Âm nhạc trên truyền hình: Đổi mới, tôn giá trị cũ

Việc một số chương trình âm nhạc, nhất là ca hát, trên truyền hình tăng sức nóng trở lại thời gian gần đây một lần nữa minh chứng: dù có những nốt trầm nhưng đó vẫn là món ăn giải trí tinh thần không thể thay thế.
Ca sĩ mặt nạ với những phần thi được đầu tư, dàn dựng hoành tráng. Ảnh: VIE CHANNEL
Ca sĩ mặt nạ với những phần thi được đầu tư, dàn dựng hoành tráng. Ảnh: VIE CHANNEL

Nóng trở lại

“Tôi nghĩ âm nhạc quay trở lại đúng thời điểm mọi người đang cần đến nó. Âm nhạc luôn có chỗ đứng nhất định trong cuộc sống, đặc biệt sau mùa dịch căng thẳng. Người ta tìm đến âm nhạc vì nó dễ tạo nên sự rung động”, NSƯT Vũ Thành Vinh, Giám đốc Truyền thông Khang (Kmedia) nhận định. Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, cũng chia sẻ: “Tôi luôn cho rằng, với các hình thức giải trí trên truyền hình, bên cạnh phim truyện, âm nhạc luôn tạo ra sự dễ chịu và có sức sống lâu bền nhất”.

Nhận định của hai nhà sản xuất trên đúng với thực tế đang có nhiều chương trình ca hát trên truyền hình được khán giả yêu thích. Đầu tiên phải kể đến Ca sĩ mặt nạ (The Masked Singer Vietnam) với sự tham gia của 15 ca sĩ - nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam. “Có những bài hát bình thường mình nghe không có gì đặc biệt mà phối lại, thêm mấy ca sĩ mặt nạ quá đỉnh”, là nhận xét của khán giả. Nhiều tập phát sóng của chương trình lọt top 1 thịnh hành trên YouTube và thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.

Dù không xuất hiện với số lượng ồ ạt, nhưng các chương trình về ca hát trên truyền hình hiện đa dạng cả về thể loại và hình thức thể hiện. Ở mảng cuộc thi, có sự trở lại của Sao mai 2022 - cuộc thi uy tín hơn 20 năm qua với chất lượng chuyên môn cao của thí sinh. Dòng nhạc bolero đánh dấu màn tái xuất của Tình bolero sau 2 năm vắng bóng với kịch bản hấp dẫn, bản phối hiện đại nhưng không làm mất đi màu sắc gốc. Vote for five đi theo mô hình khá thịnh hành tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… nhằm tìm ra 5 nam ca sĩ trẻ tài năng sẽ được đào tạo, luyện tập, biểu diễn để thành lập một nhóm nhạc thần tượng. Bài hát hay nhất phiên bản Big song big deal cũng làm mới khi áp dụng hình thức đấu giá các sáng tác mới.

Trong khi đó, ở mảng chương trình ca nhạc truyền thống, Trăm năm ánh Việt - chương trình thực tế dành cho bộ môn cải lương, hay Tài tử miệt vườn - cầu nối đưa đờn ca tài tử đến với công chúng, cũng có những màu sắc mới lạ.

Tìm lại giá trị

Sau nhiều năm sản xuất các chương trình về ca hát, bà Bích Liên vẫn giữ nguyên quan điểm yếu tố quan trọng đầu tiên vẫn phải là giọng hát. Bà cho biết: “Chương trình bắt buộc phải tìm ra, hay có những nhân tố sở hữu chất giọng đẹp. Các yếu tố khác như hòa âm, bản phối, dàn dựng sân khấu… sẽ góp phần tôn thêm cho giọng hát ấy. Nhưng nếu chỉ hát hay thôi chưa đủ, giọng ca ấy phải có cả kỹ năng trình diễn, khả năng thu hút khán giả mới trở thành giọng ca thành công”.

Nhiều năm qua, “bài toán” thí sinh vẫn luôn khiến các đơn vị sản xuất đau đầu. Các cuộc thi về ca hát giảm nhiệt một phần cũng bởi thiếu đi các nhân tố mới, có tài năng và thực lực. Các đơn vị sản xuất hiện cũng không dám tổ chức các chương trình tìm kiếm tài năng quy mô như cách Vietnam Idol, Giọng hát Việt... từng thực hiện trong quá khứ vì quá tốn kém về chi phí. Điều này từng dẫn đến thực trạng các thí sinh nhẵn mặt từ chương trình này đến chương trình khác, khiến khán giả ngao ngán. 

NSƯT Vũ Thành Vinh phân tích: “Hiện nay, đa phần các show đều là những người cũ. Nhưng điều quan trọng khi họ quay trở lại, mình mang đến câu chuyện và màu sắc mới như thế nào? Tôi cho rằng, cách làm mới hiện nay vẫn là con người đó, âm nhạc đó nhưng mình tìm thấy những chất liệu, cách tiếp cận riêng, đặc biệt mang những câu chuyện đương thời vào âm nhạc”.

Chia sẻ về lý do chọn sân khấu Ca sĩ mặt nạ để quay trở lại, Lương Bích Hữu cho biết, với mình, chương trình này rất mới mẻ và hay. Việc giấu mặt để hát vốn không xa lạ với nhiều chương trình ca hát từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc chọn hình tượng và hóa trang suốt các tập phát sóng của Ca sĩ mặt nạ là điểm nhấn thú vị.

Ở phương diện ban giám khảo hay cố vấn, người ngồi ghế nóng không nhất thiết phải cực kỳ nổi tiếng. Những gương mặt được lựa chọn đều được đảm bảo về yếu tố chuyên môn, cân đối hài hòa với tính giải trí. Rõ ràng, cách tổ chức sản xuất gameshow hiện tại đã thay đổi khi phần chi phí dành cho sản xuất từ dàn dựng sân khấu, hòa âm, phối khí... được chú trọng hơn.

Ông Vũ Thành Vinh cũng cho rằng, phải dùng âm nhạc để lan tỏa vào đời sống. Sau mỗi cuộc thi, các nhân tố này cùng ban tổ chức làm được gì thêm cho âm nhạc để những giá trị ấy tồn tại lâu hơn. Nếu không tìm ra nhân tố nổi bật, điều mà mỗi đơn vị sản xuất mang đến qua chương trình là gì, cần được nhìn nhận nghiêm túc.

Tin cùng chuyên mục