Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP và nhà tài trợ PepsiCo VN đã đến với đồng bào vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, trao tặng bà con gần 600 triệu đồng, góp phần sẻ chia khó khăn với đồng bào qua cơn hoạn nạn. Đây là một phần trong những hoạt động của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP và nhà tài trợ đồng hành - Công ty PepsiCo VN trong năm 2009 - 2010, hướng đến đồng bào nghèo, các gia đình chính sách ở các địa phương trên tuyến đường Trường Sơn đã từng chịu đựng gian khổ hy sinh trong những cuộc chiến tranh giữ nước...
Lớp học cho vùng “siêu lũ”
Tại vùng “rốn lũ” xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã cầm tay tôi lắc mạnh: “Thiệt cảm ơn Báo SGGP. Trong lũ, Báo SGGP là đơn vị đầu tiên có mặt. Sau lũ cũng là đơn vị đầu tiên cứu trợ cho 3 người hùng cứu dân bị trôi mất nhà. Chừ Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP và Công ty PepsiCo VN trở lại tiếp tục giúp xã, thiệt cái tình đáng trọng biết bao”.
Cùng đồng hành với Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, những nhân viên của Công ty PepsiCo VN đã cật lực bốc vác hàng hóa để chuyển đến tận tay bà con, bởi với họ, mỗi nỗ lực dù nhỏ nhất đều nhanh chóng giúp được người dân vơi bớt khó khăn. Sơn Trạch trong chiến tranh là điểm đầu của đường 20 - Quyết Thắng mà Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã đi qua và phản ánh trên nhiều trang báo. Tháng 10 năm nay, lũ ập về, cột đo mốc lũ lịch sử cao 5m đã bị lũ phủ trắng, nuốt chửng thêm 3m. Người dân nói đó là “siêu lũ”, bởi đời ông cha, rồi đến đời họ, chưa bao giờ thấy trận lũ nào kinh hoàng như thế.
Trường Tiểu học số 1 Sơn Trạch bị lũ phá tan hoang, lớp học đổ nát, thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng, 370 học sinh mất trắng sách vở, bàn ghế. Trước tình cảnh đó, chương trình đã trao tặng 150 triệu đồng để dựng lại 3 phòng học bị lũ cuốn. Nhận tấm lòng nghĩa tình, hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Văn Phúc nói: “Hết sức cảm ơn ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP và Công ty PepsiCo VN. Nếu không có sự giúp đỡ nghĩa tình này, không biết khi mô trường mới có thể khôi phục được 3 phòng học bị đổ nát”.
Chuyện ở Quảng Long
Xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nằm trên gò cao. Theo những bậc cao niên, đã hơn 400 năm dựng làng, chưa có trận lụt nào, nhưng năm nay Quảng Long bị lũ nhấn chìm mọi thứ. Trường Mầm non Quảng Long trôi hết đồ chơi của con trẻ, trị giá đến hơn 200 triệu đồng. Đoàn cứu trợ của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP và nhà tài trợ Công ty PepsiCo VN đã trao 80 triệu đồng ủng hộ nhà trường mua sắm lại trang thiết bị cho học sinh mầm non.
Ở Quảng Long, chương trình còn hỗ trợ 40 triệu đồng cho 11 hộ gia đình khó khăn nhất bị thiệt hại do lũ. Qua khảo sát 11 hộ với những mức độ thiệt hại khác nhau, chương trình trao tặng mỗi hộ từ 2 - 15 triệu đồng. Thương tâm nhất là gia đình vợ chồng anh Trần Văn Phượng và chị Nguyễn Thị Loánh (42 tuổi). Anh Phương cao chưa đến 1m, thân hình tiều tụy. Chị Loánh một mình cáng đáng công việc làm ăn chăm lo cuộc sống. Lũ vào, đàn vịt mấy trăm con mất sạch. Tiếc của, đứa con trai học lớp 7 chạy đi tìm. Chờ mãi, không thấy con về, chị vượt lũ tìm con, qua eo Chút Lũ, nước chảy xiết chị bị lũ cuốn. Đứa con trai Trần Văn Phong về được nhà thì mẹ đã mất. Nhận số tiền 15 triệu đồng, anh Phương khóc nức: “Cả nhà xin cảm ơn tấm lòng hảo tâm của Báo SGGP và Công ty PepsiCo. Trụ cột gia đình là mẹ nó đã mất, chừ tui phải rướn sức mà nuôi con chú nờ”.
Hoạn nạn mới tỏ lòng nhau
Ngày 10-11, đoàn cứu trợ Báo SGGP tiếp tục đến với Hà Tĩnh, Nghệ An. Xã Hà Linh (Hương Khê, Hà Tĩnh), một xã bán sơn địa. Người Hà Linh nói ít khi lũ to, nhưng năm nay lũ lên ngoài sức tưởng tượng. Trạm xá xã Hà Linh lũ gần ngập mái. Bà Lê Khánh Toàn, Trưởng trạm y tế xã dẫn chúng tôi tham quan trạm y tế sau lũ, dấu lũ còn để lại ngấn nước trên bức tường cao. Thiệt hại hoàn toàn các đồ dùng y tế, bàn phụ khoa, ống nghe, giường bệnh, thuốc men… Nhìn vào các căn phòng, đâu đâu cũng trống rỗng. Trước thiệt hại đó, chương trình đã hỗ trợ trạm y tế xã 80 triệu đồng. Đón nhận tấm lòng, bà Toàn rưng rưng nước mắt: “Không có sự giúp đỡ này không biết khi mô trạm y tế có thể trở lại hoạt động bình thường. Một lời cảm ơn cũng chưa đủ, phải nhiều lời cảm ơn mới tỏ tường rằng qua hoạn nạn mới tỏ lòng nhau”.
| |
Chương trình cũng đến với chị Nguyễn Thị Lam đang một mình cùng 3 đứa con cúng bữa cơm sáng cho anh Phan Đình Thanh (SN 1976) mất trong lũ. Anh Thanh nhà cao nhất xóm 7, các nhà xung quanh bị lũ cuồn cuộn nhấn chìm, nhà có chiếc đò nhỏ, theo con nước, anh đi cứu được chừng 10 người trong xóm. Đến chuyến thứ bảy, anh dặn vợ con nấu nhiều mì gói, cơm canh để bà con ăn qua lũ, anh đi chuyến nữa để xóm làng được sống. Nhưng chuyến đó, đường điện cao thế cách mặt nước chừng 1m đã giật cháy nửa thân người khiến anh rơi xuống nước, lũ nhấn chìm. Xóm làng thương khóc anh. Hôm chúng tôi đến, 3 đứa con anh Thanh là Phan Đình Tuấn (6 tuổi), Phan Đình Tú (4 tuổi) và Phan Thị Linh (1 tuổi) đang ngơ ngác đội vành khăn tang. Nhận món quà nhỏ 15 triệu đồng, chị Lam khóc ngất không nói nên lời. Ra về, những đứa con anh Thanh tự nhiên bật tiếng hát nhí nhảnh: “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, hai ngọn nến lung linh…”. Chúng hát mà lòng chúng tôi đau thắt, bởi chúng còn quá nhỏ để hiểu thế nào là hai chữ “ba mất”.
Rời Hà Linh, đến với xã biên giới Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An). Đồn biên phòng Thanh Thủy đóng ở chót vót núi Pù Mạt, đón nhận món quà 8,7 triệu đồng, thượng tá Trần Công Nghi bắt tay cảm ơn: “Ở xa mà đến được là quý, lại tặng quà anh em cán bộ chiến sĩ nữa thiệt quý hóa quá”. Biết được xã Thanh Thủy có hộ ông Nguyễn Đình Kiên và Hoàng Quốc Việt bị lũ cuốn trôi nhà, chương trình quyết định hỗ trợ mỗi hộ 15 triệu đồng để dựng lại mái nhà sau lũ. Nhận tiền mặt, ông Việt rưng rưng: “Có được khoản tiền này, gia đình tui có được căn nhà để ở rồi”.
Về xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên), đoàn đã trao 25 triệu đồng cho hai hộ khó khăn nhất. Trạm y tế xã cũng đón nhận 80 triệu đồng nghĩa tình của chương trình. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Công Hoan đã khóc khi phát biểu trước bà con đến nhận quà. Ông khóc vì xã ông không cô đơn khi hoạn nạn…
M.PHONG - D.QUANG