Ám ảnh phim vi phạm bản quyền

Phim vừa ra rạp đã bị quay lén và phát tán rộng rãi trên mạng. Phim vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan trên các trang web lậu. Đó là những nhức nhối liên quan đến vấn đề bản quyền phim, gồm cả điện ảnh và truyền hình tại thị trường Việt Nam hiện nay.   
Ám ảnh phim vi phạm bản quyền

Phim vừa ra rạp đã bị quay lén và phát tán rộng rãi trên mạng. Phim vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan trên các trang web lậu. Đó là những nhức nhối liên quan đến vấn đề bản quyền phim, gồm cả điện ảnh và truyền hình tại thị trường Việt Nam hiện nay.   

Những chuyện muôn năm cũ

Hơn 2 năm trước, tại hội thảo “Bản quyền điện ảnh và truyền hình”, đại diện K+ đã nêu một ví dụ về trường hợp bộ phim Để mai tính vừa chiếu trên sóng truyền hình, ngay lập tức xuất hiện tràn lan trên Internet với phiên bản chuẩn HD.

Và cách đây khoảng 2 tháng, khi bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể ra rạp đúng một ngày, cũng liên tục xuất hiện những bản quay trộm. Diễn viên Ngô Thanh Vân nêu trường hợp cụ thể một cô gái đi coi phim đã bật chế độ livestream (phát trực tuyến) toàn bộ nội dung phim lên trang cá nhân.

Đó chỉ là hai ví dụ điển hình cho thấy, việc vi phạm bản quyền các tác phẩm điện ảnh đang trở thành đề tài nhức nhối như thế nào ở thị trường điện ảnh Việt.  

Hình ảnh đăng trên fanpage Ngô Thanh Vân: quản lý rạp phim đang làm việc với một nữ khán giả vì hành động quay trực tuyến toàn bộ nội dung phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể đưa lên trang facebook cá nhân

Ngoài hai tác phẩm kể trên, có thể kể đến hàng loạt trường hợp từng khiến các nhà sản xuất phát hành phải đau đầu: Taxi, Em tên gì?, Mỹ nhân kế, Chàng trai năm ấy, Vòng eo 56, Gái già lắm chiêu... Các nhà rạp dù rất nỗ lực trong việc bố trí nhân viên giám sát kỹ lưỡng, nhưng ngày nay với thủ đoạn ngày càng tinh vi cùng sự hỗ trợ của các thiết bị ghi hình tân tiến, việc quay lén dễ như trở bàn tay. Và việc giải quyết gặp muôn vàn khó khăn bởi với tốc độ lan truyền trên Internet hiện nay, khó có thể xử lý triệt để.  

Nếu những bản quay lén phim chiếu rạp Việt thường có chất lượng hình ảnh xấu thì trên các trang web xem phim trực tuyến, đa phần đều đạt chuẩn thậm chí là bản HD. Một số phim nước ngoài đang chiếu ở rạp đã có bản đầy đủ trên mạng. Với các phim truyền hình, tốc độ phát tán cũng "nhanh như điện".

Tại hội thảo “Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn - giải trí sạch” vừa được tổ chức tại TPHCM, bà Vũ Thanh Tâm, Trưởng ban Kiểm tra Đài truyền hình Việt Nam nêu lên một ví dụ. Bộ phim Tuổi thanh xuân phần 2 vừa lên sóng những tập đầu tiên ngay lập tức có hàng chục web xem phim trực tuyến đăng tải các tập đã phát sóng dù hiện tại VTV là đơn vị duy nhất nắm bản quyền của bộ phim.

Trung tuần tháng 10, nghị sĩ Kwak Sang-so, một thành viên của Ủy ban Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Quốc hội Hàn Quốc đưa ra bản thông báo về các trường hợp vi phạm từ năm 2013 đến tháng 8-2016. Theo thống kê của nước bạn, Việt Nam đã vi phạm 66 lần và được gửi đến 44 cảnh báo trong đó có phim Yukrongi Narsha của đài SBS.   

Vi phạm = lợi nhuận khủng

Một thực tế khá đáng buồn, thị trường trực tuyến không mang lại doanh thu cho các nhà sản xuất Việt Nam bởi số tiền thu được hoàn toàn từ việc bán vé ngoài rạp. Điều này trái ngược, bởi trên thế giới con số này chiếm khoảng 20% - 30%, trong khi số tiền bán vé dao động từ 30% - 50%. Bà Thanh Tâm đưa ra một dẫn chứng phía VTV từng đánh giá một website vi phạm bản quyền các nội dung của VTV và biết được họ thu được lợi nhuận khoảng 10 tỷ đồng/năm. Một web xem phim được theo dõi có 4 triệu khách truy cập/tháng và một phim Hollywood bị ăn cắp bản quyền có đến 2 triệu lượt xem/tháng.

“Những con số đó là thông tin hấp dẫn đối với những người làm quảng cáo và từ đó tạo ra nguồn lợi nhuận lớn cho các trang web này. Thậm chí, có những đơn vị vi phạm nhiều được chúng tôi gửi báo cáo vi phạm nhưng sau đó còn ngang nhiên gửi công văn xin phép... vi phạm thêm một thời gian”, câu chuyện nực cười ấy đang ngang nhiên diễn ra.  

Cảnh trong phim Gái già lắm chiêu (ảnh trái) và hình ảnh từ bản quay trộm (ảnh phải) có chất lượng khác biệt

Theo bà Phan Cẩm Tú, Đại diện Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (MPA), cùng với các thành viên Liên minh Chủ sở hữu Quyền vừa được thành lập cách đây không lâu đã phát hiện hơn 200 website vi phạm bản quyền trong đó có 42 trang web là nguy hại nhất. “Chúng tôi chưa có con số chính xác các trang web lậu này kiếm được bao nhiêu tiền nhưng chắc chắn nó gây thiệt hại không hề nhỏ cho các đơn vị chính thống”, bà Tú cho biết.

Chuyện vi phạm đã quá rõ ràng nhưng việc xử lý hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi tiến hành làm việc với các đơn vị quảng cáo trước, sau đó sẽ chuyển thông điệp đến chính phủ. Chúng tôi hy vọng sẽ có sự vào cuộc từ phía Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT và Bộ Công an”, bà Cẩm Tú cho biết thêm. Đó cũng là lý do hiện nay danh sách các website vi phạm bản quyền ở Việt Nam chưa được công bố rộng rãi vì còn gặp nhiều vấn đề liên quan đến tính pháp lý và rất cần sự vào cuộc kịp thời của phía cơ quan chức năng.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin mạng (Bộ TT-TT), cho biết từ trước đến nay các xử lý vi phạm chủ yếu thông qua cơ chế hành chính, ít áp dụng các cơ chế dân sự, hình sự. Ông Toàn cũng nêu ra một khó khăn là việc nhiều website phim lậu đặt máy chủ tại nước ngoài nên tình hình vi phạm càng trở nên phức tạp, khó xử lý. Trong khi đó, đối với việc các phim Việt bị quay lén, phát tán lậu, phía đơn vị sản xuất, phát hành cũng chưa thật sự mạnh tay.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục