Âm nhạc có thể chữa được bệnh

Những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng tham dự các sự kiện, lễ hội âm nhạc sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm căng thẳng. Không dừng lại ở đó, việc góp mặt trong những dàn đồng ca nhà thờ còn góp phần chữa trị bệnh ung thư.
Âm nhạc có thể chữa được bệnh

Những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng tham dự các sự kiện, lễ hội âm nhạc sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm căng thẳng. Không dừng lại ở đó, việc góp mặt trong những dàn đồng ca nhà thờ còn góp phần chữa trị bệnh ung thư.

Giảm căng thẳng nhờ âm nhạc

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng việc tham dự những sự kiện, lễ hội âm nhạc nơi bạn được trực tiếp chứng kiến phần biểu diễn của các nghệ sĩ sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm mức độ căng thẳng trong cơ thể. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đối với 117 tình nguyện viên tham dự hai đêm biểu diễn âm nhạc của Eric Whitacre, một đêm nhạc được tổ chức tại Gloucester Cathedral, và một đêm nhạc tại Union Chapel, London, Anh. Các tình nguyện viên đã cung cấp mẫu nước bọt của mình trước khi xem các phần trình diễn và tiếp tục lấy mẫu lần 2 khoảng một giờ sau đó.

“Đây là những bằng chứng sơ bộ đầu tiên chứng minh rằng việc tham dự các sự kiện văn hóa có thể ảnh hưởng đến hoạt động nội tiết trong cơ thể con người”, người đứng đầu cuộc nghiên cứu - Daisy Fancourt đến từ Centre for Performance Science - đơn vị kết hợp với Trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia và Cao đẳng Hoàng gia London cho biết. Hormone cortisol (hormone stress) được sản xuất bởi cơ thể khi bị căng thẳng về thể chất và tâm lý. Nó có thể có tác động tích cực với liều lượng nhỏ giúp cải thiện sự tỉnh táo và hạnh phúc. Tuy nhiên, nồng độ cortisol trong cơ thể nếu cao ở mức kinh niên có thể làm trầm trọng thêm một số bệnh lý: bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp và bất lực.

Các nhà khoa học đã chứng minh âm nhạc có tác động rất lớn đến việc mang đến cảm xúc tích cực

“Những kết quả này phù hợp với 22 nghiên cứu trước đó khi cùng chỉ ra rằng việc nghe nhạc có kiểm soát có thể làm giảm nồng độ cortisol”, một nhà nghiên cứu cho biết. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, nghiên cứu này tập trung hoàn toàn vào những ảnh hưởng trong môi trường yên tĩnh và là nhạc cổ điển. Những nghiên cứu khác sẽ là cần thiết nhằm xác định rằng liệu các thể loại âm nhạc khác nhau có tạo ra những hiệu ứng khác nhau và việc tham dự các sự kiện văn hóa sẽ mang đến những tác động đến nội tiết tố như thế nào”.

Hát trong dàn đồng ca có thể giúp chữa trị ung thư

Thông tin này những tưởng chỉ là viển vông nhưng trên thực tế nó đã được chính các nhà khoa học đưa ra. Bằng chứng là, qua nghiên cứu cho thấy một giờ hát trong dàn đồng ca sẽ giúp tăng nồng độ của các chất miễn dịch, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Theo các nhà khoa học, việc tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm những căng thẳng mệt mỏi là các yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn ung thư tái phát.

Tiến sĩ Ian Lewis, người đứng đầu cuộc nghiên cứu tại tổ chức từ thiện Tenovus Cancer Care, cho biết: “Đây thực sự là những phát hiện đầy lý thú. Kết quả chỉ ra rằng việc hát trong một dàn đồng ca mang đến nhiều lợi ích xã hội, cảm xúc, tâm lý tích cực. Và bây giờ chúng tôi cũng thấy những tác động về mặt sinh học. Từ lâu nay, chúng tôi đã nghe đến việc tham gia hoạt động này làm cho mọi người cảm thấy phấn chấn nhưng đây là lần đầu tiên nó được chứng minh rằng hệ thống miễn dịch có thể bị ảnh hưởng bởi việc ca hát. Nó thực sự thú vị và có thể nâng cao cách thức của chúng tôi trong việc hỗ trợ những người mắc bệnh ung thư trong tương lai”. Cuộc nghiên cứu này là sự hợp tác giữa Tenovus Cancer Care và Trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia nước Anh.

Được biết, nghiên cứu được tiến hành với 193 thành viên thuộc 5 ca đoàn khác nhau và họ cùng được lấy mẫu nước bọt để phân tích trước và sau khi hát một giờ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tâm trạng của những người tham gia hoạt động này được cải thiện đáng kể, đặc biệt đối với những người bị trầm cảm và tinh thần kém hạnh phúc.

Đồng tác giả của cuộc nghiên cứu, Tiến sĩ Daisy Fancourt đến từ Centre for Performance Science cho biết thêm: “Nhiều người bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư có thể gặp những vấn đề về tâm lý như căng thẳng, lo âu, trầm cảm. Nghiên cứu này thú vị là bởi nó cho thấy một hoạt động đơn giản như ca hát có thể làm giảm một số ức chế căng thẳng, giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống”.

Diane Raybould, 64 tuổi, tham gia cuộc nghiên cứu này từ năm 2010 và có mặt trong ca đoàn Bridgend Sing With Us, cho biết: “Hát trong ca đoàn mang đến nhiều cảm xúc tích cực và nó khiến cho bạn cảm thấy tốt hơn”. Cô Raybould mắc bệnh ung thư vú ở tuổi 50 và từng mất đi cô con gái cũng với căn bệnh trên ở tuổi 28.

Một cuộc nghiên cứu khác liên quan đến âm nhạc cũng chỉ ra mối liên quan giữa tính cách cá nhân và sở thích âm nhạc. Việc bạn thích Sex Pistols, Norah Jones, Adele, One Direction hay Kanye West, có lẽ được quyết định bởi đặc điểm tính cách của bạn. Cuộc nghiên cứu của Đại học Cambridge tiến hành đối với hơn 4.000 người với những câu hỏi chi tiết về cách suy nghĩ của họ, kết quả chỉ ra rằng những người có mức độ đồng cảm cao thích âm nhạc êm dịu, nhẹ nhàng, có chiều sâu cảm xúc. Trong khi đó, những người ưa thích sự dữ dội thì nhạc rock, nhạc cổ điển hay jazz thích hợp với họ. Những kết quả nghiên cứu nói trên thực sự mang đến những thông tin thú vị, bổ ích và nó vẫn đang được phát triển nhằm đưa ra những kết luận thuyết phục nhiều hơn nữa.

HẢI DUY

Tin cùng chuyên mục