Ấm lòng Đăk Ơ

Đồn biên phòng Đăk Ơ (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) không xa lạ với tôi. Trước đây, cứ có dịp đi ngang Bình Phước, Đại tá Hoàng Dũng, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn, cơ quan thường trực phía Nam Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam, lại nhắc đến sự gian khó ở đồn biên phòng Đăk Ơ.

Gần đến Đồn Biên phòng Đăk Ơ, đoạn đường dốc cao lại đang rải đá xanh thì xe bị lún và không thể di chuyển được. Đại úy Thúy, Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, cho biết: “Mấy hôm nay, trời không mưa nên di chuyển tương đối dễ. Chứ chỉ cần một cơn mưa, tuyến đường này lầy lội ngay. Nhưng so với hồi xưa, bây giờ đã được cải thiện rồi”.

Theo Đại úy Thúy, do địa bàn quá rộng, trước đây, cán bộ chiến sĩ Đồn Đăk Ơ đi tuần tra biên giới phải mất cả tháng trời với lỉnh kỉnh nồi, niêu, xoong chảo, lương thực, thực phẩm. Năm 2004, Bộ đội Biên phòng Bình Phước thành lập mới 3 đồn biên phòng nữa tại khu vực này nhưng thời gian di chuyển chưa hẳn được rút ngắn tối đa. Binh nhất Kiều Văn Long, 21 tuổi, nhà ở thị trấn Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chiến sĩ Đồn biên phòng Đăk Ơ, cho biết: “Hiện nay, mỗi đợt tuần tra biên giới chỉ khoảng 1 tuần lễ. Hành trang mang theo không còn lỉnh kỉnh như trước. Cơm thì nấu trong ống lồ ô, rau thì mua dọc đường, chúng tôi chỉ đem theo khoảng 4kg gạo và nồi để nấu canh, hâm thịt, cá hộp. Ngoài nhiệm vụ kiểm tra cột mốc 61 và 62, chúng tôi còn tổ chức ngăn chặn phá rừng, tải cây trên sông Đăk Quýt. Đợt cao điểm thì khoảng 10 ngày!”.


Cũng như các đồn biên phòng ở trên đất nước này, Đồn Biên phòng Đăk Ơ cách biệt với khu dân cư xã Bù Gia Mập gần 15km. Đồn chưa có nước ngọt và điện. Nước được bơm từ sông Đăk Quýt hay giếng đào; còn điện thì xài máy phát. Do vậy, cứ sau 21 giờ, đồn biên phòng lại trả bóng tối cho rừng. Cuộc sống cơ cực là thế nhưng các chiến sĩ trẻ ở Đồn biên phòng Đăk Ơ vẫn lạc quan với mơ ước của mình. Binh nhì Nông Thế Anh, 21 tuổi, người dân tộc Tày, nhà ở xã Đăk Ơ, tâm sự: “Từ khi về đồn công tác đến nay, em được chỉ huy đồn cho về phép 3 lần, mỗi lần 3 ngày. Nhà cách đồn khoảng 40km, mỗi lần được về phép, em điện thoại về nhà cho người thân đến đón. Bộ đội tuy gian khổ, nhưng vui lắm. Em có nhiều bạn và được học chính trị, quân sự nên chững chạc hẳn ra”.

Có điều lạ là không biết sao nhiều chiến sĩ trẻ ở Đồn biên phòng Đăk Ơ lại là thợ cắt tóc. Một binh nhất, 22 tuổi, cười rất tươi, hóm hỉnh: “Em tên Đàm Đình Đoàn. Nghe tên em giống củi nổ không? Tên nghe đùng đoàng vậy chớ em khéo tay lắm. Em là chủ tiệm cắt tóc nam nữ ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Do nhà xa quá, cách đồn gần 200km, nên em ráng học tập, công tác tốt, để mai mốt đám cưới đứa em thì xin mấy chú lãnh đạo đồn cho đi phép dài ngày. Khi xuất ngũ em sẽ về TPHCM học tạo mẫu tóc để nâng cao tay nghề…”.

Bên bếp lửa hồng, mỗi chiến sĩ trẻ có một ước mơ đẹp và tôi tin tất cả sẽ thành hiện thực.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục