Chương trình biểu diễn của Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn mang tên “Âm hưởng Đông Phương - The Oriental mood”
Đây là buổi hòa nhạc được chờ đợi từ lâu, bởi cả Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn đều là những nghệ sĩ sáng tạo trong âm nhạc và đã vượt ra khỏi những ranh giới thể loại từ lâu để tạo những tác phẩm khiến giới mộ điệu kinh ngạc về sự kết hợp tài tình những chất liệu âm nhạc phong phú từ nhiều miền đất trên thế giới. Mỗi nghệ sĩ đều có lịch sử biểu diễn đáng tự hào, với những chuyến lưu diễn nhiều quốc gia, kết hợp với nhiều nghệ sĩ danh tiếng, cùng những album mang tính khai phá tạo ra những xu hướng mới trong âm nhạc. Và đây là lần đầu tiên họ cùng đứng chung một buổi hòa nhạc.
Nhạc sĩ Nguyên Lê là một trong những guitarist tài năng và rất được khen ngợi trên thế giới trong nhiều năm qua. Anh sinh ra và lớn lên tại Pháp, cha mẹ là những trí thức người Việt. Vào năm 1996, những gì thuộc về cội nguồn Việt trong anh đã được anh đưa vào một album, có thể coi là bước ngoặt - một tác phẩm để đời của mình: Album Tales From Việt-Nam, với sự pha trộn vô cùng độc đáo những giai điệu, những bài hát dân gian Việt Nam, với tài diễn tấu nhạc jazz đẳng cấp cao. Những âm thanh vô cùng mới lạ và độc đáo của album đã khiến khán giả quốc tế sửng sốt và càng thêm thán phục tài năng của Nguyên Lê. Album này cũng mở đầu cho hành trình về nguồn của Nguyên Lê, với hàng loạt album tiếp nối được lấy cảm hứng từ nhạc cổ truyền Việt Nam và các nước phương Đông. Cũng từ những sản phẩm âm nhạc này, mà khái niệm và thể loại world jazz dần hình thành - chỉ dòng nhạc lấy nền tảng là jazz mà pha trộn vào đó các yếu tố âm nhạc mang tính bản địa của những vùng đất xa xôi trên thế giới.
Vào năm 2006, Trần Mạnh Tuấn cho ra mắt album Ru rừng, một đĩa nhạc độc đáo và lạ lùng nhất ở Việt Nam khi đó. Những âm hưởng kỳ bí của núi rừng được đưa vào album jazz fusion mang đầy tính khai phá. Phải nhiều năm sau, khán giả và cả giới âm nhạc mới đánh giá được đúng giá trị của album này, trong khi đó, âm nhạc của Ru rừng đã đến với khán giả khắp nơi trên thế giới qua các kênh phát hành âm nhạc, cùng những chuyến lưu diễn của Trần Mạnh Tuấn. 10 năm sau, Trần Mạnh Tuấn tiếp nối mạch cảm xúc và phong cách world music của mình với một album cầu kỳ hơn về sản xuất âm nhạc và phong phú hơn về màu sắc âm thanh - album Thằng Cuội.
Và cả hai nghệ sĩ, với hai không gian sống và làm việc khác nhau, đã tình cờ gặp nhau trên con đường sáng tạo, với nền tảng là di sản âm nhạc truyền thống quý báu của Việt Nam. Sau những cuộc gặp gỡ bên lề, những lần tán thưởng tài năng của nhau, nay họ cùng đứng trên một sân khấu trong một buổi biểu diễn của riêng hai người. Đó sẽ là một không gian âm nhạc tuyệt vời, để Đông và Tây hội ngộ, để những âm hưởng Đông phương vang lên đẹp đẽ và mới lạ, độc đáo.
Chương trình biểu diễn của Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn mang tên “Âm hưởng Đông Phương - The Oriental mood” sẽ đưa khán giả vào một hành trình âm nhạc kỳ thú, khám phá những nguồn cội văn hóa dân gian Việt Nam qua những bài dân ca nổi tiếng, để rồi khán giả sẽ thấy âm nhạc Việt Nam đã hòa trộn với truyền thống âm nhạc phương Đông ra sao, trước khi có những sự gặp gỡ, giao thoa đầy quyến rũ, mê hoặc với âm nhạc phương Tây. Đúng như con đường âm nhạc mà Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn đã đi.
Những bài dân ca Việt Nam quen thuộc như Người ơi người ở đừng về, Qua cầu gió bay… hay những tác phẩm do Trần Mạnh Tuấn sáng tác mang âm hưởng dân ca như Sen, Sương sớm, Hội làng, Thằng Cuội, Gọi bạn, Bướm mơ... sẽ vang lên đầy mới lạ với kỹ thuật trình tấu của Nguyên Lê và Trần Mạnh Tuấn.