Khép lại năm 2012, âm nhạc là một trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được công chúng và cơ quan quản lý văn hóa quan tâm nhất, vì có quá nhiều scandal, chiêu trò gây sốc, gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, bên cạnh những hạt sạn ấy, lĩnh vực này vẫn được số đông những người làm nghề chân chính trân trọng, chung tay góp sức đẩy mạnh sự phát triển và nhân rộng các giá trị nghệ thuật. Điều này sẽ giúp hoạt động âm nhạc năm 2013 có những bước tiến khởi sắc nhất định.
Sức sống mới
Năm qua, hoạt động âm nhạc chính thống tại TPHCM đã lan tỏa khá mạnh đến khán giả yêu nhạc, nhất là giới trẻ. Các liên hoan, hội diễn, chương trình nghệ thuật truyền thống cách mạng, hàn lâm, dân tộc, được tổ chức ở khắp quận huyện, cùng với dấu ấn Hội Âm nhạc TPHCM tổ chức nhiều chuyến về nguồn dành cho ca sĩ, nhạc sĩ trẻ, kết nạp hội viên mới... đã góp phần định hướng sáng tác, biểu diễn và nâng cao tính thẩm mỹ trong thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, Phó Giám đốc NVH Thanh niên TPHCM, nhận định: “Năm qua, nhờ có khá nhiều cuộc thi ca hát nhạc truyền thống cách mạng mà nhiều bài hát nhạc cách mạng phát huy được giá trị nghệ thuật, lan tỏa sâu rộng trong khán giả trẻ. Một số ca khúc ít được nghe trước đây, qua các cuộc thi, nay được sống lại, đã tạo sự tươi mới cho nhạc truyền thống. Điều này đồng thời cũng khẳng định giá trị nghệ thuật của những bài hát truyền thống cách mạng luôn có một vị trí quan trọng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật từ quá khứ đến hiện tại và ở cả tương lai”.
Không chỉ thế, nhìn vào thực tiễn năm 2012, thị trường âm nhạc đã thưa vắng dần những ca khúc nhảm nhí, vô bổ. Nhiều tác giả cũng như nghệ sĩ biết chú trọng đầu tư cho nghề, nâng cao chất lượng phục vụ khán giả hơn dù rằng vẫn tái diễn tình trạng nghệ sĩ vi phạm trong biểu diễn. Các vụ vi phạm đã bị cơ quan quản lý văn hóa xử phạt, ít nhiều giúp một số cá nhân vi phạm nhận thức được giá trị thực sự của người làm nghệ thuật và sau đó có sự tiếp thu, sửa đổi.
Lan tỏa
Đã qua rồi thời công chúng có gì thưởng thức nấy. Nay, công chúng được tiếp cận, chọn lọc và đòi hỏi chất lượng giải trí theo xu hướng phát triển chung của thời đại.
Riêng đối với lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, trăn trở: “Bản chất của người nghệ sĩ – người có tri thức sáng tạo, trách nhiệm sáng tạo, là phải viết cho đất nước, viết cho dân tộc, góp phần giáo dục xã hội, giáo dục con cái mình…”. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, cũng mong mỏi các nhạc sĩ trẻ hãy nhận thức chức năng giáo dục của âm nhạc để sáng tạo ra sản phẩm tốt cho người nghe. Một khi có tác phẩm tốt, người nghệ sĩ sẽ có cơ hội thể hiện, chuyển tải những giá trị văn hóa tinh thần tốt và đẹp nhất đến khán giả. Vậy nên, vấn đề ở đây chính là ý thức tự điều tiết của văn nghệ sĩ để không biến yếu tố hấp dẫn thành những trò câu khách rẻ tiền, bằng những scandal ngoài bản chất của văn học nghệ thuật.
Việc đào tạo cho người nghe đạt được một trình độ thẩm mỹ nghệ thuật nhất định cũng rất quan trọng, đó cũng chính là điểm xuất phát và là đích đến của âm nhạc. Để thực hiện điều này, cần những chiến lược cụ thể, lâu dài đối với công tác giáo dục âm nhạc học đường dành cho khán giả thế hệ mới. Thời gian vừa qua, khán giả nghe nhạc dần tự thích nghi, biết chọn lọc, nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc. Đây cũng là nguyên nhân khiến các sản phẩm nhạc kém chất, album, tiết mục, chương trình biểu diễn phản cảm bị tẩy chay, phê phán, chỉ trích và nhanh chóng đi vào quên lãng.
Với những kết quả có được, năm 2013 sẽ là năm của nhiều hoạt động tiếp nối, dự báo có thể khởi sắc tốt đẹp. Trong đó, vai trò quản lý văn hóa nhà nước, trách nhiệm của người sáng tác - biểu diễn và ý thức nghe nhạc của công chúng cần phát huy hơn nữa. Đặc biệt, cần nhân lên sự lan tỏa mạnh mẽ của dòng nhạc truyền thống cách mạng để khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc cho đông đảo khán giả.
| |
Thúy Bình