Âm nhạc dân tộc - Mạch ngầm chảy mãi

Định kỳ 2 năm một lần, Liên hoan dân ca Việt Nam góp phần quan trọng vào việc tìm kiếm, duy trì, bảo tồn và phát hiện các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ nguyên thể, phát hiện bồi dưỡng những nhân tố mới. Một điều không thể phủ nhận, âm nhạc dân tộc từ bao đời nay cứ như mạch ngầm chảy mãi và có sức sống bền bỉ trong cộng đồng.
Âm nhạc dân tộc - Mạch ngầm chảy mãi

Định kỳ 2 năm một lần, Liên hoan dân ca Việt Nam góp phần quan trọng vào việc tìm kiếm, duy trì, bảo tồn và phát hiện các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ nguyên thể, phát hiện bồi dưỡng những nhân tố mới. Một điều không thể phủ nhận, âm nhạc dân tộc từ bao đời nay cứ như mạch ngầm chảy mãi và có sức sống bền bỉ trong cộng đồng.

Cha truyền con nối

Sự tồn tại và phát triển của âm nhạc dân tộc, trong đó có các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, yếu tố cộng đồng - trong đó hạt nhân là gia đình - trở thành mắt xích then chốt trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần vô giá.

Ông Lâm Hoàng Viên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng đặc biệt nhấn mạnh đến hình thức cha truyền con nối: “Tôi cho rằng yếu tố cha truyền con nối chính là nhân tố quan trọng tạo nên sự kết nối trong cộng đồng. Truyền bá âm nhạc dân tộc có thể không cần qua trường lớp mà chính bằng con đường truyền miệng. Với người dân Khmer chúng tôi, có những đứa trẻ chưa biết nói nhưng khi nghe nhạc dân tộc là chúng đã có thể nhảy, hát theo một cách say mê. Từ nam, phụ, lão, ấu đều thích nghe nhạc, hát, múa”.

Cũng theo ông Viên, hiện các loại hình âm nhạc dân tộc của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng chưa được hệ thống hóa bằng văn bản một cách đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, họ luôn ý thức giữ gìn, kế thừa để bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một. Trong mỗi gia đình, những bậc cha, chú đi trước sẽ truyền lại cho con cháu mình kiến thức về âm nhạc dân tộc.

Bằng chứng rõ rệt nhất là trong Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Nam bộ lần này, đoàn Sóc Trăng mang đến một tiết mục đặc biệt: Dân vũ saricakeo của một gia đình gồm mẹ và hai con trai. Điểm thú vị là tiết mục này được truyền từ đời ông nội đến cha, giờ là con trai và hoàn toàn không có sự can thiệp của một biên đạo chuyên nghiệp nào.

Lần đầu tiên đến với liên hoan còn có đoàn đồng bào dân tộc Tà Mun (Tây Ninh) với một tiết mục truyền đời thú vị. Đó là làn điệu Ru con ngủ (tiếng Tà Mun là Dun con lơk) do chị Lâm Thị Niệm (ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân (Tây Ninh) biểu diễn. Chị Niệm cho biết: “Ca khúc này đã được bà, mẹ của tôi hát ru từ bao đời nay và cứ thế truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác chứ chưa hề có một văn bản nào dạy chi tiết”.

Âm nhạc của nhân dân

Tham gia Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Nam bộ có 12 đoàn đại diện cho 12 tỉnh, thành phố với hơn 200 nghệ nhân cùng các nghệ sĩ không chuyên. Mỗi đoàn mang đến liên hoan những tiết mục thú vị, đặc sắc mang đậm dấu ấn quê hương, dân tộc mình. Đoàn chủ nhà Đồng Tháp trình diễn khai mạc liên hoan với Liên khúc Lý - Dân ca Đồng Tháp, Tổ khúc hò và vè Đồng Tháp. Đoàn Trà Vinh mang đến điệu dân vũ Sự tích sấm sét và điệu dân ca Lời dạy người xưa. Đoàn Bạc Liêu có tiết mục Người Triều Châu ở Bạc Liêu hay tiết mục nói thơ, lý. Đoàn Kiên Giang mang đến hai tiết mục dân nhạc và dân vũ được dàn dựng sống động... Toàn bộ các tiết mục tại liên hoan đều do chính các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên dàn dựng nhằm đảm bảo tính nguyên bản.

Đoàn Trà Vinh mang đến liên hoan tiết mục dân vũ Sự tích sấm sét. Ảnh: TRANG ĐẶNG

Một trong những điểm nhấn của liên hoan năm nay đó là sự tham gia của nhiều nghệ sĩ không chuyên rất trẻ, trong đó có những em nhỏ. Có thể kể đến tiết mục Quê hương em (Dân ca S’Tiêng) được tốp ca thiếu nhi đoàn Bình Phước trình bày. Nhóm học sinh tiểu học đoàn Tiền Giang mang đến tốp ca Đồng Dao với hai ca khúc Con chim manh manhVè chim chóc. Chia sẻ về sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với các loại hình âm nhạc dân tộc,

PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan, khẳng định: “Giới trẻ không quay lưng lại với dân ca và các loại hình âm nhạc truyền thống. Vấn đề là chúng ta biết cách khơi gợi và hướng các bạn trẻ đến với âm nhạc dân tộc. Qua nhiều hoạt động giao lưu, thảo luận, tôi thấy các bạn rất say mê, yêu thích và có những câu hỏi thông minh chứ không hề vô tâm với âm nhạc dân tộc”.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục