Những vấn đề băn khoăn, nhiều ý kiến tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, với âm nhạc dân tộc đã được đặt ra tại hội thảo “Âm nhạc dân tộc với cuộc sống hôm nay” do Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp cùng Nhạc viện TPHCM tổ chức ngày 9-8.
Lạc lõng
TS Văn Minh Hương, Giám đốc Nhạc Viện TPHCM nêu một thực tế: “Bức tranh của nền kinh tế thị trường ở TPHCM khá rõ: những lĩnh vực có sự tham gia của thành phần kinh tế ngoài nhà nước theo cơ chế xã hội hóa ngày càng phát triển. Ngoài những mặt được, nó cũng dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong lĩnh vực âm nhạc thời gian qua, vấn nạn nhiều ngôi sao trở thành nạn nhân hoặc tự biến mình thành… nạn nhân qua những scandal không mấy sạch sẽ cũng xuất phát từ đây. Lợi nhuận đã làm bẻ cong năng lực thật sự của các tài năng, qua đủ các chiêu thức lăng xê. Để thu hút khán giả, nhiều nhà đầu tư tìm mọi cách để đối tượng của mình được khán giả biết đến, bất chấp lòng tự trọng và đạo đức nghề nghiệp”. Trong vấn đề này, sự dễ dãi của một số phương tiện truyền thông, nhất là truyền thông mạng đã vô tình tiếp tay, khiến giá trị tài năng trong biểu diễn âm nhạc ngày càng nhiễu loạn, biến tướng. Một thực tế không khó nhìn thấy, nhiều nghệ sĩ được đầu tư đào tạo bài bản, có năng lực thật sự lại không thể sống bằng nghề nghiệp mình theo đuổi, khổ luyện trong khi nhiều người năng lực có hạn nhưng nhờ hậu thuẫn, nhờ công nghệ lăng xê trở nên mau chóng nổi tiếng và hái ra nhiều tiền nhờ một bước thành sao!
“Dòng âm nhạc truyền thống và dòng nhạc cổ diển thính phòng trở nên lạc lõng và bơ vơ trước cơ chế thị trường. Thực tế, đoàn ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, dàn nhạc dân tộc Nhạc viện TPHCM, một số CLB âm nhạc truyền thống tại các nhà văn hóa quận huyện, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch, dàn nhạc Nhạc viện TPHCM đều hoạt động cầm chừng. Đây dường như là những mảnh đất bị bỏ quên”, bà Minh Hương dẫn chứng.
Một cánh én không làm nên mùa xuân
GS-TS Trần Văn Khê cho rằng: “Không chỉ có bảo tồn, chúng ta cần phải có những hành động cụ thể bảo vệ âm nhạc dân tộc, ngăn chặn sự xâm hại của các loại nhạc lai căng. Âm nhạc dân tộc chưa đến được với các bạn trẻ, thanh thiếu niên thì coi như thiếu một phần sức sống”. Và một điều quan trọng, theo GS-TS Trần Văn Khê là nên đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, giáo dục cho các em học sinh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Viện Âm nhạc quốc gia tâm tư: “Thực tế, chúng ta đang thiếu sự ưu tiên đầu tư, đào tạo trong ngành âm nhạc dân tộc, từ cán bộ quản lý, nghệ sĩ biểu diễn. Các chương trình âm nhạc dân gian truyền thống thì đang hầu như vắng bóng trong khi các games show, chương trình truyền hình thực tế chỉ mang tính giải trí là chính thì lại đang chiếm lĩnh trên truyền hình. Cứ theo xu hướng này thì trình độ thẩm mỹ âm nhạc của công chúng bao giờ được nâng cao? Từ trước đến nay, truyền thống quan họ thường là hát đôi, nhiều lắm thì vài đôi cùng hát, chứ làm gì có chuyện đồng ca quan họ vài ngàn người, rồi lại còn hát quan họ mà hát nhép”.
“Một cánh én không làm nên mùa xuân”, câu nói của GS-TS Trần Văn Khê khiến nhiều người suy ngẫm. Theo GS-TS Trần Văn Khê, bảo tồn âm nhạc dân tộc cần phải thể hiện ở hướng tích cực, tức là phải có những chương trình hành động cụ thể, lộ trình thích hợp chứ không chỉ có bảo tồn bằng hình thức ghi chép, thu âm, quay hình rồi để đó tư liệu.
“Tôi mong rằng, những điều tâm tư mà hội thảo hôm nay đặt ra sẽ trở thành những chương trình hành động cụ thể và khả thi chứ không chỉ dừng lại ở những dòng báo cáo, ghi nhận. Bởi vì vấn đề này đã được nói đi nói lại qua rất nhiều hội nghị, hội thảo, tâm tư đã nhiều của không chỉ những người trong giới”, GS Nguyễn Thuyết Phong tâm huyết. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho rằng: “Những người làm công tác âm nhạc, cơ quan quản lý văn hóa và phương tiện truyền thông cùng góp phần hướng dẫn giáo dục thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Dự án sân khấu học đường trong hơn 10 năm qua cho thấy là hướng đi đúng”.
GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho hay thêm một tin vui, tháng 9 tới đây, trung tâm và Bộ VH-TT-DL sẽ tổ chức một hội thảo quy mô lớn để lập hồ sơ nghệ thuật hát bài chòi, trình tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
MINH AN