nước trầm trọng cho 36.000ha đất nông nghiệp ở Quảng Nam, riêng với địa bàn TP Đà Nẵng, tình trạng thiếu nước sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và sản xuất.

Điện và lúa, chọn gì?

Tình trạng khô hạn diễn ra trên diện rộng không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nặng đến ngành công nghiệp và sinh hoạt do thiếu điện. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm này đã hết mùa tích nước nhưng 36 hồ thủy điện lớn trên cả nước không tích đủ nước, thiếu hụt 39 tỷ m3 nước, tương đương thiếu gần 7 tỷ kWh điện. Trong khi đó tại miền Trung, hầu hết các nhà máy thủy điện đều trong tình trạng thiếu nước khiến nhà máy chạy cầm cự ngay cả khi mùa mưa vừa dứt - điều chưa từng xảy ra.

Từ đây đặt ra “bài toán” khó cho cả ngành điện lẫn ngành nông nghiệp: khô hạn xảy ra, điện và lúa, chọn gì?

Từ đầu năm 2011, Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương phối hợp xả nước các hồ thủy điện ở miền Bắc để “cứu lúa”. Tại miền Trung, hiện nay chỉ có Nhà máy thủy điện A Vương ký biên bản với Chi cục Thủy lợi Quảng Nam phối hợp sử dụng nước phát điện phục vụ các nhu cầu vùng hạ du sông Vu Gia.

Điều đáng nói, hiện nay chỉ vừa dứt mùa mưa, hồ thủy điện A Vương vẫn còn tích chưa đầy nước, đến đỉnh điểm của mùa khô (vào giữa tháng 5-2011) muốn “xả nước giải hạn” cho vùng hạ du thì Thủy điện A Vương liệu có còn nước để xả? Hiện nay, lưu lượng nước về hồ Thủy điện A Vương chỉ 20m3/giây. Với lưu lượng này, nếu Nhà máy A Vương phát 2 tổ máy thì chỉ 19 ngày sẽ không còn nước để phát điện.

Một điều lo lắng khác, khi các hồ chứa thủy điện “xả nước giải hạn” thì liệu ngành nông nghiệp có tận dụng triệt để nguồn nước để phục vụ nông nghiệp? Điều này đã đẩy ngành nông nghiệp và ngành điện vào vòng luẩn quẩn: nếu xả nước cứu lúa thì thiếu điện, ngược lại nếu tích nước cứu điện thì chết lúa.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, người được Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam giao nghiên cứu các phương án chống hạn, thẳng thắn: Khi tình trạng khô hạn xảy ra sẽ xung đột quyền lợi giữa một bên là nông nghiệp (nông dân) và một bên là công nghiệp. Tuy nhiên, nếu đặt lên “bàn cân” thì phải đặt lợi ích người dân lên hàng đầu. Nếu như Thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng tích nước dẫn đến thiếu nước cho nông nghiệp thì bằng mọi giá phải buộc Thủy điện Đắk Mi 4 “trả” nước cho nông nghiệp.

Cùng quan điểm với ông Tuấn, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, người được UBND TP Đà Nẵng giao nghiên cứu ảnh hưởng của dòng Vu Gia đối với hạ lưu và cũng là người đã nhiều lần “kiện” thủy điện Đắk Mi 4 “trả” nước cho dòng Vu Gia, cho rằng việc tích nước của Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 vào đúng mùa khô là không thể chấp nhận được. Ông Thắng cho biết thêm, hiện ông chưa nhận được thông tin chính thức hồ thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng tích nước, nhưng nếu Đắk Mi 4 chặn dòng tích nước từ tháng 4 đến tháng 9-2011 thì ông sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công thương can thiệp để Đắk Mi 4 lùi thời gian tích nước đến khi hết mùa khô 2011 (tức cuối tháng 9-2011).

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục