Âm nhạc AI và điểm chạm trong thế giới số

“Sáng tạo là một quá trình không đơn giản, đòi hỏi nhiều tính “con người”, còn AI dùng cơ sở dữ liệu của chính con người để học và phát triển. Mặc dù việc AI sáng tác, hòa âm và thậm chí biểu diễn là điều chúng ta đã được chứng kiến, tuy nhiên để “âm nhạc AI” tìm được điểm chạm hoàn hảo với khán giả, tôi nghĩ còn xa”, nhạc sĩ - ca sĩ Hoàng Dũng bày tỏ.
MV “Hướng nội” vẽ bằng mô hình AI của kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại
MV “Hướng nội” vẽ bằng mô hình AI của kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại

AI đi cùng âm nhạc

Giữa tháng 3, Ann là cái tên vô cùng mới nhưng đủ sức gây xôn xao giới giải trí Việt. Cô là nữ ca sĩ ảo đầu tiên trong nước có sản phẩm âm nhạc riêng với MV Làm sao nói thương anh, được ra mắt công chúng như một ca sĩ thực thụ. Theo nhà sáng lập BoBo Đặng, Ann ra đời dựa trên thuật toán AI cùng kỹ xảo âm thanh. Ê kíp tự tin cho rằng cô bước vào thị trường nhạc Việt tạo xu hướng mới, giảm thiểu một số rủi ro trong ngành công nghiệp giải trí. Ann được lên chiến lược không chỉ là ca sĩ mà còn có thể đóng phim, diễn thời trang, quảng cáo, tham gia show giải trí với một số cách tiếp cận phù hợp. Nhà sản xuất cho biết sẽ tổ chức các live concert dành riêng cho cô với công nghệ Volumatric Hologram.

Trước đó, trong Lễ hội Âm nhạc TPHCM - Hozo Festival 2022, hai ca sĩ ảo siêu thực là Michau và Damsan từng xuất hiện. Bộ đôi trình diễn bên cạnh các nghệ sĩ, ban nhạc đình đám đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, cùng ca sĩ Việt Nam như Văn Mai Hương, Uyên Linh, Bích Phương, Vũ Cát Tường… Họ trình diễn trực tiếp trên sân khấu cùng vũ công người thật thông qua công nghệ trình chiếu Hologram.

Tại sự kiện Tech Awards 2022, kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại (29 tuổi, đang học thạc sĩ về AI tại Singapore) mang đến phần trình diễn kết hợp sức mạnh các mô hình AI trong bài toán sáng tạo nghệ thuật. Mô hình AI viết nhạc có thể tạo ra 10 bài hát trong 1 giây dựa trên 30.000 bài hát tiếng Việt, của anh ra mắt đầu năm 2021, đã được nâng lên thành phiên bản 2.0, có thể viết hòa âm song song giai điệu. Để cập nhật thêm mô hình AI sáng tác nhạc kết hợp vẽ tranh, anh cho biết, khi kết hợp 2 mô hình, sẽ tạo 60 bức tranh trong 1 giây, ghép lại tạo 1 video âm nhạc. Dù vậy, theo anh, AI được dùng để viết ca khúc, hòa âm, lên ý tưởng cho MV, còn những công đoạn phối khí, thu hát, mixing, mastering… vẫn cần bàn tay con người.

Nhạc sĩ HUY TUẤN: "Cảm xúc thì chỉ có con người mới có thể mang lại những gì sâu thẳm nhất. AI là trào lưu theo thời, có thể đủ cho những sản phẩm giải trí, các sự kiện liên hoan âm nhạc chứ để đòi hỏi được ở địa vị sâu sắc hơn, chắc còn lâu. AI chưa đủ cho những sản phẩm nghiêng về chiều sâu, mang tiếng nói cá nhân mãnh liệt của người nghệ sĩ"

Ranh giới nghệ thuật - AI

Bắt nhịp dòng chảy ứng dụng AI vào sản xuất và trình diễn âm nhạc như nhiều nước, Ann, Michau, Damsan hay Mô hình AI viết nhạc kết hợp vẽ tranh là những sản phẩm do ê kíp sáng tạo người Việt tạo ra, đánh dấu nước đi mới của thị trường nhạc Việt. Trên thế giới, ca sĩ ảo đã trở thành xu hướng, được tạo nên từ sự sáng tạo của con người với sự hỗ trợ của các công nghệ hàng đầu như thiết kế 3D, AR, AI, CGI, các giải pháp chuyển động.

Tất nhiên, sự “lấn sân” của AI gây nhiều luồng ý kiến trái chiều. Ann, Michau và Damsan được cho vẫn mang đến cảm giác “máy hát”. Mô hình của kỹ sư Bảo Đại cũng nhận về hàng loạt tranh luận, bởi ranh giới nghệ thuật và sự sáng tạo rất riêng của người nghệ sĩ vốn luôn đề cao. Đặc biệt, với những nghệ sĩ ngày đêm sáng tạo, âm nhạc AI vẫn là khái niệm chưa được chấp nhận hoàn toàn. Như nhạc sĩ Quốc Bảo bày tỏ: “Tôi không viết nhạc cho AI và không dùng AI viết nhạc cho con người nghe”. Với anh, muốn viết được nhạc hay, mỗi nghệ sĩ phải vắt đến kiệt cùng cảm xúc và tài năng để sáng tạo.

Nhà sản xuất - nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, không thể xem nhẹ những gì AI tác động đến đời sống. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, nhất là âm nhạc, câu chuyện không đơn giản bởi đây là lĩnh vực mà cảm xúc luôn giữ vai chủ đạo.

“Thực tế, máy móc đã can thiệp vào công cuộc sáng tác và sản xuất âm nhạc từ lâu rồi. Chúng ta có thể phối khí một ca khúc hoàn chỉnh chỉ với 1 máy tính, 1 midi controller (thiết bị thu âm) và những hộp tiếng ảo mà không cần cất công chuẩn bị phòng thu với nhạc cụ thật. Nhưng với những dự án lớn kỳ vọng chất lượng cao, các nhà sản xuất âm nhạc vẫn ưu tiên lựa chọn nhạc sĩ, ca sĩ chơi live với nhạc cụ thật. Đây là điều khiến Dũng tin rằng niềm tin của khán giả vào tính “con người” trong âm nhạc rất lớn, khó thay thế”, nhạc sĩ - ca sĩ Hoàng Dũng chia sẻ.

Không thể phủ nhận, AI ngày càng khẳng định chỗ đứng trong dòng chảy công nghệ và âm nhạc không nằm ngoài vùng tác động của nó. Câu trả lời cho việc ca sĩ ảo, mô hình sáng tác tác động tới ngành công nghiệp âm nhạc sâu rộng hay nhanh chóng chìm vào quên lãng sẽ được minh chứng cùng thời gian. Với thị trường nhạc Việt, mọi thứ vẫn ở bước thăm dò. Ở một góc nhìn cởi mở sẽ thấy rằng, những sự kiện này có thể mở đường cho thị trường ngách mới - nơi nghệ sĩ có thể khám phá nhiều cơ hội mới mà AI là trợ thủ đắc lực chứ không phải đối thủ.

Tin cùng chuyên mục