Và trong thực tế, với cộng đồng người Việt tại Mỹ, âm nhạc còn mang đến rất nhiều cảm xúc và sự hữu hiệu khác nhau.
Ngay bản thân tôi, ban đầu lạ nước lạ cái, nhưng nhờ âm nhạc, giờ đây sau hơn nửa năm, tôi đã có rất nhiều bạn bè ở nhiều lứa tuổi và công việc khác nhau. Ngoài các show diễn tại các trung tâm thương mại hay các show ca nhạc của người Việt tổ chức, vào những dịp cuối tuần, tôi hân hạnh được mời đến nhà các bạn của mình để ăn uống và hát hò. Trong cuộc sống hối hả nơi xứ người, âm nhạc đã trở thành liều thuốc hiệu nghiệm giúp mọi người phục hồi tinh thần một cách nhanh chóng.
Như tâm sự của chị Nhung Nguyễn (chủ một spa uy tín có thâm niên tại TP Irving, vùng Dallas Fort Worth, Texas), những lúc nghêu ngao bài hát Việt cũng là một cách để chị cùng các bạn của mình vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Có lẽ nỗi xa quê chất chứa nhiều nỗi niềm nên thể loại ưa thích của chị Nhung và nhiều đồng hương chính là dòng nhạc bolero hoặc các ca khúc thuộc thể loại nhạc vàng gắn liền với tên tuổi của các danh ca Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Sĩ Phú…
Với tình yêu âm nhạc như thế, chị Nhung cùng các bạn của chị là ca sĩ John Nguyễn, Lâm Hưng, Bùi Cường đang ấp ủ mở một quán cà phê nhạc trữ tình có chất riêng trong thời gian tới, vừa để thỏa mãn nhu cầu bản thân, vừa cũng là nơi để phục vụ món ăn tinh thần đến với những đồng hương khác.
Cũng trên tinh thần như vậy, tối thứ bảy cuối tuần vừa rồi, một người bạn thân mới quen tại Mỹ của tôi là bác sĩ Hoàng Nguyễn cũng đã chính thức khai trương đêm nhạc thính phòng với chủ đề “Tình khúc một thời để nhớ” tại quán cà phê BT Coffee của anh trong khuôn viên trung tâm thương mại lớn của người Việt tại TP Arlington (Texas). Đêm mở màn thật nhiều ấn tượng, nhất là đối với các khán giả luống tuổi, tất cả hồ hởi, “nuốt” trọn từng ca khúc Việt một thời - để “thả trôi” nhẹ nhàng những ký ức đẹp đẽ êm đềm trên quê hương thương yêu hình chữ S cách xa hơn nửa vòng trái đất của mình.
Âm nhạc tại xứ Mỹ nói riêng hay ở hải ngoại nói chung không chỉ là chiếc cầu nối hữu hiệu kết nối tình đồng hương, mà còn là một công cụ thiết thực để thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại ôn rèn tiếng Việt. Năm 2012, khi tôi tác nghiệp tại giải bóng đá châu Âu - EURO tại Ba Lan, người bạn thân của tôi cũng dùng âm nhạc để dạy con mình tiếng Việt những lúc bận rộn.
Tại Mỹ, hình ảnh con trai của bạn tôi cũng thường xuyên tái hiện ở rất nhiều gia đình người Việt tại đây. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, trong các hội nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng, ngoài các bài học đọc, học viết, học vẽ…, các bé luôn được dạy cả những bài hát đồng dao đậm chất dân gian.
Quả thực, âm nhạc với ngôn ngữ Việt đi vào tiềm thức của đứa trẻ một cách tự nhiên như chính hơi thở - để từ đó những đứa trẻ lớn lên ở xứ người vẫn không quên ngôn ngữ, quê hương của bố mẹ và của chính mình.